|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội cấm shipper tự do, shipper của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada được hoạt động

16:46 | 25/07/2021
Chia sẻ
Đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin nhân viên của các cơ quan bưu chính, siêu thị, sàn thương mại điện tử được phép hoạt động, nhưng phải đảm bảo các điều kiện phòng dịch, quản lý chặt chẽ. Các shipper tự do, chủ yếu phục vụ hàng ăn uống thì cấm hoạt động

Ngày 25/7, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội nói rõ về nhân viên vận chuyển hàng hóa (shipper) được phép hoạt động và không được phép, theo tin từ TTXVN.

Theo ông Viện, nhân viên của các cơ quan bưu chính, siêu thị, sàn thương mại điện tử được phép hoạt động, nhưng phải đảm bảo các điều kiện phòng dịch, quản lý chặt chẽ. Các shipper tự do, chủ yếu phục vụ hàng ăn uống thì cấm hoạt động

Về hoạt động của shipper, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương thông tin, TP đã chỉ đạo ngành Công Thương, Sở GTVT phối hợp thống nhất đối tượng nào thuộc vận chuyển hàng hóa trong lĩnh vực thương mại điện tử, được phép lưu thông trên địa bàn với điều kiện quản lý chặt chẽ. Cụ thể đó là là những nhân viên "shipper" của hệ thống siêu thị, hệ thống logistic của sàn thương mại điện tử để tham gia vận chuyển trên địa bàn.

“Tháo gỡ được việc này sẽ bảo đảm được lưu thông hàng hóa trên địa bàn”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Hà Nội cấm shipper tự do, shipper của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada được hoạt động - Ảnh 1.

Hà Nội bắt đầu giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 6h ngày 24/7. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN).

Hôm qua 24/7, Sở GTVT Hà Nội cũng đã gửi văn bản tới các công ty công nghệ điều hành ứng dụng Grab, Be, Gojek, My Go, Fast Go về việc dừng hoạt động đối với xe mô tô hai bánh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa.

Sở yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm (ứng dụng gọi xe) dừng việc cung cấp ứng dụng gọi xe từ ngày 24/7 cho đến khi có thông báo mới đối với hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe ôm, kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper).

Sở cũng yêu cầu các đơn vị vận tải, đơn vị khai thác bến xe và đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải và các tổ chức, cá nhân có liên quan quán triệt và thực hiện nghiên chỉ đạo nêu trên và chủ động cập nhật các chỉ đạo mới của Trung ương, TP Hà Nội và có phương án sẵn sàng triển khai thực hiện khi có chỉ đạo mới tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hà Nội quyết định áp dụng thực hiện Chỉ thị 16 từ 6h ngày 24/7. Trao đổi với báo chí sáng cùng ngày, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết các ca mắc mới ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn lây là một trong những nguyên nhân chính khiến TP phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Bí thư Hà Nội khẳng định với nguy cơ lây lan dịch rất lớn, việc áp dụng nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình, phường xã với phường xã là rất cần thiết.

Trong sáng 25/7, TP đã phát hiện thêm 34 trường hợp nhiễm COVID-19. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (từ ngày 29/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 723 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, các chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến nay đã có 454 trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Thông qua tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc người có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng mới đây, thành phố đã phát hiện thêm tổng cộng 57 trường hợp nhiễm COVID-19.

Anh Đào

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.