|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hà Đô chấm dứt hoạt động chi nhánh miền Nam

20:08 | 03/01/2024
Chia sẻ
Một trong hai chi nhánh của Tập đoàn Hà Đô tại khu vực phía Nam được ra quyết định đóng cửa trong bối cảnh tình hình kinh doanh của tập đoàn gặp nhiều khó khăn.

Tập đoàn Hà Đô (Mã: HGD) vừa thông báo chấm dứt hoạt động chi nhánh miền Nam tại địa chỉ số 60 đường Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM. Quyết định này được đưa ra theo sự thay đổi kế hoạch kinh doanh và cần thiết lập lại doanh nghiệp của Hội đồng quản trị.

Chi nhánh của Hà Đô tại đường Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM - nằm đối diện sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Saigoncatering).

Tại ngày 30/9/2023, Hà Đô sở hữu 17 công ty con, 1 công ty liên kết, và 2 chi nhánh là Chi nhánh miền Nam và Chi nhánh Khách sạn IBIS Hà Đô tại số 2 đường Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM. Trụ sở chính của Tập đoàn đặt tại 8 Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội.

Hà Đô đang trải qua giai đoạn kinh doanh khó khăn. Trong 9 tháng đầu năm, tập đoàn ghi nhận doanh thu đạt 2.020 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 533 tỷ đồng, giảm 49%.

Trong đó, doanh thu mảng kinh doanh bất động sảngiảm 77% so với cùng kỳ, chỉ đem về 613 tỷ đồng, chiếm 9% tổng doanh thu. Trong khi đó, doanh thu mảng năng lượng giảm 11% với 1.295 tỷ đồng, chiếm hơn 64% cơ cấu doanh thu.

Sau ba quý đầu năm, tập đoàn mới thực hiện được 66% mục tiêu doanh thu và 50% chỉ tiêu lợi nhuận năm. 

Trong bản tin nhà đầu tư công bố tháng 11/2023, Hà Đô cho biết kế hoạch mở bán các sản phẩm còn lại của dự án Hado Charm Villas (giai đoạn 3) chưa thể triển khai do Ban lãnh đạo đánh giá thị trường bất động sản còn khó khăn, mở bán thời điểm đó chưa phải là thời điểm để tối ưu hóa lợi nhuận từ các sản phẩm còn lại.

Hà Đô cho biết dự án đã hoàn thiện toàn bộ mặt ngoài của 528 sản phẩm và đang hoàn thiện nốt các hạng mục tiện ích và hạ tầng để đưa vào sử dụng. 

Trong một diễn biến có liên quan gần đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một loạt các vi phạm trong phát triển điện mặt trời tại tỉnh Bình Thuận, trong đó có dự án thuộc sở hữu của Hà Đô.

Nội dung kết luận nêu rõ, CTCP Hà Đô Bình Thuận, chủ đầu tư Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4, là công ty con 100% vốn của Tập đoàn Hà Đô đã xây dựng nhà máy trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai. 

Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 được CTCP Hà Đô Bình Thuận khởi công vào tháng 3/2019, trên diện tích 58,1 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng.

Nhà máy này được lắp đặt từ 120.950 tấm pin theo công nghệ của Đức, tổng công suất lắp đặt là 48 MWp đã được hòa lưới phát điện ngày 31/5/2019 và chính thức vận hành thương mại ngày 4/6/2019.

Đây là một trong những dự án sử dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến của các nước G7 như: Sử dụng công nghệ trục xoay một chiều - tracking system của Ideematec (Đức) mang lại điện lượng cao hơn công nghệ giá đỡ cố định đến 25% và ổn định, điện lượng hàng năm đạt 92 triệu kWh. 

Ngoài nhà máy Hồng Phong 4, Hà Đô còn sở hữu nhà máy điện mặt trời Infra 1 (công suất 50 MW) cùng với 5 nhà máy thủy điện, 1 nhà máy điện gió.

Minh Hằng