|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Grab lấn sâu vào mảng tài chính, cung cấp dịch vụ 'mua trước trả tiền sau'

07:10 | 05/08/2020
Chia sẻ
"Kì lân gọi xe" Grab tiếp tục lấn sâu vào mảng tài chính sau khi Grab Financial Group công bố mở rộng danh mục dịch vụ.

Grab khởi đầu là một startup kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực gọi xe. Tuy nhiên, sau thời gian xây dựng hệ sinh thái người dùng - tài xế, Grab, cũng như các công ty gọi xe khác, bắt đầu lấn sân sang các mảng dịch vụ khác như giao hàng và gọi món, để tận dụng hệ sinh thái có sẵn.

Hồi đầu năm 2020, Grab đã nộp đơn lên chính quyền Singapore xin phép mở ngân hàng số, một trong những bước đánh dấu việc công ty nhảy vào thị trường công nghệ tài chính.

Mới đây, trong một thông cáo báo chí, Grab thông báo Grab Financial Group (GFG) đã mở rộng danh mục sản phẩm theo hướng nhiều công ty công nghệ tài chính (fintech) hiện đang triển khai.

Grab lấn sâu vào mảng tài chính, cung cấp dịch vụ 'mua sắm trước trả tiền sau' - Ảnh 1.

Grab Financial Group cung cấp dịch vụ mua trước trả tiền sau. Ảnh: Grab.

Một trong số các dịch vụ đáng chú ý mà GFG tung ra chính là "mua trước trả sau". Nhóm dịch vụ này bao gồm PayLater Instalments và PayLater Postpaid và được tích hợp trực tiếp trên nền tảng một số website thương mại điện tử. Theo kế hoạch, nhóm dịch vụ sẽ bắt đầu triển khai ở Singapore và Malaysia từ tháng 10/2020.

Việc "mua trước trả sau" giúp khách hàng quản trị dòng tiền tốt hơn bằng các cho phép trả góp, thậm chí trả góp không lãi suất với một số thương hiệu bán lẻ như Zalora. PayLater Instalments là dịch vụ giúp khách hàng chia số tiền thành 4 đợt trả góp, trong PayLater Postpaid giúp khách hàng hoãn thanh toán tới tháng tiếp theo.

Ngoài ra, một sản phẩm khác rất đáng chú ý của GFG được công bố trong thời gian gần đây là giải pháp đầu tư tài chính vi mô AutoInvest. Hiện tại, AutoInvest mới triển khai ở thị trường Singapore, và cho phép người dân đầu tư một khoản tiền nhỏ vào hệ sinh thái của Grab. 

"Bằng cách cung cấp các dịch vụ tài chính dựa trên giao dịch nhỏ, các công cụ quản lí tài chính thuận tiện và khả năng tiếp cận các sản phẩm của các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới, chúng tôi hi vọng sẽ mở khóa những tiềm năng to lớn của dịch vụ tài chính trong khu vực, mang đến lợi ích thiết thực cho toàn bộ người dân Đông Nam Á", ông Reuben Lai, giám đốc điều hành cấp cao của GFG tuyên bố.

Giải pháp đầu tư tài chính vi mô là một trong những hướng khai thác mà các startup fintech có thể triển khai ở thị trường Đông Nam Á. Trên thực tế, một trong những startup kiểu này là Finhay đã đạt được một số cột mốc nhất định: Giành giải nhì tại Fintech Summit Vietnam 2019, đồng thời tiếp tục gọi vốn thành công vào tháng 4/2020.

Chính vì thế, việc GFG nhảy vào lĩnh vực đầu tư tài chính vi mô cho thấy Grab đã thật sự nghiêm túc với mảng tài chính. Với hệ sinh thái người dùng đông đảo, từ tài xế cho tới khách hàng gọi xe, Grab hoàn toàn có ưu thế hơn khi cạnh tranh với các startup phải xây dựng cơ sở người dùng từ đầu.

Grab lấn sâu vào mảng tài chính, cung cấp dịch vụ 'mua sắm trước trả tiền sau' - Ảnh 2.

Phần lớn người dân Đông Nam Á chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng một cách đầy đủ. Ảnh: Grab.

Thậm chí, GFG còn làm cầu nối để người dùng có thể vay tiêu dùng từ bên thứ ba. Theo báo cáo từ BCG, một phần ba số người dùng sẵn sàng chuyển các dịch vụ của mình (như vay tiêu dùng) sang nền tảng số phi ngân hàng. Mảng vay tiêu dùng sẽ triển khai ở Singapore và Malaysia trước khi mở rộng sang quốc gia khác. 

Kể từ khi thành lập vào năm 2019, GFG đã đạt được những thống kê tăng trưởng ấn tượng. Riêng dịch vụ bảo hiểm cá nhân, GFG đã đạt 13 triệu lượt khách hàng kể từ tháng 4/2019. 

Hiện tại, dư địa của GFG vẫn rất lớn. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company năm 2019, 70% người dân Đông Nam Á chưa được cung cấp dịch vụ ngân hàng đẩy đủ. Ngoài ra theo tính toán, 75 tỉ USD sẽ chảy vào các tài kênh kĩ thuật số vào năm 2025.

Tiểu Phượng