Go-Jek đầu tư vào Việt Nam, nỗi lo không chỉ cho Grab
Tuyên bố mở rộng thị trường của Go-Jek cho biết: "Sau Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan là những quốc gia có dân số đông đúc trong khu vực".
Việc mở rộng thị trường của Go-jek cho thấy, nhu cầu dịch vụ gọi xe ở khu vực Đông Nam Á với 640 triệu dân đang ngày một tăng cao.
Trước mắt, Go-Jek sẽ ra mắt dịch vụ Go-Car tại Singapore – mô hình giống với GrabCar và UberX. Theo đó, khách hàng có thể thanh toán linh hoạt bằng tiền mặt hoặc thẻ.
Go-Jek được thành lập năm 2010 với tiền thân là công ty cung cấp dịch vụ xe ôm trên nền tảng di động mà chúng ta hay còn gọi là xe ôm công nghệ. Go-Jek đã trở thành niềm tự hào của giới start-up ở Indonesia khi phát triển nhanh chóng từ một ứng dụng kết nối xe gắn máy thành nền tảng cung cấp nhiều dịch vụ gồm vận chuyển, hậu cần, thanh toán di động, giao nhận thức ăn… và nhiều dịch vụ theo yêu cầu khác.
Gần đây, Go-Jek đã gọi vốn được hơn 1 tỷ USD tài trợ từ quỹ KKR của Mỹ và Tencent của Trung Quốc, trở thành đối thủ đáng gờm của cả Uber và Grab. Theo số liệu của CBinsights, Go-Jek có giá trị vốn hóa 1,8 tỷ USD. Go-Jek hiện đã có mặt trên 50 thành phố khắp thế giới.
Không chỉ đầu tư cho dịch vụ xe chung, mà hiện nay Go-Jek đã triển khai thành một hệ sinh thái với nhiều dịch vụ đa dạng khác nhau. Hiện nay, có 10 dịch vụ Go-Jek bao gồm: Go-Ride và Go-Car tương tự như Grab-Uber tại Việt Nam, Go-Food (giao đồ ăn nhanh), Go-Send (dịch vụ giao hàng), Go-Mark (dịch vụ mua sắm tạp hóa), Go-Box (dịch vụ đặt xe bán tải, xe tải…), Go-Tix (dịch vụ mua vé cho các dịch vụ giải trí), Go-Med (khách hàng có thể mua thuốc hoặc tư vấn, gọi bác sĩ đến khám tại nhà), GO-Life (ứng dụng riêng biệt, cung cấp các dịch vụ như massage, vệ sinh, ô tô và làm đẹp bất cứ khi nào khách hàng cần), Go-Pay (dịch vụ thanh toán).
Nếu tất cả các dịch vụ nói trên của Go-Jek đều được triển khai tại Việt Nam, sẽ không chỉ cạnh tranh với taxi hay xe ôm truyền thống mà cả với các lĩnh vực dịch vụ khác như cho thuê xe, thanh toán điện tử,…
Vấn đề đặt ra ở đây là chỉ mới có Grab, Uber, Việt Nam đã hoàn toàn bị động và lúng túng trong việc quản lý với các dịch vụ này, Việt Nam vẫn chưa định danh được đây là loại hình kinh doanh gì. Vậy với thêm hàng chục dịch vụ khác phát sinh trên nền tảng Go-Jek, Việt Nam sẽ phản ứng ra sao?.
Ngay tại chính quê hương, nơi sản sinh ra Go-Jek, hiện chính quyền Indonesia đã có những bước đi thắt chặt quản lý đối với các ứng dụng của kinh tế chia sẻ như Go-Jek. Theo đó, chính phủ Indonesia đã xây dựng xong một quy định mới bắt buộc các công ty gọi xe phải xin giấy phép từ Bộ Giao thông Indonesia để cung cấp dịch vụ vận tải công cộng. Quy định mới này sẽ được đưa ra trao đổi với các bên liên quan trong một hoặc hai ngày tới. Chính phủ Indonesia sẽ bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường gọi xe sau khi hãng Uber bán mảng kinh doanh ở Đông Nam Á cho đối thủ Grab.
Indonesia và một số nước Đông Nam Á đang xoay sở tìm cách quản lý các công ty gọi xe như Grab, Go-Jek, vốn bấy lâu nay cho rằng họ chỉ kinh doanh ứng dụng gọi xe và không sở hữu xe cũng như không thuê tài xế làm nhân viên chính thức nên không thể xem họ như là một công ty vận tải.
Cục trưởng Cục Giao thông đường bộ Indonesia Budi Setyadi nói rằng, một khi các công ty gọi xe được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ vận tải, họ phải tuân thủ các quy định áp dụng đối với một doanh nghiệp vận tải. Chẳng hạn như các xe mà họ sử dụng phải được kiểm định theo định kỳ và tài xế của họ phải có giấy phép đặc biệt để lái xe vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho xe ô tô, chứ không dành cho xe máy.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/