Gói hỗ trợ doanh nghiệp 16.000 tỉ đồng: Điều kiện vay thiếu thực tế
Woodland là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu Việt Nam, với khoảng 3.000 lao động và 60 triệu đô la Mỹ doanh thu năm ngoái từ các thị trường lớn như Mỹ và EU. Với quy mô lớn, nhân công nhiều, đây cũng là công ty chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch Covid-19 vừa qua khi khách hàng đột ngột dừng tất cả các đơn đặt hàng.
Dù tới nay, hoạt động của công ty đã khôi phục được phần nào nhưng những tổn thất từ đợt dịch vừa qua là không thể đo đếm liên quan tới tồn kho, dòng tiền, đặc biệt là quỹ lương, bảo hiểm xã hội dành cho người lao động. “Điều chúng tôi tiếc nhất là không giữ chân được người lao động thời gian vừa qua", ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch Woodland nói.
Công ty đã thử tìm hiểu các chính sách hỗ trợ của nhà nước nhưng đều không thể tiếp cận được vì đáp ứng những thủ tục đó là "quá mệt mỏi".
Theo ông Bằng, thủ tục gói hỗ trợ rất phức tạp mà lợi ích thì nhỏ. “Nói là doanh nghiệp không quan tâm thì không đúng. Nhưng nghĩ tới thời gian và công sức bỏ ra để xin hỗ trợ này mà không chắc được duyệt, tiêu chuẩn thì mập mờ nên chúng tôi không tham gia”, ông Bằng nói.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, sau hơn một tháng triển khai, đến nay chưa doanh nghiệp nào vay được gói tín dụng 16.000 tỉ đồng với lãi suất 0%/năm để trả lương cho người lao động.
Theo Điều 13, Quyết định 15, điều kiện để phê duyệt doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn là có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ 1-4 đến hết 30-3.
Doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc. Đặc biệt, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31-12-2019…
Cùng chung quan điểm, ông Đỗ Xuân Lập, Tổng giám đốc, Chủ tịch Tiến Đạt Furniture Corporation cho rằng, doanh nghiệp đã tới mức phải vay tiền để trả lương cho người lao động thì gần như không còn khả năng sản xuất, họ sẽ đóng cửa luôn. Điều kiện vay thì ngặt nghèo và thiếu thực tế nên doanh nghiệp không hào hứng vay.
“Những chính sách hỗ trợ giữa doanh nghiệp với nhau thì rất nhanh, ví dụ ngành điện lực, ngân hàng. Nhưng để xin được tiền hỗ trợ từ ngân sách thì tốn rất nhiều thời gian và công sức", ông Lập nói.
Theo điều tra nhanh từ 124 doanh nghiệp của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), 75% doanh nghiệp đã chịu thiệt hại lên tới hơn 3.000 tỉ đồng, bình quân 25 tỉ đồng với mỗi doanh nghiệp. Có 24% doanh nghiệp chưa xác định được thiệt hại; khoảng 1% cho rằng doanh thu của họ đã giảm 70%. Đến nay, các doanh nghiệp trong ngành gỗ mới chỉ khôi phục được khoảng 50% công suất sản xuất so với hồi trước dịch, một lãnh đạo Vifores cho biết.
Dệt may cũng là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch vừa qua và viễn cảnh vẫn rất u ám khi sức mua cả trong nước và nước ngoài đều suy giảm, thậm chí nhu cầu xuống dưới 50% so với hồi trước dịch.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may (Vitas) cho hay, với điều kiện đưa ra thì không doanh nghiệp nào có thể tiếp cận được gói hỗ trợ.
“Với quy mô doanh nghiệp dệt may trung bình khoảng 1.000 lao động mà không có doanh thu, trong tài khoản không còn khả năng chi trả tiền lương cho người lao động thì coi như đóng cửa”, ông Giang nói.
Theo ông Giang, các doanh nghiệp dệt may vừa muốn giữ chân người lao động, vừa muốn được nhà nước hỗ trợ nhanh với điều kiện rõ ràng, đơn giản hơn. Với những chính sách hỗ trợ đưa ra, vẫn chưa doanh nghiệp nào trong ngành may tiếp cận được.