Gói hỗ trợ 40 nghìn tỷ đồng: Tỷ lệ giải ngân rất thấp
Ngày 11/1/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 quy định một số chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có gói tín dụng ưu đãi lãi suất 2% với nguồn kinh phí từ ngân sách 40.000 tỷ đồng được kỳ vọng là "phao cứu trợ" để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân của gói tín dụng này vẫn rất thấp.
Ngân hàng Nhà nước cho hay, đến hết tháng 6/2023, số tiền hỗ trợ từ gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng chỉ đạt khoảng 590 tỷ đồng cho gần 2.100 khách hàng vay, bằng gần 1,5% tổng quy mô gói hỗ trợ.
Lý giải nguyên nhân kết quả giải ngân gói hỗ trợ lãi suất rất thấp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng từng đưa ra nhiều nguyên nhân, chủ yếu liên quan tới đối tượng hỗ trợ.
Theo Thống đốc, một số đối tượng đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất do lo ngại thanh tra, kiểm tra, nhất là các doanh nghiệp.
Khách hàng cũng lo ngại trong trường hợp sau này bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất thì rất khó xử lý, vì lúc đó số tiền này đã hạch toán lợi nhuận/chia cổ tức cho cổ đông.
Theo Thống đốc, thực tế, một số khách hàng đã được nhận hỗ trợ lãi suất, song hiện đã chủ động hoàn trả ngân hàng thương mại toàn bộ số tiền lãi đã được hỗ trợ lãi suất.
Theo quy định, doanh nghiệp muốn được giảm lãi 2% phải chứng minh được khả năng phục hồi, khả năng trả nợ. Vì vậy, với khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ khó có thể đáp ứng được yêu cầu này.
Ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc một công ty về vận tải cho biết, là doanh nghiệp nhỏ nên nguồn vốn này công ty chưa tiếp cận được.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, kết quả hỗ trợ lãi suất chưa như kỳ vọng là do một số vướng mắc như tâm lý e ngại thanh kiểm tra của doanh nghiệp, họ cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí phải bỏ ra khi theo dõi hồ sơ, chứng từ, thủ tục hậu kiểm...
Gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng có hiệu lực đến hết 31/12 năm nay. Ngân hàng Nhà nước dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế đến hết năm nay cũng chỉ đạt khoảng 2.570 tỷ đồng, tương đương chưa đến 6,5% tổng gói, tức là có đến trên 90% ngân sách hỗ trợ khó có thể giải ngân, không thể đến được tay doanh nghiệp.
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, ngân hàng tập trung cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, tập trung vào phân khúc nhỏ lẻ. Các hộ gia đình thường không đăng ký kinh doanh vì e ngại trong việc chứng minh mục đích sử dụng vốn.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngân hàng cũng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, sát sao chương trình tới từng chi nhánh. Ngoài ra, bên cạnh đó, ngân hàng cũng đã chủ động các chương trình giảm lãi suất cho khách hàng, cho vay mới với lãi suất ưu đãi để tiếp tục đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng để gói tín dụng được triển khai hiệu quả hơn trong thời gian còn lại, cần chỉnh sửa các điều kiện vay vốn để hợp lý. Bên cạnh đó nguồn vốn chưa dùng hết có thể chuyển sang các chính sách về tài khóa, hỗ trợ giảm thuế, phí trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp.
Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV thì nên chuyển tiếp hoặc chuyển sang một gói khác, hiệu quả hơn, phục hồi hỗ trợ cho doanh nghiệp.