Góc nhìn chuyên gia: Phá giá nhân dân tệ tác động thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam?
Thị trường chứng khoán Việt Nam mở đầu tháng 8 với những phiên giảm điểm mạnh do tác động thị trường toàn cầu. Việc đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu cho thấy một tiếng nói chung và động thái phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc càng dấy thêm lo ngại cho giới đầu tư.
Để làm rõ hơn về những tác động đến TTCK Việt Nam, chúng tôi có cuộc phỏng vấn với ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Biên An Toàn, Giám đốc Kinh doanh Chứng khoán VNDirect.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Biên An Toàn, Giám đốc Kinh doanh Chứng khoán VnDirect.
PV: Sau tháng 7 giao dịch tích cực, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu mở đầu tháng 8 với những phiên giảm điểm mạnh do thông tin Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Ông đánh giá như thế nào về động thái này của Trung Quốc và tác động đến TTCK toàn cầu?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Việc đồng nhân dân tệ bất ngờ phá vỡ ngưỡng "lằn ranh đỏ" (red line) là 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD đã gây ra một cú sốc cho giới tài chính toàn cầu. Bởi vì từ lâu họ đã mặc định đây là ngưỡng cực kì nguy hiểm cho nền kinh tế Trung Quốc khi hai tác động chính là làm gia tăng lạm phát và đảo nghịch dòng vốn khỏi Trung Quốc sẽ diến ra đồng thời.
Tuy nhiên, dưới góc độ chủ quan, đây là "phản đòn" cho gói áp thuế 300 tỉ USD mà Tổng thống Mỹ - Donald Trump vừa công bố và dấy lên một cuộc chiến tranh tiền tệ. Đây là kịch bản mà nhiều kinh tế gia đã và đang hình dung ra.
Việc Trung Quốc đột ngột "thả trôi" tỉ giá có chủ đích của họ chứng tỏ họ cũng đã có sự chuẩn bị về mặt kìm chế lạm phát cũng như outflow (đảo nghịch dòng vốn - PV) ra khỏi Trung Quốc.
Tác động của việc phá vỡ lằn ranh đỏ này thì không bàn cãi. Các thị trường trọng yếu đều phản ứng tiêu cực và Việt nam với mức tương quan cao, không ngoại lệ theo chiều hướng xấu.
PV: Giống như nhiều TTCK khác, Việt Nam chứng kiến những phiên giảm điểm mạnh ngay đầu tháng 8, kết hợp với động thái bán ròng của khối ngoại và bộ phận tự doanh trong ngắn hạn. Theo ông đánh giá, liệu đây chỉ là tâm lý ngắn hạn hay là thị trường đang gửi đi "thông điệp" khác?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Thị trường hình thành một mốc cản tâm lý quanh khu vực 1.000 điểm là khá rõ ràng. Ở mức này, định giá P/E của thị trường cũng không còn rẻ nữa (tầm 17 lần so với mức đáy quanh 14 lần). Điều này giải thích cho động thái quay đầu bán ròng của ngoại khối và tự doanh vì họ tương đồng về nhận định. Đó là lý do họ điều tiết tỉ trọng.
NĐT cần hiểu rằng giao dịch tự doanh được thống kê ở đây là tập hợp toàn bộ khối tự doanh của các công ty chứng khoán có đăng kí với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hai Sở HOSE và HNX chứ không phải riêng lẻ một khối tự doanh nào.
Còn khối ngoại có rất nhiều phân khúc, trong đó việc điều tiết giảm tỉ trọng khi thị trường về vùng fair value (định giá hợp lý – PV) thường là các hedge fund hay tracking index fund (các quỹ mô phỏng chỉ số hoặc ETF).
PV: Rõ ràng việc phá giá đồng nhân dân tệ giúp tăng cường xuất khẩu cho Trung Quốc, nhưng lại là sức ép cho các quốc gia đang nhập khẩu hàng hóa từ quốc gia này. Theo ông, ngành nào sẽ chịu sức ép lớn nhất tại Việt Nam?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Câu chuyện phá giá nhân dân tệ hiện tại thiên về một đòn phản công hơn là mục tiêu tăng cường xuất khẩu. Bởi vì Trung Quốc hiểu Mỹ cũng sẽ chặn bằng nhiều cách trong đó áp thuế đang rất hiệu quả.
Việc phá giá khiến giá hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn và sẽ tràn vào các thị trường khu vực Đông Á là điều khó tránh. Các quốc gia Đông Nam Á cũng dự báo được và đang dựng lên các hàng rào về thuế quan (tariffs), xuất xứ (C/0) để ngăn chặn là điều tất yếu để hãm bớt cũng như tránh trở thành mục tiêu tiếp theo của Mỹ.
Theo đánh giá của tôi, ngành chịu sức ép tại Việt Nam vẫn là thép và nông sản.
PV: Về dài hạn, theo ông đánh giá động thái này có tác động như thế nào đến TTCK Việt Nam? Ông có dự báo gì về sự dịch chuyển của các dòng vốn?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Về dài hạn, thị trường tài chính toàn cầu vẫn đang ở giai đoạn tương đối mong manh với những vấn đề trọng yếu là thương chiến Mỹ - Trung và suy giảm tăng trưởng.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia hưởng lợi từ việc dịch chuyển dòng vốn do thương chiến này và cơ cấu vốn FDI là rất rõ. Điều này giúp làm đầy kho dự trữ ngoại tệ và phòng chống biến động tỷ giá tốt.
Nhưng ở mặt rủi ro về dòng vốn đầu tư gián tiếp thì luôn hiện hữu vì tính bất ổn định vĩ mô khiến các dòng vốn "nóng" vào nhanh ra nhanh. Việc đảo chiều gây tác động xấu tới TTCK thông qua các mã cổ phiếu trụ như VN30.
Bất ổn vĩ mô thế giới có thể tác động đến dòng vốn đầu tư gián tiếp trên thị trường. Ảnh minh họa
PV: Sau tháng 7 giao dịch tích cực, không ít nhà đầu tư trong trạng thái hưng phấn, nắm giữ tỉ lệ cổ phiếu cao. Theo ông, họ nên có chiến lược gì lúc này?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Với vùng điểm 1.000 được xác lập như một vùng cản cứng của thị trường thì NĐT với phong cách tư lướt sóng nên cân đối lại tỷ trọng tiền và cổ phiếu theo hướng phòng thủ.
Thị trường đang bị tác động bởi những thông tin vĩ mô toàn cầu, nhưng cũng tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn ở những giai đoạn điều chỉnh như thế này. NĐT phải nhận diện rằng cơ hội luôn tồn tại và quan trọng là nắm bắt như thế nào, ngành nào, công ty nào sẽ được hưởng lợi trong tương lai gần và sau đó.
PV: Cuối cùng, ông có dự báo về kịch bản thị trường chứng khoán Việt Nam những tháng cuối năm? 'Cửa sáng' của thị trường là gì theo ông?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Quan điểm của tôi không bi quan cũng không lạc quan lắm về thị trường. Hiện tại có thể thấy trạng thái thị trường là phân hóa và dao động trong một biên độ tương đối với điểm số chung từ 950 – 1.000 điểm.
Trạng thái này được thiết lập bởi dòng tiền cho thị trường hiện tại khá yếu, bị san sẻ bởi trái phiếu khá nhiều cũng như phân bổ qua các loại tài sản khác như bất động sản hay vàng. Hiện kênh đầu tư vàng đang có "sóng".
Cùng với đó, các quỹ đầu tư lớn trên thị trường cũng khó khăn trong việc huy động vốn do hiệu quả thấp và khó giải ngân trong đầu tư do lượng cổ phiếu tiềm năng ít.