Những sự kiện NĐT cần lưu ý khi 'xuống tiền' mua cổ phiếu trong tháng 8
CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC, Mã: BSI) vừa công bố báo cáo nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 8 với tiêu đề - "Không nhiều dư địa tăng điểm". Hai kịch bản thị trường được công ty chứng khoán này đưa ra:
Trường hợp tích cực, VN-Index giữ trên 965 điểm ở nhịp điều chỉnh sau khi kiểm tra hoặc vượt 1,000 điểm. Thanh khoản duy trì ở mức yếu.
Trường hợp tiêu cực, VN-Index có thể giảm dưới 950 điểm nếu có những thông tin bất lợi từ thế giới.
Cũng trong báo cáo này, Chứng khoán BSC đưa ra đánh giá về một số sự kiện có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam:
Nguồn: Chứng khoán BSC
Thứ nhất, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định dù vậy các động lực đóng góp tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại.
Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định ở các chỉ tiêu quan trọng. CPI tháng 7 tăng 0,18%, đưa mức CPI 7 tháng đầu năm đạt 2,61% so cùng kì, CPI bình quân 7 tháng tăng 2,61% đều là mức thấp trong vài năm gần đây. Giá USD giảm 0,56% trong tháng 7, giảm 0,27% so với tháng 12 và tăng 1.1% so cùng kì năm trước.
Lãi suất thị trường liên ngân hàng kì hạn ngắn giữ dưới 3%, lãi suất huy động có dấu hiệu tăng ở kì hạn trung và dài hạn dù vậy chỉ mang tính cục bộ. Thu ngân sách nhà nước đến 15/7 bằng 55,1% dự toán, thặng dư 51.500 tỉ đồng.
Dù vậy các động lực đóng góp tăng trưởng vẫn đang có dấu hiệu chậm lại so cùng kì: Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng 7 tháng 2019 ở mức 11,6%, giảm 0,4% so với mức tăng cùng kì 2018; Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 9,4% so với mức tăng 10,7% cùng kì.
Các chỉ tiêu khác, tổng số vốn FDI đăng kí cấp mới và vốn tăng thêm giảm 35,6% so cùng kì; Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách tăng 3,9% cùng kì so với mức tăng 9,7% năm 2018; Tổng kim ngạch XNK tăng 7,5% so cùng kì so với mức tăng 13.6% của năm 2018.
Theo Chứng khoán BSC, cho dù Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thì sự đi xuống của kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng đến Việt Nam.
Khi các nước đang bước thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ hỗ trợ kinh tế, những thay đổi trong chính sách điều hành phù hợp với xu hướng chung và đảm bảo cân bằng giữa các cấu khối vĩ mô cũng sẽ sớm định hình trong quí III nhằm hỗ cho đà tăng của nền kinh tế theo chu kì vào quí IV hàng năm.
Những điều chỉnh nếu có về chính sách tiền tệ cũng sẽ có tác động đáng kể lên TTCK vào những tháng cuối năm.
Thứ hai, tính đến 31/7, 87% công ty niêm yết trên HOSE và HNX công bố KQKD quí II, LNST tăng trưởng 11,9% so cùng kì và có sự phân hóa mạnh.
650 công ty trên 2 sàn công ty bố KQKD quí II với tổng giá trị LNST tuyệt đối đạt 54.405 tỉ đồng, tăng 11,9% so cùng kì năm 2018. Số lượng công ty có LNST tăng trưởng dương chiếm 51,5% và số công ty công bố có lãi chiếm 89%.
Bức tranh lợi nhuận cho thấy nhóm VN30 và Ngân hàng đều đang có mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%, vượt xa so mới mức tăng trưởng chung của thị trường là 11,9%. Các công ty còn lại sẽ công bố KQKD và nhiều khả năng không làm thay đổi đáng kể kết quả tổng thể. Động lực tăng điểm từ KQKD quí II không còn nhiều và phụ thuộc vào thông tin hỗ trợ khác.
Thứ ba, danh mục thành phần VN30 kì II/2019 có hiệu lực từ ngày 5/8, các ETFs cũng chốt dữ liệu để rà soát danh mục quí III.
HOSE cập nhật thành phần chỉ số VN30 kì II/2019, trong đó BID và BVH sẽ tham gia mới thay thế cho CII và DHG. Tỷ trọng BID và BVH trong VN30 khoảng 0,9% theo tính toán của Chứng khoán BSC. Chỉ số có hiệu lực chính thức vào ngày 5/8, hoạt động giao dịch thay đổi tương ứng của các quỹ mô phỏng VN30 thực hiện trước thời điểm này.
Theo nhận định của Chứng khoán BSC, các quĩ FTSE và VNM ETF cũng sẽ chốt dữ liệu vào cuối tháng 8 để cơ cấu lại danh mục các cổ phiếu định kì quí III.
Thông thường hiệu ứng biến động giá thường xảy ra từ các kết quả dự báo trước đó. Những cổ phiếu lớn chuyển sang sàn Hose sẽ có cơ hội tham gia các ETFs trong kì tới, báo cáo nêu.
Thứ tư, đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa có thông tin đột phá trong cuộc họp cuối tháng 7, chuẩn bị cho vòng sau vào tháng 9.
Vòng đám phán thương mại 30-31/7 tại Trung Quốc được khởi động lại sau 3 tháng ngưng trệ trong bối cảnh xuất hiện nhiều chỉ trích của Tổng thống Mỹ trên Tweeter. Những lời chỉ trích Trung Quốc không sẵn lòng mua nông sản Mỹ và tiếp tục lợi dụng nước Mỹ được đưa ra trong khi truyền thông Trung Quốc phủ nhận và nhắc lại quan điểm "nối lại đàm phán trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau".
Nhiều nhận định đều cho rằng hội nghị sẽ không có đột phá lớn mà chỉ là hoạt động thăm dò quan điểm của nhau. Vòng đàm phán này được xem như là phép thử đánh giá khả năng Trung Quốc tiếp tục đàm phán dựa trên văn bản thỏa thuận phác thảo hồi đầu tháng 5/2019 hay chiến thuật "câu giờ" sau kì bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 hoặc có thêm đề xuất khác từ phía Trung Quốc.
Theo như thông tin từ thông tấn Trung Quốc, hai bên sẽ tiến hành vòng đàm phán thương mại cấp cao tiếp theo sẽ diễn ra tại Mỹ vào tháng 9 tới. Trong quá trình đàm phán các bên cũng đang tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thương mại và xuất khẩu. Điều này cho thấy kì vọng đột phá chưa cao và các bên đang sẵn sàng chuẩn bị cho việc đàm phán kéo dài và tính đến cả kịch bản chiến tranh thương mại leo thang.
Thị trường thế giới tháng 7 đang chuyển hướng quan tâm đến chính sách tiền tệ của các nước lớn. Tuy nhiên cuộc chiến thương mại sẽ sớm quay trở lại thành tâm điểm khi những toan tính chính trị khác nhau có thể đẩy cuộc chiến đi xa hơn mức thị trường có thể dự báo.