Góc nhìn chuyên gia: Dòng tiền sẽ tự tin hơn khi có nhóm ngành 'giữ lửa' cho thị trường
Trong phiên giao dịch cuối tuần, thị trường trong nước hồi phục sau khi giảm xuống mức thấp nhất một năm, giao dịch sôi động trở lại với điểm nhấn tập trung vào cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ với nhiều mã tăng trần. Đà tăng tương đối dàn trải để ngỏ cơ hội VN-Index có thể tiếp tục hồi phục trong tuần tới.
Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, ông Nguyễn Trung Du , Giám đốc Dịch vụ đầu tư & Quản lý tài sản, Công ty Chứng khoán Tân Việt, cho biết vào hôm VN-Index phá đáy nhưng VN30-Index lại không phá đáy trong khi cách đây 1 – 2 tháng chỉ số rổ VN30 yếu hơn VN-Index.
Hiện các nhà đầu tư lớn, các tổ chức đang bi quan hơn các nhà đầu tư cá nhân rất nhiều và phát ngôn của các giám đốc quỹ trong thời gian gần đây, nhất là các quỹ toàn cầu hoặc quỹ Việt Nam hầu hết đã chuyển từ hướng tích cực sang tiêu cực, ít người còn giữ được quan điểm trung lập hoặc tích cực trong ngắn hạn.
Điều đó được thể hiện ở mặt bằng bluechip bị bán rất mạnh còn trong đợt giảm ngày 6/7 có diễn biến ngược lại, có vẻ các tổ chức vừa và lớn đã bình tĩnh hơn nhưng cá nhân nhỏ lẻ lại hoảng loạn hơn. Chính vì thế VN-Index giảm mạnh hơn VN30-Index, hiện tại chỉ số nhóm VN30 chưa phá đáy và vẫn ở quanh mức 1.200.
Còn về độ rộng thị trường, ngày 8/7 có 60% cổ phiếu tăng điểm. Đó là một điều tích cực bởi vì một số nhóm ngành như bất động sản, một số cổ phiếu có xu hướng tăng trần tạo ra sự lan tỏa của dòng tiền. Chỉ cần một vài nhóm duy trì được lửa cho thị trường, dòng tiền của mọi người sẽ tự tin nhập cuộc.
Về hoạt động kinh doanh, ông Du cho rằng ngành ngân hàng và ngành chứng khoán vẫn sẽ tăng trưởng vào nửa cuối năm nay. Ngân hàng Nhà nước đã có một số tháo gỡ cho những ngân hàng về việc tăng trưởng tín dụng vì vậy hầu hết ngân hàng đều duy trì tốc độ tăng trưởng so với năm trước.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đang chậm lại bởi thanh khoản còn khá thấp, dư nợ margin giảm khoảng 50% và tự doanh cũng bị ảnh hưởng cho nên kết quả 6 tháng cuối năm sẽ là bức tranh hơi trái ngược.
Theo ông Du, thanh khoản chắc chắn vẫn là một vấn đề đau đầu bởi vì những phiên như hôm 7/7 thấp kỷ lục trong khoảng 18 – 20 tháng trở lại đây, chỉ ở mức hơn 7.000 tỷ. Sự hồi phục là đương nhiên bởi mọi thứ đã có đà và thị trường đang có điều kiện hồi phục tốt. Thứ nhất giá hàng hóa đang bắt đầu suy giảm, thứ hai lãi suất trái phiếu cũng giảm, thứ ba những nỗi lo về suy thoái đang được đẩy lên đến đỉnh điểm, tức là ai cũng nói về suy thoái và ai ai cũng sợ.
“Mặc dù dự báo 2 quý suy thoái liên tiếp đang làm tâm lý nhà đầu tư bi quan hơn nhưng đó chỉ là định nghĩa của giới tài chính, được một số ít chấp nhận. Có những định nghĩa khác của Cục Phân tích dữ liệu kinh tế Mỹ nói rằng phải nhiều quý liên tiếp và tốc độ của nó phải ngày càng âm đi mới đúng nghĩa suy thoái. Trong khi đó dự báo GDP quý II của Mỹ nhiều chuyên gia vẫn tin sẽ dương và cá nhân tôi cũng đồng ý với quan điểm như vậy”.
Ở đây nếu có sự đảo nghịch như vậy, nếu GDP vẫn dương cùng với giá hàng hóa giảm, không có cớ gì Fed không làm mềm quá trình tăng lãi suất và các thị trường sẽ có cơ hội hồi phục 1 – 2 tháng.
Vừa qua, thị trường Mỹ đã tăng điểm và có phiên tăng thứ 4 liên tiếp. Phiên tăng này cũng đánh dấu phiên tăng điểm thứ tư liên tiếp trong tháng của chỉ số S&P 500 kể từ lúc ghi nhận mức giảm sâu nhất năm 1970.
Cụ thể, giới đầu tư đã đón nhận những thách thức trên thị trường chứng khoán sau khi biên bản cuộc họp tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy có thể sẽ có một chương trình tăng lãi suất mạnh hơn sau nửa đầu năm với các đợt bán tháo mạnh do mối lo lạm phát, xung đột ở Ukraina và việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Bước sang tháng 7, thị trường chứng khoán Mỹ lại diễn biến khá ổn định.
Nói đến dòng tiền, ông Du nhận định nếu xét về ngắn hạn định giá đang quá rẻ, môi trường Việt Nam vĩ mô thực sự rất tốt. Ta thấy GDP quý II tăng trưởng 7,7%, lạm phát năm nay chỉ khoảng 3 – 4%, trong khi các nước đang lạm phát có thể lên đến 80%. Ngoài ra tỷ giá đang rất ổn định, dự trữ ngoại hối tốt, đầu tư gián tiếp nước ngoài FPI vẫn tăng trưởng. Nếu nhìn về mọi mặt vĩ mô của Việt Nam đang rất tốt, chỉ khi đặt trong bối cảnh thế giới đang xấu buộc ta phải giảm theo.