Cổ phiếu ngân hàng tuần qua: Một mã tăng gần 22% sau 2 tuần, tự doanh tiếp tục gom mạnh EIB
VIB tiếp tục tăng mạnh, tự doanh gom thêm EIB
Tiếp nối xu hướng của tuần trước đó, sắc xanh tiếp tục chiếm ưu thế trên nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua (4/7 - 8/7) với 14 mã tăng giá, 10 mã giảm và 3 mã đứng tham chiếu.
Trong đó, cổ phiếu VIB tiếp tục có một tuần giao dịch tích cực khi tăng mạnh 10,1%, kết tuần tại mức 25.050 đồng/cp. Như vậy, sau 2 tuần gần nhất, cổ phiếu này đã tăng gần 22%, mức cao nhất toàn ngành; qua đó ra khỏi vùng giá thấp nhất trong hơn một năm trở lại.
Xếp sau VIB là KLB với mức tăng 8,2%. Riêng trong phiên cuối tuần, cổ phiếu này đã tăng mạnh 4,1%. Dù vậy, thanh khoản của KLB chỉ ở mức rất thấp. Một số cổ phiếu ngân hàng tư nhân có vốn hóa lớn như TCB, MBB, STB hay SHB có mức tăng trong tuần dao động từ 1 - 4,3%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng quốc doanh không có mã nào tăng giá trong tuần qua. VCB đứng tham chiếu, BID giảm nhẹ 0,1% còn CTG lại giảm tới 3,9%, mức cao nhất toàn ngành trong tuần. Trong phiên cuối cùng của tuần (8/7), cả 3 mã này có mức điều chỉnh nhiều nhất trong nhóm ngân hàng, mức giảm từ 1,5 - 3,6%, qua đó cũng là những mã tác động tiêu cực nhất tới VN-Index phiên này.
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục có sự sụt giảm trong tuần này. Cụ thể, trong tuần có tổng cộng 489 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, giảm 7,2% so với tuần trước); song giá trị giao dịch lại đạt 12.135 tỷ đồng, nhích nhẹ gần 1%.
STB tiếp tục đứng vị trí dẫn đầu về thanh khoản với khối khối lượng giao dịch đạt hơn 106 triệu đơn vị, gần gấp đôi mức 56,2 triệu của MBB đứng sau đó, tương đương với giá trị giao dịch đạt 2.419 tỷ đồng. Xếp sau đó là các mã VPB, SHB, LPB, TCB với thanh khoản dao động từ 32 - 43 triệu đơn vị.
Trong tuần này, các nhà đầu tư nước ngoài đã ngưng gom mạnh CTG và HDB, trong khi đó vẫn mua ròng 92 tỷ đồng STB. Tính lũy kế 2 tuần gần đây, khối ngoại đã mua ròng gần 200 tỷ đồng STB.
Ở chiều ngược lại, VPB và VCB tiếp tục bị khối ngoại bán ròng lần lượt là 164 và 135 tỷ đồng, đều năm trong top cao nhất toàn thị trường tuần qua.
Đáng chú ý, nhóm tự doanh tiếp tục gom thêm gần 170 tỷ đồng EIB trong tuần này, nâng tổng giá trị mua ròng trong 2 tuần gần đây lên gần 380 tỷ đồng, cao hơn nhiều các mã bluechip khác như TCB (88 tỷ đồng), STB (43 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, chung động thái với khối ngoại, nhóm tự doanh cũng bán ròng hơn 30 tỷ đồng VCB.
Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
Dragon Capital đã mua vào 2,3 triệu cổ phiếu STB thông qua hai quỹ thành viên là CTBC Vietnam Equity Fund (2 triệu cp) và Norges Bank (300.000 cp), đồng thời bán ra 200.000 cổ phiếu thông qua Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch HĐQT SeABank đã đăng ký mua 2,8 triệu cổ phiếu của ngân hàng. Nếu giao dịch thành công, số cổ phiếu mà bà Nga nắm giữ tại SeABank sẽ nâng lên thành 68,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu là 3,439% vốn điều lệ ngân hàng.
NHNN chấp thuận việc Techcombank tăng vốn điều lệ tối đa thêm hơn 63,2 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động.
TPBank công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 3.788 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 4/7, NHNN đã điều chỉnh chính sách bán ngoại tệ từ bán kỳ hạn không hủy ngang 3 tháng sang bán giao ngay và nâng giá mua tại sàn NHNN lên 23.400 đồng.
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất khi bắt đầu bước sang tháng 7 với sự góp mặt của "ông lớn" Agribank. Trong đó ACB là ngân hàng có mức điều chỉnh lãi suất mạnh nhất 0,9 điểm % cho kỳ hạn 1 tháng và 9 tháng.
NHNN cho biết tính đến ngày 9/6/2022, tín dụng toàn hệ thống tăng 8,15% so với cuối năm 2021. Như vậy, trong vòng 20 ngày, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 1,2 điểm %, tương với quy mô khoảng 125.000 tỷ đồng.
VPBank thông báo phát hành 30 triệu cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ với tỷ lệ phát hành 0,675%. Tổng giá trị phát hành là 300 tỷ đồng. Thời gian phát hành cổ phiếu theo kế hoạch là trong tháng 7 này.