|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

KBSV hạ dự phóng vùng điểm hợp lý của VN-Index cuối năm từ 1.680 xuống 1.418 điểm

08:00 | 10/07/2022
Chia sẻ
Theo các nhà phân tích của KBSV, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ở trạng thái bình thường, P/E của VN-Index giao dịch hợp lý ở mức 16,5 lần (tương ứng bình quân 5 năm gần nhất) với bệ đỡ đến từ nền tảng kinh tế vững mạnh, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết liên tục được cải thiện.

TTCK Việt Nam điều chỉnh mạnh trong nửa đầu năm với thanh khoản sụt giảm

Theo báo cáo chiến lược thị trường 6 tháng cuối năm 2022 của Chứng khoán KB (KBSV), thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm mạnh trong nửa đầu năm, tập trung chủ yếu vào quý II sau giai đoạn quý I lình xình đi ngang với nguyên nhân chủ yếu đến từ diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán toàn cầu trước các lo ngại tăng dần về rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ dưới tác động của việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, lạm phát tăng mạnh.

Tính cho nửa đầu năm 2022, VN-Index giảm 22,5% về điểm số, trong khi giá trị giao dịch bình quân phiên giảm 5% so với cùng kỳ.

 

Theo các nhà phân tích của KBSV, trong tương quan so sánh về mặt định giá với các thị trường chứng khoán trong khu vực, thị trường Việt Nam có sức hấp dẫn vượt trội với P/B thấp và P/E thấp trong tương quan so sánh tăng trưởng EPS bình quân 3 năm gần nhất và P/E.

Điều này cũng được phản ánh qua động thái mua ròng của khối ngoại trong giai đoạn VN-Index điều chỉnh sâu thời gian qua, trong khi đẩy mạnh bán ròng ở các thị trường trong khu vực. Việc thị trường chứng khoán Việt Nam bị định giá thấp bất chấp sự lành mạnh về cả nền tảng vĩ mô lẫn vi mô doanh nghiệp là điều đã diễn ra trong một thời gian dài và có nguyên nhân lớn đến từ việc thị trường Việt Nam hiện vẫn đang là thị trường cận biên.

Nhóm phân tích cho rằng khoảng cách về mặt định giá này sẽ sớm được thu hẹp nếu triển vọng nâng hạng thị trường dần rõ nét hơn (quá trình dự kiến sẽ diễn ra trong 2 - 3 năm tới), phản ánh triển vọng tích cực của thị trường trong dài hạn.  

Sau giai đoạn điều chỉnh mạnh trong quý II, P/E trượt 12 tháng của VN-Index đang ở mức 13,2 lần. Với giả định thận trọng EPS bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, P/E forward 2022 của VN-Index ở mức 12,2 lần.

Trong lịch sử 10 năm trở lại đây, chỉ có duy nhất 3 giai đoạn VN-Index giao dịch ở dưới mức này là: (1) giai đoạn 2012 do các bất ổn vĩ mô sau khủng hoảng 2009; (2) giai đoạn cuối 2015 đầu 2016 trước lo ngại Trung Quốc hạ cánh cứng và FED nâng lãi suất lần đầu sau khủng hoảng tài chính; (3) giai đoạn đầu 2020 do khủng hoảng COVID-19. Như vậy, điểm chung của cả 3 đợt giảm sâu này với đợt giảm hiện tại là đều đến từ các lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Điều này phần nào lý giải diễn biến điều chỉnh của chứng khoán Việt Nam trong quý II vừa qua.  

 

Vùng điểm hợp lý của VN-Index thời điểm cuối năm là 1.418 điểm 

Đối với dự báo triển vọng thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm, KBSV duy trì dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp trên sàn HOSE ở mức 15,1%.

Cùng với đó, nhóm phân tích điều chỉnh giảm mạnh mức P/E mục tiêu 2022 của thị trường từ 16,5 lần trong báo cáo trước đó xuống 14,3 lần, phản ảnh lo ngại về các rủi ro gia tăng liên quan đến suy thoái kinh tế Mỹ. Tương ứng với VN-Index được dự báo đạt mức 1.418 điểm đến cuối năm 2022. Theo đó, KBSV hạ dự phóng VN-Index tới hơn 260 điểm so với ngưỡng 1.680 điểm trong báo cáo quý II.

Cụ thể hơn, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ở trạng thái bình thường, P/E của VN-Index giao dịch hợp lý ở mức 16,5 lần (tương ứng bình quân 5 năm gần nhất) với bệ đỡ đến từ nền tảng kinh tế vững mạnh, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết liên tục được cải thiện.

Trong khi đó, trong kịch bản suy thoái kinh tế Mỹ diễn ra, P/E VN-Index có thể biến động quanh mốc 11 lần (phụ thuộc vào mức độ nặng, nhẹ của đợt suy thoái cũng như tác động đến kinh tế Việt Nam). Với xác suất 2 kịch bản tương ứng đang là 60/40 (Bloomberg consensus), các nhà phân tích của Chứng khoán KB đánh giá mức P/E 14,3 của VN-Index thời điểm cuối 2022 là phù hợp.

Yếu tố có tính chất chi phối thị trường Việt Nam nói riêng và chứng khoán toàn cầu nói chung trong nửa sau của 2022 là rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ (vốn chịu ảnh hưởng bởi diễn biến lạm phát, tốc độ tăng lãi suất của Fed và khả năng chống chọi của nền kinh tế Mỹ trước mặt bằng lãi suất tăng mạnh).

Trong kịch bản cơ sở suy thoái kinh tế Mỹ chưa xảy ra trong nửa sau năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có xu hướng hồi phục khi các yếu tố cơ bản nội tại trong nước (tăng trưởng GDP, tiêu dùng trong nước phục hồi, tăng trưởng xuất khấu, thu hút vốn FDI…) dần phản ánh rõ nét hơn lên kết quả kinh doanh các doanh nghiệp, theo đó là diễn biến khởi sắc của giá cổ phiếu.

Tuy nhiên các nhịp tăng sẽ tương đối thoải và thiếu bền vững trong bối cảnh yếu tố tâm lý bị đè nén bởi các rủi ro thường trực. Các yếu tố khác có ảnh hưởng lên thị trường cần quan tâm là lạm phát (đặc biệt trong giai đoạn cuối quý III đầu quý IV), biến động tỷ giá và tăng trưởng kinh tế trong nước, rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chính sách tiền tệ của SBV, dịch COVID-19 tại Trung Quốc, xung đột Nga – Ukraine, diễn biến giá dầu…

 

Thu Thảo