|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gỗ dán gặp rắc rối về phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu lớn

17:56 | 07/07/2020
Chia sẻ
Mặc dù đạt mức tăng trưởng tốt tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Hàn Quốc nhưng việc tăng nhanh trong thời gian ngắn cũng là nguyên nhân khiến gỗ dán đối mặt với nhiều rủi ro về phòng vệ thương mại.

Xuất khẩu gỗ dán tăng trưởng cao

Tại Hội thảo thúc đẩy giao thương “Gỗ dán và MDF Việt Nam - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh dịch COVID-19” được tổ chức chiều 6/7 tại TP HCM, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết gỗ dán là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của công nghiệp gỗ Việt Nam. 

Ước tính, 80% lượng gỗ dán sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào 65 thị trường, trong đó 5 quốc gia Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan chiếm 80% tổng sản lượng và giá trị xuất khẩu mặt hàng này mỗi năm.

Trong đó, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu gỗ dán lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 50% giá trị xuất khẩu mặt hàng này. 

Đặc biệt, 5 tháng đầu năm 2020, dù ảnh hưởng dịch COVID-19, xuất khẩu gỗ dán sang Hàn Quốc vẫn tăng 25% về lượng và 22% giá trị so với cùng kì, đạt trên 113 triệu USD. Ngoài ra, tăng trưởng mạnh nhất trong 5 tháng qua là thị trường Nhật Bản, vượt 34% so với cùng kì.

Gỗ dán gặp rắc rối về phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu lớn - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo thúc đẩy giao thương “Gỗ dán và MDF Việt Nam - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh dịch COVID-19”. Ảnh: Như Huỳnh.

Mặc dù rất có triển vọng tăng trưởng xuất khẩu vì nhu cầu từ thị trường Mỹ ngày càng lớn, 80% đồ nội thất của người Mỹ làm từ gỗ, giá trị tiêu thụ hàng năm khoảng 20 tỉ USD nhưng theo ông Lập, các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng cho thị trường Mỹ chưa nhiều, khoảng 30 đơn vị, còn lại là các doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, dịch COVID-19 đang dịch chuyển nguồn cung, là cơ hội cho xuất khẩu sản phẩm gỗ dán từ Việt Nam vì đây là một trong những nguyên liệu quan trọng của ngành gỗ. 

Gỗ dán hiện đang được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các mặt hàng khác như ván sàn, đồ gỗ, tủ bếp… phục vụ xuất khẩu. Triển vọng phục hồi cho ngành xuất khẩu gỗ dán Việt Nam là rất lớn.

Rủi ro bị khởi kiện gian lận thương mại cũng tăng cao

Cũng tại hội thảo, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Vifores, cho biết trong nửa đầu năm nay, Việt Nam tiếp nhận thêm 35 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) mới trong ngành gỗ với số vốn đăng kí là 173,37 triệu USD, trong đó gỗ dán có 2 dự án với số vốn 14 triệu USD.

Như vậy, tính đến nay Việt Nam tiếp nhận 53 dự án FDI đầu tư vào mặt hàng gỗ dán, với tổng vốn đầu tư 276,45 triệu USD. 

Đáng chú ý, theo lãnh đạo Vifores, trong giai đoạn từ năm 2015 cho tới nay số dự án FDI mới vào Việt Nam với mặt hàng gỗ dán tăng mạnh, 42 dự án đầu tư mới với vốn đầu tư hơn 243 triệu USD.

Trong đó, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về số dự án đầu tư mới vào mặt hàng gỗ dán ở Việt Nam với 29 dự án có tổng vốn đầu tư 150,87 triệu USD, chiếm tỉ trọng 55% tổng số dự án.

Theo các chuyên gia sự mở rộng và đầu tư mới của nhà đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ trong nước đã góp phần đẩy gia tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này trong những năm qua.

Mặt khác, Trung Quốc còn là thị trường cung cấp gỗ dán chính cho Việt Nam, chiếm đến gần 90% về lượng và giá trị nhập trong vài năm gần đây. Năm ngoái, nền kinh tế này cung cấp cho Việt Nam trên 474,4 nghìn m3 gỗ dán, đạt hơn 188 triệu USD. 

Gỗ dán gặp rắc rối về phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu lớn - Ảnh 2.

Gỗ dán là nguyên liệu tạo nên nhiều sản phẩm nội thất khác nhau. Ảnh: Như Huỳnh.

Thực trạng trên khiến cho mặt hàng gỗ dán đã và đang đứng trước các vụ kiện chống bán phá giá và chống lẩn tránh thuế từ nhiều nước, nhất là Mỹ và Hàn Quốc, cả mặt hàng gỗ dán xuất khẩu lẫn gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc để làm nguyên liệu sản xuất thành phẩm khác.

Gần đây nhất ngày 9/6 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức đưa ra quyết định điều tra ngành gỗ dán của Việt Nam. 

Quyết định này được đưa ra dựa trên cáo buộc của Liên minh Thương mại Công bằng về Gỗ dán cứng Mỹ rằng một số công ty xuất gỗ dán từ Việt Nam vào thị trường này đã vi phạm điều luật về chống lẩn tránh thuế trong khuôn khổ của Đạo luật Thuế năm 1930 của Mỹ.

Trước đó, cuối tháng 4/2020, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc đã có thông báo chính thức áp tạm thuế chống bán phá giá lên sản phẩm gỗ dán xuất xứ từ Việt Nam, ở mức 9,18% - 10,56%.

Những thông tin này cho thấy xu hướng rủi ro trong các vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá đối với các mặt hàng gỗ xuất khẩu từ Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh ngành gỗ Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới. 

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, nếu không chứng minh được nguồn gốc gỗ dán xuất khẩu vào Mỹ, gỗ dán Việt Nam có thể phải đối mặt với mức thuế chống lẩn tránh tương đương với mức thuế mà Mỹ đang áp lên gỗ dán của Trung Quốc là hơn 200% và kéo theo rủi ro tương tự cho các sản phẩm được làm từ gỗ dán như tủ bếp.

Do đó, lãnh đạo Vifores khuyến cáo các doanh nghiệp cần đánh giá chi tiết thực trạng của việc nhập khẩu và sản xuất gỗ dán trong nước, góp phần cung cấp thông tin đầy đủ cho chuỗi cung ứng nội địa. 

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị nhập khẩu và các đơn vị sản xuất nội địa, sự chuyển dịch đầu tư… để doanh nghiệp Việt Nam có thể tránh được các rủi ro trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết hiện tại Cục đã hướng dẫn các thủ tục và công cụ để doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các khai báo nhằm bảo vệ quyền lợi. 

Bên cạnh đó, Bộ khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động hợp tác cung cấp thông tin cho phía Mỹ để minh bạch nguồn gốc, đồng thời chỉ đạo rà soát và kêu gọi sự chung tay của các Hiệp hội ngành gỗ “chỉ mặt đặt tên” các doanh nghiệp cố tình “tiếp tay” để xử lí.

Như Huỳnh