Giữ thương hiệu heo sạch Đồng Nai
Heo VietGAHP truy xuất được nguồn gốc được giết mổ. Ảnh: L.Quyên
Để giữ thương hiệu bằng uy tín chất lượng cho “thủ phủ” chăn nuôi heo cả nước, Đồng Nai đã triển khai nhiều chương trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tăng cường quản lý đàn chăn nuôi, kiểm soát thị trường nhằm đảm bảo nguồn heo cung cấp ra thị trường an toàn, sạch bệnh.
* Heo sạch đắt hàng
Theo Ban Quản lý dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) tỉnh, toàn tỉnh có 33 cơ sở giết mổ Lifsap; đã thiết lập 3 vùng thực hành chăn nuôi an toàn (GAHP), xây dựng được 1 hợp tác xã và 67 tổ hợp tác (GAHP) với tổng số thành viên tham gia đạt 891 hộ. Trong đó, có 49 tổ hợp tác với 654 hộ đã được dự án hỗ trợ đánh giá, cấp chứng nhận VietGAHP. Hiện nhiều cơ sở giết mổ Lifsap đang cung cấp tốt mặt hàng thịt heo an toàn về thị trường TP.Hồ Chí Minh.
Nói về lợi thế của sản phẩm heo truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo sạch bệnh an toàn, ông Vũ Văn Tư, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trường Giang Phát (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết: “Thịt heo khó tiêu thụ do người tiêu dùng e ngại dịch ASF lan nhanh.
Nhưng hoạt động kinh doanh thịt heo an toàn của chúng tôi vẫn tốt, thị trường đầu ra vẫn ổn định. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm chọn lựa sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng nên những cơ sở kinh doanh trong ngành này có uy tín, có thương hiệu thì không lo về thị trường”.
Theo Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh Đào Hà Trung: “Chúng tôi đang triển khai song song 2 đề án ứng dụng công nghệ 4.0 để quản lý đàn chăn nuôi và thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo tại Đồng Nai. Khi xuất hiện dịch ASF, số lượng các cơ sở đăng ký tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm thịt heo tăng lên đột biến”.
Ông Trung cho biết thêm, heo an toàn, truy xuất được nguồn gốc tăng trưởng rất tốt xuất phát từ chính nhu cầu thực tế của người tiêu dùng ngày càng quan tâm chọn mua thịt an toàn.
Theo đó, từ nhà bán lẻ, thương lái, cơ sở giết mổ đến người chăn nuôi đều chủ động tham gia thực hiện truy xuất nguồn gốc, chứng minh sản phẩm an toàn được kiểm soát từ quy trình chăn nuôi đến vận chuyển, giết mổ và phân phối.
Ngoài yếu tố người chăn nuôi chủ động tham gia thì chính quyền Đồng Nai rất quan tâm và quyết liệt triển khai chương trình này cũng góp phần cho kết quả tích cực.
* Đảm bảo heo sạch ra thị trường
Theo số liệu từ Trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn (huyện Xuân Lộc), khoảng 1 tháng gần đây, một lượng lớn heo từ phía Nam được đưa ngược ra cung cấp cho các tỉnh miền Bắc.
Những ngày cao điểm, có khoảng 40 xe heo/ngày (từ 6-7 ngàn con); thấp điểm cũng được khoảng 30 xe/ngày (trên 5 ngàn con) qua trạm. Nguyên nhân nguồn heo từ Nam đổ ra Bắc do giá heo ở nhiều tỉnh phía Bắc cao hơn hẳn vì nguồn cung khan hiếm.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn nhận xét: “Nguồn heo xuất đi Bắc chủ yếu từ các công ty chăn nuôi lớn của Đồng Nai.
Heo đủ điều kiện qua trạm kiểm dịch phải có đầy đủ các giấy tờ theo quy định, nhất là phải có phiếu xét nghiệm âm tính với dịch ASF và được kiểm tra lâm sàng không có dấu hiệu dịch bệnh. Mục tiêu của việc siết chặt khâu kiểm soát này nhằm đảm bảo nguồn heo sạch bệnh ra thị trường”.
Cùng mục tiêu trên, Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai đã đề ra nhiều giải pháp như: kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân có vi phạm trong việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch với dịch ASF. Tất cả kiểm dịch viên tại 11 trạm thú y trên địa bàn tỉnh đều phải lập bản cam kết thực hiện nghiêm quy định của ngành.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Trần Văn Quang cho biết: “Với mục tiêu đảm bảo nguồn heo sạch cung cấp vào thị trường tiêu thụ lớn nhất TP.Hồ Chí Minh, hai địa phương đã tăng cường công tác phối hợp từ lập các chốt kiểm dịch tạm thời đến bắt tay thực hiện việc truy xuất nguồn gốc heo…
Việc lấy mẫu xét nghiệm dịch ASF tại các trại cũng được thực hiện thường xuyên để kiểm soát kịp thời tình hình dịch bệnh”.