Giới tài phiệt Nga 'bỏ túi' thêm hơn 150 tỷ USD sau một năm
Cuối tháng 2/2022, xung đột tại Ukraine bắt đầu nổ ra. Cùng thời điểm, một trong những nhà tài phiệt nổi tiếng nhất của Nga, Roman Abramovich, đã chuyển phần lớn cổ phần trong 10 quỹ tín thác tại các trung tâm tài chính nước ngoài cho 6 người con của ông.
Những quỹ tín thác đó quản lý ít nhất 4 tỷ USD tài sản, theo các tài liệu bị rò rỉ. Khoảng gần một tháng sau, Abramovich bị Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt, nhưng những tài sản quý giá của ông đã được chuyển cho các con, giúp chúng không bị đóng băng hoặc tịch thu.
Trong những tuần tiếp theo, Abramovich còn tiến thêm một bước khi chuyển những chiếc siêu du thuyền của mình ra khỏi châu Âu và neo đậu chúng ở những bãi biển tại những nơi mà ông không bị áp lệnh trừng phạt.
Tài sản ròng của ông giảm từ mức ước tính 14,3 tỷ USD vào ngày 23/2/2022 xuống còn 6,9 tỷ USD hai tuần sau đó, sau khi đồng rúp sụp đổ và thị trường chứng khoán Nga đóng cửa. Giờ đây, tài sản ròng của ông đã tăng lên 9,2 tỷ USD, theo ước tính của Forbes.
Abramovich không phải tỷ phú Nga duy nhất làm điều này. Nhiều tỷ phú Nga khác cũng lách lệnh trừng phạt bằng cách chuyển nhượng các quỹ tín thác và công ty nước ngoài đang nắm giữ tài sản của họ cho vợ/chồng hoặc cộng sự.
Đó là một câu chuyện đã diễn ra trên khắp nước Nga và thế giới khi các tỷ phú của nước này chịu thiệt hại trong thời gian ngắn do lệnh trừng phạt, nhưng sau đó đã lấy lại được phần lớn tài sản của mình. Một số người thậm chí còn tận dụng thời cơ đó để mua thêm tài sản.
Vào tháng 4 năm ngoái, ông trùm ngân hàng và niken Vladimir Potanin đã mua lại tập đoàn ngân hàng Nga Rosbank từ công ty Société Générale của Pháp, công ty ban đầu đã mua nó từ Potanin trong một loạt giao dịch từ năm 2006 đến năm 2014.
Hai tuần sau, Potanin mua lại Tinkoff Bank, một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất của Nga, từ cựu tỷ phú Oleg Tinkov với số tiền không được tiết lộ. Việc mua lại diễn ra trước khi Potanin bị Vương quốc Anh trừng phạt vào tháng 6/2022 và Mỹ trừng phạt vào tháng 12/2022.
Các giao dịch này đã giúp giá trị tài sản ròng của Potanin tăng thêm 6,4 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2023, đủ để ông giữ vững vị trí là người giàu thứ hai ở Nga.
Giá cao đối với các mặt hàng như dầu mỏ, kim loại và khoáng sản vào năm 2022 cũng giúp tăng lợi nhuận của các công ty Nga. Sự phục hồi của thị trường chứng khoán Nga và giá trị của đồng rúp cũng vậy.
Tất cả những điều đó đã giúp những người giàu nhất nước Nga có một năm khá tốt. Có 105 tỷ phú Nga trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2023 của Forbes với tổng giá trị tài sản ròng là 474 tỷ USD, tăng so với mức 83 tỷ phú, nắm giữ tổng giá trị tài sản ròng 320 tỷ USD vào năm 2022.
Tỷ phú Nga chứng kiến tài sản ròng tăng nhiều nhất năm qua là ông trùm phân bón Andrey Melnichenko, hiện là người giàu nhất nước Nga. Ông đã chứng kiến giá trị tài sản ròng của mình tăng 14,1 tỷ USD trong năm qua lên 25,2 tỷ USD, do giá phân bón và than tăng vọt, nền tảng của hai công ty tư nhân của ông, nhà sản xuất phân bón Eurochem và công ty năng lượng than SUEK.
Tuy nhiên, triển vọng của nền kinh tế Nga còn phức tạp hơn so với vận may của những người giàu nhất nước này. Nền kinh tế của đất nước đã suy giảm khoảng 2,5% vào năm ngoái, theo thống kê của chính phủ, thấp hơn mức dự đoán từ 12% trở lên. Dù vậy, đó vẫn là mức giảm mạnh so với mức tăng trưởng GDP 3,5% được ghi nhận ở EU và 2,1% ở Mỹ.
Cũng có những dấu hiệu cho thấy các biện pháp trừng phạt của phương Tây, đặc biệt là mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga được áp đặt vào tháng 12/2022 và lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga cuối cùng cũng đang đè nặng lên nền kinh tế nước này. Bộ Tài chính Nga đã công bố mức thâm hụt ngân sách 29,5 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2023, phần lớn là do doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt giảm.
Xét về tác động của chúng đối với những người giàu nhất nước Nga, chỉ có một cá nhân bị trừng phạt — Oleg Tinkov — bị loại khỏi hàng ngũ tỷ phú trong năm qua. Điều đó xảy ra khi ông bị cáo buộc buộc phải bán tài sản của mình với giá rẻ sau khi ông chỉ trích cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo Tinkov, các biện pháp trừng phạt thậm chí còn chưa nhắm đúng đối tượng. “Nếu tôi là chính phủ của các nước phương Tây, tôi sẽ nhắm mục tiêu chính xác hơn. Có những người liên quan nhưng không bị trừng phạt, trong khi tôi lại có tên trong dánh sách đó”, ông Tinkov chia sẻ với tạp chí Forbes vào năm ngoái.