Giới chuyên gia bày 7 cách để nhà đầu tư điều chỉnh danh mục
Trong hàng chục năm qua, danh mục đầu tư gồm 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu được coi là tiêu chuẩn vàng. Nhưng trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc, lạm phát gia tăng và nguy cơ suy thoái cận kề, một số chuyên gia cho rằng tiêu chuẩn này có thể cần thay đổi. Tờ Wall Street Journal đã hỏi ý kiến của hàng loạt chuyên gia và tổng hợp lại lời khuyên của họ.
Cân nhắc tỷ lệ 50/50
Bà Nanette Abuhoff Jacobson, chuyên gia đầu tư toàn cầu của quỹ Hartford Fund đánh giá rằng lạm phát và các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ là thách thức lớn với chứng khoán trong vòng 6-12 tháng nữa. Do đó bà khuyên rằng những ai có thời hạn đầu tư trong khoảng thời gian này nên giảm sở hữu cổ phiếu và tăng nắm giữ tiền mặt, trái phiếu và hàng hóa.
Bà dự đoán nhà đầu tư sẽ chứng kiến một đợt suy thoái thông thường: cổ phiếu đi xuống và trái phiếu đi lên. Trong trường hợp đó, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu/trái phiếu từ 60/40 thành 50/50 rồi quay trở lại 60/40 sau khi thị trường bị bán tháo hơn nữa.
Tăng cường tỷ trọng danh mục cho cổ phiếu có thể là một quyết định khá khó khăn khi tâm lý chung trên thị trường là tránh né rủi ro, nhưng thường thì đó lại là thời điểm đúng đắn.
Yếu tố biến động
Ông James Choi, giáo sư tài chính tại Trường Quản lý Yale chỉ ra rằng khi thị trường biến động cực kỳ mạnh thì việc tạm thời giảm bớt vị thế cổ phiếu có thể là hành động hợp lý. Tỷ suất sinh lời trung bình của thị trường không tăng lên khi biến động cao, do đó cổ phiếu là món hàng khá tồi trong khoảng thời gian này.
Khi chỉ số sợ hãi VIX của thị trường chứng khoán Mỹ leo lên đỉnh cao nhất mọi thời đại hồi tháng 3/2020, ông Choi giảm tỷ trọng cổ phiếu sở hữu đến 80 điểm %. Nhưng do các giai đoạn biến động cao thường ngắn ngủi, bạn cần phải chú ý và sẵn sàng quay lại thị trường ngay khi biến động dịu xuống.
Quy tắc 120
Ông Ted Jenkin, đồng CEO công ty tư vấn oXYGen Financial đề cử quy tắc 120 để phân bổ tài sản một cách dễ dàng. Theo quy tắc 120, bạn lấy 120 trừ đi số tuổi hiện tại, kết quả sẽ cho bạn biết nên để bao nhiêu tiền vào cổ phiếu và bao nhiêu tiền vào các tài sản trả thu nhập cố định như trái phiếu. Như vậy, một người 50 tuổi nên để 70% (120-50) tiền vào cổ phiếu và 30% còn lại vào tài sản thu nhập cố định.
Ông Jenkin đưa ra thêm lời khuyên rằng trong thời kỳ lạm phát và nguy cơ suy thoái cao như lúc này, nhà đầu tư nên bổ sung vào danh mục một số cổ phiếu giá trị và cổ phiếu trả cổ tức thay vì theo đuổi các công ty công nghệ tăng trưởng cao. Ông khuyến nghị cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu, y tế, tài chính và tiện ích.
Tập trung vào tương lai thay vì quá khứ
Ông Brian Presti, Giám đốc chiến lược danh mục đầu tư tại Colony Group tin rằng thị trường chứng khoán sắp bắt đầu phản ánh việc tình hình kinh tế sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm 2022. Điều này có nghĩa là thị trường sắp xoay vần sau nửa đầu năm khó khăn, và nhà đầu tư cần chiến lược mới để kiếm lời từ sự chuyển biến của thị trường.
Ông đưa ra hai lời khuyên để nhà đầu tư chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của chu kỳ thị trường:
1. Tìm “ngọc trong đá”. Trong các cổ phiếu công nghệ bị vùi dập, một số công ty tuyệt vời đang có giá rất hấp dẫn.
2. Dần dần tăng thêm rủi ro. Ví dụ, nếu mục tiêu phân bổ tài sản của nhà đầu tư là để 60% vào cổ phiếu nhưng do thị trường suy giảm, tỷ trọng cổ phiếu chỉ còn 50%, họ nên cân nhắc tăng tỷ trọng lên thành 55%.
Đừng “chốt” lỗ
Cú trượt dốc của thị trường chứng khoán có thể khiến nhà đầu tư giảm tỷ trọng của cổ phiếu trong danh mục. Nhưng ông Peter Lazaroff, Giám đốc đầu tư của Plancorp chỉ ra rằng một nửa những ngày tăng điểm mạnh mẽ nhất của chỉ số S&P 500 trong 20 năm qua xảy ra trong thị trường gấu.
Khoảng 34% phiên giao dịch tốt nhất diễn ra trong hai tháng đầu tiên của thị trường giá lên. Theo ông, bỏ lỡ những ngày tốt đẹp nhất của thị trường có hại tới của cải lâu dài của nhà đầu tư hơn nhiều việc cố nán ở lại thị trường.
Trên thực tế, ông Lazaroff khuyên nhà đầu tư cân nhắc tăng cường sở hữu cổ phiếu – nhưng chỉ trong trường hợp kế hoạch tài chính cho phép. Với những nhà đầu tư còn cách xa độ tuổi nghỉ hưu, nếu môi trường thị trường hiện tại không khiến bạn buồn phiền và sẵn sàng chấp nhận mất mát nhiều hơn, thì bạn có thể tăng tỷ trọng cổ phiếu để được lợi từ việc mua rẻ.
Tái cân bằng trong nhóm cổ phiếu
Ông Jeremy Gonsalves, Giám đốc quản lý danh mục toàn nước Mỹ của BNY Mellon Wealth Management cho rằng cơ hội đầu tư đến từ việc tái cân bằng giá trị chịu rủi ro trong các cổ phiếu thuộc danh mục.
Tuy chứng khoán Mỹ nói chung đang suy giảm, nhưng vẫn có sự khác biệt giữa các cổ phiếu, nhóm ngành và phong cách đầu tư. Ví dụ, tỷ suất sinh lời của cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng thua kém chỉ số S&P 500 lần lượt 4 và 6 điểm %. Trong quá trình tái cân bằng, nhà đầu tư có thể cắt lỗ và đồng thời duy trì tỷ trọng cổ phiếu tổng thể trong danh mục.
Tái cân bằng đều đặn
Ông Greg McBride, trưởng chuyên gia phân tích tài chính của trang Bankrate.com tin rằng với hầu hết các nhà đầu tư, tất cả những gì họ cần làm là tái cân bằng danh mục theo định kỳ. Nếu tỷ trọng phân bổ cổ phiếu/trái phiếu của bạn từ đầu năm là phù hợp cho mục tiêu và thời hạn đầu tư cá nhân, thì bạn không cần thay đổi chỉ vì thị trường điều chỉnh hay chứng khoán bị “gấu vả”.
Ông McBride nhấn mạnh rằng điều nhà đầu tư trẻ tuổi cần tránh khi điều chỉnh danh mục là giảm tỷ trọng cổ phiếu. Ông lập luận rằng thị trường gấu và nguy cơ suy thoái là cơ hội mua vào cho những người có thể tận hưởng sức mạnh của lãi kép trong hàng chục năm.
Ngồi yên
Bán tống cổ phiếu trong giai đoạn thị trường bất ổn có thể đem lại sự nhẹ nhõm trong ngắn hạn, nhưng lại không tính đến câu hỏi quan trọng nhất liên quan tới chiến lược dài hạn: tiếp theo bạn nên làm gì?
Ông Malcolm Butler, CEO Fiduciary Group cho biết mục tiêu của việc đầu tư là sở hữu những công ty chất lượng cao tạo ra giá trị cho cổ đông trong dài hạn. Cách tốt nhất để đạt được mục đích là tìm các công ty ổn định và gắn bó với họ trong thời gian thuận lợi lẫn khó khăn. Cố gắng nhảy vào và ra thị trường không phải là chiến lược lâu dài khả thi. Do đó, ông khuyên nhà đầu tư không điều chỉnh tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục khi thị trường bị thử thách.