|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Gió đổi chiều ở Bách Hoá Xanh: Tăng tốc mở chuỗi sau khi có lãi

08:14 | 08/08/2024
Chia sẻ
Chấm dứt thời kỳ đóng hàng trăm cửa hàng do hoạt động không hiệu quả, Bách Hoá Xanh quay lại mục tiêu mở mới nhằm tăng doanh thu sau khi đã tìm ra “công thức chiến thắng”.

Chỉ tính riêng trong tháng 7, Bách Hoá Xanh đã mở mới 7 cửa hàng bán lẻ tạp hoá và tất cả đều đặt tại TP HCM. Con số này cao hơn đáng kể với 3 cửa hàng mở mới trong tháng 6 và 2 cửa hàng trong tháng 5 của Bách Hoá Xanh.

Trước đó, để tối ưu vận hành và tái cấu trúc, từ năm 2022 có thời điểm Bách Hoá Xanh phải đóng cửa hàng trăm cửa hàng hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, “gió đã đổi chiều” vào quý II năm nay khi chuỗi bán lẻ của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài ghi nhận những đồng tiền lãi đầu tiên.

Nhân viên Bách Hoá Xanh thay biển quảng cáo. (Ảnh: Đức Huy).

Nửa đầu năm, Bách Hoá Xanh đạt doanh thu 19.400 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp 30% nguồn thu cho tập đoàn. Chuỗi ghi nhận lãi gần 7 tỷ đồng - lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2015.

Riêng trong tháng 6, doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh đạt 2,1 tỷ đồng - quay trở lại mức đỉnh ghi nhận được vào tháng 7/2021 - thời điểm người dân tích trữ thực phẩm vì dịch COVID-19. 

Trong năm nay, Bách Hoá Xanh đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu trung bình mỗi cửa hàng và tối ưu chi phí. Chuỗi có kế hoạch mở mới 100 cửa hàng và chuẩn bị kế hoạch mở rộng ra miền Trung, miền Bắc. Lãnh đạo Bách Hóa Xanh nói tự rằng có thể đạt lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong vài năm tới. 

Nói về chuỗi bán lẻ tạp hoá, ông Nguyễn Đức Tài từng có phát ngôn nổi tiếng từ năm 2016 vẫn được tìm thấy trên website của Bộ Kế hoạch & Đầu tư đăng tải lại rằng: “Thế Giới Di Động không phải là bếp ăn từ thiện để nuôi Bách Hoá Xanh”. 

Thật vậy, được mở từ 2015, song phải đến năm 2018, sau hai năm liên tục thử nghiệm Bách Hoá Xanh mới tìm ra được "công thức chiến thắng" - trích trong Báo cáo Thường niên 2019 của Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG), trong đó bao gồm thay đổi vị trí mở cửa hàng và danh mục sản phẩm kinh doanh, để nhân rộng.

Khi đó, ban lãnh đạo tập đoàn đặt ra mục tiêu trễ nhất đến cuối tháng 12/2019, chuỗi Bách hóa Xanh bắt đầu có lợi nhuận trực tiếp, tức là bù đắp hoàn toàn được tất cả các chi phí hoạt động tại cửa hàng và các trung tâm phân phối, nhưng chưa bao gồm các chi phí quản lý ở cấp độ công ty.

Đầu tư Thế Giới Di Động cho biết sẽ tập trung vào cải thiện lợi nhuận gộp thông qua việc tích cực làm việc với các nhà cung cấp hàng tiêu dùng nhanh (FMCGs) để có giá mua rẻ hơn, chính sách khuyến mãi cho khách hàng hấp dẫn hơn và triển khai các chương trình marketing tốt hơn. Cùng với đó, rà soát quy trình xử lý và tăng hiệu quả các khâu trong chuỗi cung ứng hàng tươi sống.

Đến cuối năm 2020, ông Trần Kinh Doanh - cựu CEO phụ trách chuỗi Bách Hóa Xanh khi đó cho biết khoản lãi kiếm được từ 20.000 tỷ đồng doanh thu tính đến cuối năm 2020 của chuỗi đã có thể bù đắp toàn bộ chi phí cửa hàng và trung tâm phân phối trước khấu hao. Nhưng nếu khoản này trừ chi phí khấu hao và chi phí chung, thì lợi nhuận vẫn âm.

“Tôi rất tự tin rằng, kết quả làm ra của Bách hóa Xanh sẽ xử lý đủ để bù khoản chi phí chung trong năm 2021, còn chi phí sau khấu hao cần thêm năm 2022 nữa mới có thể xử lý được”, ông Doanh nói.

Vậy nhưng, phải mất tới 4 năm sau, mục tiêu này của Bách Hoá Xanh mới có thể hoàn thành. 

Tại báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán DSC cho rằng việc thay đổi định vị chuỗi Bách Hoá Xanh thành "siêu thị mini" là thay đổi mang tính bước ngoặt, tạo điều kiện thuận lợi cho Đầu tư Thế Giới Di Động có thể tăng trưởng do đánh trúng thói quen người tiêu dùng Việt Nam giá trị sản phẩm/lần mua ít (từ 4-5 USD), tần suất mua cao, chủ yếu đi xe máy. 

Bên cạnh đó, chi phí mặt bằng rẻ hơn nhiều so với mô hình chợ siêu thị lớn, và hình thức mnimart đã có thể đáp ứng được trên 70% loại hàng hóa cần thiết. Ngoài ra, mô hình minimart mới chỉ chiếm gần 50% ở thị trường tiêu dùng, dư địa mở rộng vẫn còn lớn.

Với việc Đầu tư Thế Giới Di Động đang tiến hành cơ cấu lại các ngành hàng kinh doanh của mình và đang dồn lực Bách Hoá Xanh, nhà phân tích đánh giá chuỗi này sẽ dần chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu doanh thu cũng như trở thành động lực tăng trưởng chính của doanh nghiệp trong tương lai. 

Trước đó, ngày 9/4, công ty đầu tư Trung Quốc CDH Investments thông báo đã hoàn thành thương vụ mua cổ phần thiểu số tại Bách Hoá Xanh. Theo một hồ sơ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM gửi cho CDH mà Reuters tiếp cận được, giá trị thương vụ là 1.800 tỷ đồng, tương đương hơn 72 triệu USD và chiếm 5% vốn điều lệ Bách Hoá Xanh.

Đức Huy

Bức tranh kinh tế Hà Nội 8 tháng đầu năm: IIP tăng 5,4%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 40 tỷ USD
Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê TP Hà Nội, nền kinh tế thủ đô đã có những bước tiến đáng kể trong 8 tháng đầu năm nay. Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp ghi nhận tăng 0,1% so với tháng trước và 5,4% cùng kỳ, thu hút FDI vượt 71% so với năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 40 tỷ USD...