Bách Hóa Xanh vừa có lãi, MWG đã tính chuyện 'mảng gối đầu' mới
Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đang có những bước ngoặt quan trọng về hoạt động của các chuỗi mới, từ kỳ vọng có lãi cấp công ty đến tham vọng bành trướng trở lại sau giai đoạn nghỉ ngơi để tái cấu trúc.
Lãnh đạo tập đoàn này được biết đến với quan điểm dám thử và sai, chấp nhận tìm kiếm các mảng kinh doanh mới để tạo điểm "gối đầu" cho sự phát triển liên tục, ngay cả khi các động lực tăng trưởng mới vẫn ở giai đoạn thử nghiệm.
Điều này thể hiện rõ trong quá trình Bách Hóa Xanh thử nghiệm, công ty vẫn đồng thời tìm động lực mới ở thị trường nước ngoài. Mặc dù không thành công với chuỗi Bluetronics tại Campuchia nhưng tập đoàn này đã có kết quả với EraBlue tại Indonesia.
Cái tên mới được chọn mặt gửi vàng
"Sau Bách Hóa Xanh, EraBlue sẽ là cái tên tiếp theo mở hướng phát triển cho Thế Giới Di Động", phía tập đoàn thông tin. Đây được xem như là động thái xác nhận chuỗi bán lẻ tại Indonesia sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới cho chu kỳ tiếp theo.
Với số cửa hàng sẽ được nâng lên gần 100 vào cuối năm nay và 500 cửa hàng vào năm 2027, lãnh đạo MWG đặt mục tiêu EraBlue dự kiến có vị thế và doanh thu tương tự như một Điện Máy Xanh tại Indonesia.
Điện Máy Xanh ra mắt từ cuối năm 2010 và đến nay vẫn là chuỗi có số lượng lớn nhất với hơn 2.000 điểm bán, là trụ cột đóng góp chính cho doanh thu và lợi nhuận cho tập đoàn.
Đến năm 2015, tập đoàn giới thiệu chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hoá Xanh trong hành trình tìm kiếm “át chủ bài” thay thế cho mảng công nghệ bắt đầu có dấu hiệu bão hòa. Chuỗi này trong giai đoạn đầu lỗ hàng nghìn tỷ đồng nhưng đã có bước ngoặt mới.
Theo kết quả kinh doanh quý II, Công ty cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu 19.400 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Chuỗi ghi nhận lãi gần 7 tỷ đồng - lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu hoạt động.
Riêng tháng 6, chuỗi bán lẻ thực phẩm này mang về cho công ty mẹ 3.600 tỷ đồng, tăng gần 5% so với tháng trước. Bình quân mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh thu kỷ lục 2,1 tỷ đồng một tháng, vượt xa con số hòa vốn khoảng 1,8 tỷ đồng/tháng.
Cột mốc có lãi sẽ thúc đẩy tập đoàn này thực hiện các chiến lược mới, bao gồm khai phá các động lực cũ và mở rộng mảng mới. Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài từng nói Bách Hóa Xanh năm nay sẽ có lãi và không có lý do để nhận thêm tiền từ công ty mẹ, đồng thời cho hay chuỗi sẽ mở thêm 100 cửa hàng để tiếp tục "mang tiền về cho mẹ".
Trong khi EraBlue - liên doanh được lập bởi MWG (nắm 45%) và Tập đoàn Erajaya (nắm 55%) - đặt mục tiêu có lời ở cấp độ công ty trước quý IV/2024, đồng thời thúc đẩy quá trình mở rộng trong thời gian tới.
Lãnh đạo MWG khẳng định với sự kết hợp của 2 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của mỗi nước, EraBlue đã sẵn sàng bành trướng thế lực tại Indonesia và bước vào giai đoạn tăng trưởng “thần tốc” với mục tiêu 500 cửa hàng.
Thị trường Indonesia có gì để kỳ vọng?
Thực tế, sau 2 năm phát triển, EraBlue đang là chuỗi bán lẻ theo mô hình hiện đại lớn nhất tại Indonesia. Tính đến tháng 7/2024, chuỗi đã có 65 cửa hàng ở các khu vực vệ tinh thủ đô Jakarta, trong số đó có 37 cửa hàng size mini (size M, diện tích khoảng 280 - 320m2) và 28 cửa hàng size Supermini (size S, diện tích từ 180 – 220m2).
Điều đặc biệt là các cửa hàng EraBlue có doanh thu gần như gấp đôi so với một shop Điện máy Xanh có cùng diện tích tại Việt Nam; với doanh thu các shop size M là 4 tỷ/tháng còn size S là 2,2 tỷ/tháng.
Lãnh đạo EraBlue tiết lộ doanh thu của chuỗi năm 2022 khi thử nghiệm chỉ khoảng 1 triệu USD, nhưng sang năm 2023 đã tăng vọt lên 18 triệu USD và kỳ vọng thu về 85 triệu USD trong năm nay khi hoàn tất hệ thống 85 cửa hàng.
Theo CEO Đoàn Văn Hiểu Em: "Các chuỗi khác tại Indonesia chủ yếu trong trung tâm thương mại, còn chúng tôi mở cửa hàng bên ngoài, mang cái tốt là dịch vụ sang đây. Hệ thống cơ bản đã ổn định về danh mục và có giá cả cạnh tranh".
Mô hình EraBlue được mở trên các con đường giao thông đông đúc, tạo điều kiện cho khách hàng có thể nhận diện và dễ dang tiếp cận với cửa hàng, trong bối cảnh khách hàng ở Indonesia cũng di chuyển nhiều bằng xe máy.
Thị trường bán lẻ điện tử, điện máy tại Indonesia cũng còn phân mảnh, chuỗi bán lẻ có số lượng cửa hàng lớn nhất cũng chỉ có khoảng 60 cửa hàng, trong khi nhu cầu rất lớn.
Dịch vụ giao hàng, lắp đặt các thiết bị điện tử tại Indonesia còn khá sơ khai. Ông Hiểu Em dẫn chứng để mua một chiếc máy giặt trước kia phải chờ 7-10 ngày để giao hàng và lắp đặt, nhưng hiện nay dịch vụ của EraBlue chỉ trong 4 tiếng.
Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài nói thêm thị trường điện máy Indonesia có thể bùng nổ trong 5-10 năm tới. Điều này là do mức độ xâm nhập của máy móc, thiết bị chưa cao; trong khi các thiết bị điện thoại và laptop đã phát triển chiếm 75% thị phần.
"Quy mô thị trường điện thoại gấp đôi Việt Nam thì không có lý do gì thị trường điện máy và hàng gia dụng trong nhà nhỏ hơn cả, thị trường đang phình ra", ông Tài dẫn chứng thêm thị phần điện thoại ở Indonesia đến 63% nhưng hàng điện máy và gia dụng chưa đến 25%.
Chủ tịch MWG nói rằng trước mặt đặt mục tiêu mở rộng lên 500 cửa hàng và khi đạt được sẽ nói tiếp về con số 1.000. Đại diện hai tập đoàn bán lẻ tiết lộ không loại trừ khả năng sẽ lên sàn tại Indonesia sau thời điểm 2027.
Phó Chủ tịch Erajaya ông Joy Wahjudi cũng khẳng định IPO là một lựa chọn trong tương lai, "chúng tôi chia sẻ tầm nhìn 500 cửa hàng trong giai đoạn 2026-2027, thị trường Indonesia còn rất lớn nên cơ hội IPO còn lớn hơn".
Báo cáo tài chính quý II/2024 của Thế Giới Di Động cho thấy EraBlue ghi nhận khoản lỗ 26,7 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ từ đầu năm lên 47,2 tỷ đồng.Giá trị hợp lý của khoản đầu tư này tính đến ngày 30/6/2024 gần 240 tỷ đồng.
Còn tại thị trường nội địa, MWG vẫn đang tái cấu trúc khi liên tục đóng các cửa hàng không hiệu quả. Tập đoàn rút gọn thêm 116 cửa hàng điện thoại, điện máy trong riêng quý II. So với thời kỳ đỉnh điểm đầu 2023, chuỗi Thế Giới Di Động đã giảm 144 cửa hàng về còn 1.046 địa điểm và Điện Máy Xanh giảm 198 cửa hàng về còn 2.093 điểm bán.