|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cuộc giao tranh với Ukraine có thể xóa sổ 2 triệu việc làm của Nga

07:00 | 18/05/2022
Chia sẻ
Nhân viên người Nga của các ông chủ phương Tây như McDonald's hay Renault hiện đang rơi vào một tình cảnh rất trớ trêu, khi mà nền kinh tế bị cấm vận tứ bề. Lao động trong các công ty nội địa cũng bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Việc làm trong nền kinh tế Nga tập trung chủ yếu trong ngành năng lượng, không đa dạng như vị trí trong các doanh nghiệp phương Tây. (Ảnh: Bloomberg). 

Trong bối cảnh doanh nghiệp quốc tế lần lượt rời khỏi Nga, người lao động dĩ nhiên sẽ không còn việc làm. Hàng chục nghìn nhân viên thất nghiệp sẽ phải chật vật trong một nền kinh tế với lạm phát ở mức đỉnh 20 năm, và một thị trường lao động không có đa dạng đầu việc lẫn cơ hội thăng tiến tốt. 

McDonald’s đã "để lại sau lưng" khoảng 62.000 nhân viên người Nga tại 850 cửa hàng. Điều an ủi là công ty sẽ tiếp tục trả lương cho họ đến khi các cửa hàng được bán cho một doanh nghiệp địa phương. Renault từng thuê đến 45.000 người lao động Nga. 15.000 nhân viên của Ikea sẽ chỉ còn được nhận lương đến hết tháng 8.

Siemens có 3.000 nhân viên người Nga trong bảng lương cho đến khi rời khỏi nước này vào giữa tháng 5. Lao động cổ cồn trắng lẫn cổ cồn xanh đều trở thành người thất nghiệp trong cuộc khủng hoảng việc làm đang nhanh chóng hình thành.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Nga dao động quanh khoảng 4,6% trong quý I/2022. Nhưng theo khảo sát do Bloomberg tiến hành hồi tháng 4, con số này rất có thể sẽ tăng gấp đôi lên hơn 9% vào cuối năm nay. Cũng trong tháng 4, lạm phát của Nga nhảy vọt lên gần 18% so với cùng kỳ năm trước.

Sự kết hợp trên sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt, khiến người dân và nền kinh tế Nga bị tổn hại nặng nề. Theo một tài liệu bị rò rỉ, Bộ Tài chính Nga dự kiến GDP sẽ suy giảm 12% trong năm nay, xóa sổ thành tựu tăng trưởng của cả một thập kỷ, tờ Quartz cho biết. 

Nga có thể mất 2 triệu việc làm

Tình cảnh thất nghiệp của người Nga không phụ thuộc vào các công ty nước ngoài, mà phần nhiều dựa vào mức độ hội nhập của nước này với nền kinh tế thế giới. Các lệnh trừng phạt của phương Tây gián tiếp đe dọa cả nhân công trong các công ty nội địa.

Trong tháng 3, một quan chức Nga cho biết tình trạng việc làm của 95.000 nhân viên đã chuyển sang “chế độ chờ”, vị thế bấp bênh tương tự như nghỉ việc có lương. Trong tháng 2, số lao động thất nghiệp của Nga là 3 triệu người. Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược ở Moscow ước tính thêm 2 triệu việc làm nữa sẽ gặp rủi ro trong năm nay.

Sinh kế của những người được thuê bởi các ông chủ phương Tây phụ thuộc vào số phận của những doanh nghiệp này. Ví dụ, nhà máy Moscow của Renault đã được chính phủ Nga quốc hữu hóa và sẽ tiếp tục hoạt động. Nhưng thay vì các mẫu xe của nhà sản xuất Pháp, nhà máy sẽ chế tạo Moskvitch, mẫu xe hình hộp thời Liên Xô.

Ông Sergei Sobyanin, Thị trưởng Moscow, nói với các phóng viên: “Chúng tôi không thể để hàng nghìn lao động không có việc làm. Chúng tôi sẽ giữ lại hầu hết nhân công đang làm việc trực tiếp tại nhà máy..."

Mặt khác, McDonald’s vẫn chưa tìm được khách mua lại các cửa hàng tại Nga. Còn các công ty như Spotify – đã đóng văn phòng ở Nga – thậm chí còn không có mô hình kinh doanh có thể bán lại cho người Nga.

Nhân viên tại các công ty khác thì đang trong tình cảnh việc làm bấp bênh. Gã khổng lồ thời trang Zara đã tạm ngừng hoạt động ở Nga, và trả cho nhân viên 2/3 mức lương cũ. Nhưng trong tương lai, liệu số nhân viên này có còn việc làm hay không là điều không ai biết chắc.

Khó có thể đoán trước tình cảnh khó khăn này sẽ còn kéo dài đến bao giờ. Các lệnh trừng phạt vào Nga có thể sẽ được giữ nguyên ngay cả khi chiến sự đã kết thúc, qua đó cô lập nền kinh tế Nga với phần còn lại của thế giới.

Đáng buồn là nền kinh tế của xứ sở Bạch Dương quá tập trung vào một số ít ngành nghề như dầu khí, khai thác mỏ,..., dẫn đến không có đủ doanh nghiệp có thể tiếp nhận đông đảo người lao động đang thất nghiệp. Nếu các công ty như Zara và Renault không quay trở lại trong tương lai gần, khủng hoảng việc làm sẽ là tâm điểm của một nền kinh tế Nga đang trên đà sụp đổ.

Giang

Ngành thép và mối lo ngại với 'biến số' Tổng thống Trump
Nhiều đơn vị phân tích đều đánh giá ngành thép sẽ chịu tác động tiêu cực sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Cổ phiếu thép liên tục đỏ lửa sau ngày công bố kết quả bầu cử cho thấy những góc nhìn kém lạc quan của nhà đầu tư về ngành này.