|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giáo sư vừa đoạt Nobel Kinh tế: Cứu dân, đừng cứu ngân hàng

17:05 | 11/10/2016
Chia sẻ
Theo giáo sư Oliver Hart vừa đoạt giải Nobel Kinh tế 2016, khi khủng hoảng ngân hàng xảy ra thì chính phủ nên tập trung cứu người dân thay vì ngân hàng
 4540

Hôm 10-10 vừa qua, giải Nobel Kinh tế 2016 đã được trao cho 2 vị giáo sư là Oliver Hart của Đại học Harvard và Bengt Holmstrom của Đại học Công nghệ Massachusetts (MIT).

Với các công trình xây dựng nền tảng cho lý thuyết hợp đồng (contract theory), Hart và Holmstrom không chỉ giúp chúng ta giải đáp câu hỏi về việc nên thiết kế hợp đồng kinh doanh thế nào cho hợp lý, mà còn cả những câu hỏi thú vị hơn: Khi nào nên trả lương cứng, khi nào nên trả lương dựa theo hiệu quả công việc? Nên trả lương ra sao để giáo viên không chạy theo thành tích điểm số của học sinh? Khi nào thì doanh nghiệp nên tự làm một công đoạn nào đó trong nội bộ thay vì khoán ra đối tác bên ngoài? Dịch vụ công cộng nào nên được tư nhân hóa thay vì giao cho nhà nước?

Tuy là một chuyên gia hàng đầu về kinh tế vi mô, Oliver Hart cũng thường xuyên đưa ra khá nhiều bình luận về tình hình kinh tế vĩ mô. Trong đó, ông dành ra khá nhiều bút mực về việc chính phủ nên can thiệp như thế nào vào nền kinh tế. Năm 2008, cùng với một đồng nghiệp là giáo sư Luigi Zingales tại Đại học Chicago, Hart đã có một bài xã luận trên báo Wall Street Journal về tình hình cuộc khủng hoảng tài chính đang xảy ra năm đó.

Theo đó, họ cho rằng chính phủ phải xem xét việc can thiệp dựa trên 2 nguyên tắc: (1) chỉ nên can thiệp khi thị trường rõ ràng đã thất bại, và (2) càng tốn ít tiền thuế của dân càng tốt. Hart và Zingales nhắc nhở: “Nếu thiếu nguyên tắc, các nhà hoạch định chính sách chắn chắn sẽ mắc phải sai lầm và chịu thua áp lực từ các nhóm vận động hành lang”.

Từ đó, họ chỉ trích phản ứng giải cứu các tập đoàn ngân hàng và bảo hiểm của chính phủ Mỹ, và cho rằng điều chính phủ nên làm là đứng ra bảo đảm những cam kết những tập đoàn này đã ký với các khách hàng của họ. Tương tự, với cuộc khủng hoảng bất động sản, Hart và Zingales cho rằng không có lý do gì để chính phủ phải tìm cách nâng giá nhà lên, mà thay vào đó là nên trợ giúp những người gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền vay thế chấp nhà (mortgage).

Đến năm 2014, 2 giáo sư này cho công bố một nghiên cứu về khủng hoảng tài chính và vai trò của ngân hàng. Theo đó, Hart và Zingales cho rằng bản chất của ngân hàng thực ra là nơi giữ tài sản an toàn cho những người cần thanh khoản để giao dịch. Vì thế, khi có khủng hoảng xảy ra, chính phủ nên trợ giúp trực tiếp cho những người dân gặp vấn đề về thanh khoản, thay vì giải cứu ngân hàng. Nhìn lại đợt khủng hoảng 2008-2009, họ cho rằng một giải pháp tốt là xóa đi hoặc đàm phán lại các khoản vay thế chấp mua nhà bị định giá cao hơn giá trị thực của căn nhà (underwater mortgage). Tư duy này được rút gọn trong 4 chữ: “help people, not banks” (cứu người dân, đừng cứu ngân hàng).

Trong một bài báo khác đăng trên National Affairs năm 2010, Hart và Zingales cũng kiến nghị rằng chính phủ nên đưa ra các biện pháp hạn chế việc các ngân hàng chạy theo những khoản đầu tư rủi ro. Họ nhắc nhở: “Cách kiếm tiền dễ nhất ở Wall Street vẫn là đi vay thật nhiều và chạy theo những rủi ro cực độ… Tại sao các ông lớn tài chính lại phải bận tâm tới việc kiểm soát rủi ro nếu họ biết rằng chính phủ sẽ ra tay giải cứu các con bạc thua bài?”.

Theo Tuấn Minh