|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giao dịch thỏa thuận khủng cổ phiếu Vinamilk, Thế giới Di động phiên lao dốc đầu tuần

20:10 | 21/04/2020
Chia sẻ
Thanh khoản thị trường chứng khoán tăng đột biến trong phiên lao dốc 21/4 với áp lực bán tháo tại hầu hết nhóm ngành, trong đó có đóng góp đáng kể từ các giao dịch thỏa thuận.
Giao dịch thỏa thuận khủng cổ phiếu Vinamilk, Thế giới Di động phiên lao dốc đầu tuần - Ảnh 1.

Cửa hàng Thế giới Di động đóng của do ảnh hưởn của đại dịch COVID-19. Ảnh: Sơn Tùng.

Phiên giao dịch đầu tuần 21/4, thị trường chứng khoán đồng loạt lao dốc sau khi giá dầu thô lần đầu tiên giảm xuống mức âm gần 40 USD/thùng.

VN-Index giảm 28,13 điểm (3,54%) xuống 766,84 điểm; ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ khi hồi phục vào đầu tháng 4. Hai chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng giảm lần lượt 4,54% và 2,77%.

Đà bán tháo diễn ra xuyên suốt cả phiên khiến thanh khoản toàn thị trường tăng đột biến lên 502,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 7.174 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE cũng lên đến trên 1.000 tỉ đồng với các cổ phiếu đáng chú ý như VNM, MWG và SVI.

Giao dịch thỏa thuận khủng cổ phiếu Vinamilk, Thế giới Di động phiên lao dốc đầu tuần - Ảnh 2.

Nguồn: HOSE.

Cụ thể, cổ phiếu VNM của Vinamilk được thỏa thuận trên 2,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 258 tỉ đồng. Giá thực hiện trung bình khoảng 97.600 đồng/cp trong khi kết phiên mã này giảm 3,2% xuống 96.800 đồng/cp.

Trước đó, cổ phiếu VNM đã chứng kiến nhịp hồi phục từ đáy 84.000 đồng/cp lên trên 100.000 đồng/cp sau khi Vinamilk công bố đã xuất lô sữa đặc đầu tiên sang Trung Quốc khi dịch COVID-19 đã tạm lắng.

Cổ phiếu MWG của Thế giới Di động cũng ghi nhận khối lượng trao tay đạt 1,3 triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt 120,4 tỉ đồng. Tương tự VNM, cổ phiếu MWG cũng diễn biến tiêu cực trong phiên hôm nay với mức giảm 5,8% xuống 79.400 đồng/cp.

Trước những biến động mạnh trong thời gian gần đây, quĩ ngoại Ntasian Emerging Leaders Master Fund đã chuyển nhượng 1,3 triệu cổ phiếu MWG cho hai quĩ ngoại khác vào ngày thứ Sáu tuần trước (18/4) thông qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

Cụ thể, Aberdeen Standard Sicav I – Asian Smaller Companies Fund nhận chuyển nhượng 1,1 triệu cổ phiếu và Vietnam Growth Stock Income Mother Fund nhận chuyển nhượng 200.000 cổ phiếu.

Ở chiều ngược lại, ông Trần Huy Thanh Tùng, Trưởng ban Kiểm soát công ty, đã mua vào 300.000 cổ phiếu MWG như đã đăng kí trong thời gian từ 27/3 đến 7/4. Sau giao dịch, ông Tùng nâng sở hữu tại MWG từ gần 6,28 triệu cp (1,385%) lên gần 6,58 triệu đơn vị (1,451%).

Ngoài ra, cổ phiếu SVI của CTCP Bao bì Biên Hòa (mã: SVI) được trao tay hơn 1,7 triệu đơn vị, tương đương giá trị gần 111 tỉ đồng. Giao dịch diễn ra sau khi doanh nghiệp này có những động thái mở đường cho việc thâu tóm của một Tập đoàn từ Thái Lan.

Ban lãnh đạo SVI cho biết công ty nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư chiến lược tiềm năng là Thai Containers Group, thành viên hoạt động trong ngành bao bì, đóng gói của SCG.

Theo đó, công ty có tờ trình xin ĐHĐCĐ thông qua việc cho phép nhóm doanh nghiệp Thai Containers Group được quyền nhận chuyển nhượng cổ phần SVI để nâng tỉ lệ sở hữu lên hơn 25% vốn điều lệ hoặc mức tối đa NĐT nước ngoài được phép sở hữu mà không phải thực hiện việc chào mua công khai.

Ngoài ra, Hội đồng quản trị SVI cũng sẽ xin ý kiến các cổ đông về việc thay đổi ngành nghề kinh doanh của công ty, bao gồm việc bỏ ngành, nghề "In ấn" trên giấy chứng nhận ĐKKD và thêm diễn giải chi tiết cho ngành sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn...

Sơn Tùng