|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giao dịch cổ phiếu ngân hàng sôi động trở lại

13:38 | 21/08/2023
Chia sẻ
Cổ phiếu ngân hàng đang có xu hướng giao dịch sôi động trở lại trong những tháng đầu tiên của quý III với loạt giao dịch có khối lượng "khủng". Có phiên lượng cổ phiếu được trao tay lên tới 51% số cổ phiếu được lưu hành của một ngân hàng.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh

Theo thống kê của chúng tôi, trong nửa đầu quý III/2023, khối lượng giao dịch trung bình của cổ phiếu của 27 nhà băng niêm yết đã tăng 36% so với hai quý trước. Nếu so sánh với mức trung bình của quý II, khối lượng giao dịch đã trong gần 2 tháng đầu quý III đã tăng 30,4%, trong khi nếu so với quý I, con số này lên tới 41,2%. 

 Khối lượng giao dịch của 27 mã cổ phiếu ngân hàng đã ghi nhận sự tăng trưởng trong vài tháng gần đây.

Từ tháng 7 đến nay, liên tục có các giao dịch lớn, với quy mô lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng được thực hiện. Mới đây nhất, trong giai đoạn từ 25/7 đến 16/8, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Thành viên HĐQT VIB đã mua vào 25 triệu cổ phiếu VIB với ước tính giá trị trên 500 tỷ đồng. 

Trong thời gian 21/7 - 9/8, ông Đặng Quang Tuấn, con trai ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cũng bán ra gần 125 triệu cổ phiếu VIB với giá trị ước tính là 2.630 tỷ đồng. Cùng thời gian giao dịch, CTCP Funderra, tổ chức có liên quan tới ông Đặng Khắc Vỹ, đã đăng ký mua gần 125 triệu cổ phiếu VIB, đúng bằng số lượng mà ông Tuấn đăng ký bán ra.

Vào ngày 7/8, quỹ ngoại Dragon Capital đã bán ra gần 121 triệu cổ phiếu ACB, tương đương hơn 3,1% cổ phiếu của ngân hàng và không còn là cổ đông lớn. Ước tính, giao dịch trên giúp Dragon Capital thu được số tiền gần 2.900 tỷ đồng. 

Từ ngày 9/6 đến 8/7, bà Nguyễn Việt Triều, vợ ông Ngô Hà Bắc, thành viên HĐQT của ngân hàng OCB, đã bán thành công gần 500.000 cổ phiếu. Phần lẻ chưa bán thành công (50.000 cổ phiếu) chưa giao dịch được do mức giá không được như kỳ vọng. Ước tính với mức giá đóng cửa của cổ phiếu OCB vào ngày 7/7 là 18.100 đồng/cp, giá trị lượng cổ phiếu được sang tay là gần 9 tỷ đồng. 

Trong phiên giao dịch ngày 11/7 hơn 155 triệu cổ phiếu PGB, với giá trị gần 3.173 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex đã được sang tay. Trong đó, 155,7 triệu cổ phiếu được giao dịch phương thức thoả thuận và hơn 134.000 cổ phiếu được giao dịch bằng phương thức khớp lệnh.

Đâu là động lực của cổ phiếu ngân hàng?

Hoạt động giao dịch cổ phiếu ngân hàng khởi sắc có thể đến từ sự phục hồi của chứng khoán nói chung, cũng như kỳ vọng vào ngành ngân hàng nói riêng. 

Theo loạt báo cáo chiến lược đầu tư mới đây từ các công ty chứng khoán, kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng tốc vào những tháng cuối năm nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng và các hỗ trợ từ chính sách tài khóa. Do đó, cấc chuyên gia có góc nhìn khả quan về cổ phiếu ngân hàng, khi đây là một trong những lĩnh vực dễ hưởng lợi từ xu hướng giảm lãi suất và kinh tế phục hồi. 

Báo cáo phân tích ngành mới đây của Chứng khoán MB (MBS) dự báo tín dụng sẽ tăng tốc nhanh hơn trong nửa cuối năm 2023 nhờ xuất khẩu phục hồi,hiệu ứng từ lãi suất cho vay giảm và tác động từ các chính sách tài khoánhư giảm thuế VAT từ 10%,...

Các chuyên gia phân tích của MBS cũng kỳ vọng rằng biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2023 nhờ lãi suất huy động giảm làm giảm chi phí vốn. Đồng thời, chất lượng tài sản là chỉ tiêu tiên quyết khi lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng. 

Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cảnh báo trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lợi nhuận ngân hàng trong nửa cuối năm sẽ khó sáng màu. Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, ngân hàng đang duy trì là ngành có sức chống đỡ tốt nhất thị trường trong bối cảnh khó khăn hiện tại. Tuy vậy, những thách thức về tăng trưởng tín dụng chậm, NIM thu hẹp và nợ xấu tăng khiến cho bức tranh lợi nhuận không quá sáng màu vào cuối năm.

(Ảnh: WiData.vn).

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, việc cắt giảm lãi suất tất nhiên sẽ gây khó khăn hơn cho các ngân hàng.

Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ mà Chính phủ và NHNN yêu cầu để đồng hành cùng với doanh nghiệp, người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ông Lực cũng dự báo, năm nay ngành ngân hàng sẽ khó khăn hơn, biên lợi nhuận được dự báo đã và đang giảm, NIM cũng giảm, nợ xấu thì tăng lên, các ngân hàng còn phải trích lập dự phòng rủi ro 50% theo Thông tư 02, thu phí dịch vụ khác cũng khó mà tăng được.

"Về cơ bản lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay có tăng nhưng mà tăng ở mức thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Tôi dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay tăng khoảng từ 13-15% trong khi năm ngoái tăng khoảng 33-35%", ông Lực nói.

Minh Quang