|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Các yếu tố vướng mắc dần được tháo gỡ, cổ phiếu ngân hàng có nhiều động lực tăng trưởng trong nửa cuối năm

07:07 | 06/07/2023
Chia sẻ
Ngày 5/7, Chứng khoán HSC đã tổ chức hội thảo C2C với chủ đề "Triển vọng ngành Ngân hàng năm 2023: Thách thức và cơ hội". Tại hội thảo, các diễn giả đã đưa ra nhiều nhận định về triển vọng ngành ngân và cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn nửa cuối năm.

Về bối cảnh nền kinh tế, bà Vũ Thị Thu Thủy, Giám đốc Thông tin & Nhận định thị trường, Khối Khách hàng cá nhân của Chứng khoán HSC chỉ ra những tháng đầu năm là giai đoạn khó khăn của cả trong và ngoại nước. Do đó, Chính phủ đã có sự hỗ trợ mạnh mẽ đối với nền kinh tế, doanh nghiệp cũng như người dân thông qua các chính sách kinh tế. Nổi bật là chính sách nới lỏng tiền tệ, tăng cường đầu tư công, giảm thuế, thúc đẩy tiêu dùng,...

Kết quả là đã xuất hiện những dấu hiệu hồi phục kinh tế đầu tiên trong quý II như GDP quý II đạt tăng trưởng 4,14%, cao hơn quý I (hơn 3%); giải ngân FDI cải thiện; doanh số bán lẻ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái,...

Ông Đàm Thế Thái, Phó Tổng Giám đốc HD Saison cho biết trong thời gian qua, các doanh nghiệp bán lẻ đã chứng kiến suy giảm sức mua. Tuy nhiên, những tín hiệu hồi phục đã xuất hiện vào đầu tháng 6 và tăng trưởng dương có thể quay lại vào cuối quý III cũng như khởi sắc hơn vào quý IV.

Ông Thái tin rằng những khó khăn của nền kinh tế đã đạt đỉnh và các yếu tố tích cực đang trở lại. Riêng phần HD Saison, đơn vị ghi nhận những chỉ tiêu tài chính vẫn tương đối khả quan, tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn. Kết quả này chủ yếu do công ty thận trọng trong việc cho vay tiền mặt, hiện hơn 50% cơ cấu danh mục cho vay là cho vay mua xe máy và điện máy (còn lại là cho vay tiền mặt).

 Hội thảo C2C do HSC tổ chức ngày 5/7. (Ảnh chụp màn hình).

Dự báo về vĩ mô, bà Phạm Liên Hà, Giám đốc Nghiên cứu ngành dịch vụ tài chính của Chứng khoán HSC nhận thấy thông điệp của Chính phủ đang mang tính chất linh hoạt, nới lỏng về tiền tệ. Phía HSC cho rằng dư địa giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2023 là không nhiều, chỉ ở mức 25 điểm cơ bản. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ về tài khóa như giảm thuế VAT gần đây hay kế hoạch tăng đầu tư công vẫn còn dư địa để Chính phủ có thể dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, các yếu tố thuận lợi cho ngành bất động sản đã quay ngược kể từ năm 2022. Trong đó, kênh trái phiếu sau 4 năm tăng trưởng nhanh đã rơi vào tình trạng kém thanh khoản khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế, gia tăng rủi ro cho ngành ngân hàng.

Theo số liệu của HSC, tín dụng qua cho vay và đầu tư trái phiếu hiện chiếm khoảng 6% tổng tín dụng, cho vay mua nhà chiếm khoảng 15% tổng tín dụng của ngân hàng.

Giai đoạn nửa đầu năm ghi nhận khoảng 97.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản quá hạn trả nợ, chiếm 74% tổng số trái phiếu bị quá hạn. Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thường ghi nhận trái phiếu doanh nghiệp khoảng 73% còn lại 27% là vay ngân hàng và nơi khác.

Do vậy, kể cả khi không nắm giữ trái phiếu, phía ngân hàng vẫn có thể gặp rủi ro khi doanh nghiệp không trả nợ trái phiếu thì doanh nghiệp đó cũng khó có khả năng trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, khi Nghị định 08 năm 2023 có hiệu lực, các tổ chức phát hành đã được thương thảo với nhà đầu tư trái phiếu về việc gia hạn thanh toán tối đa hai năm.

Câu chuyện gia hạn trái phiếu đã diễn ra tích cực trong quý II, tình trạng chậm trả nợ trái phiếu đã giảm đáng kể trong tháng 6. HSC cho rằng tỷ lệ doanh nghiệp chậm thanh toán đã đạt đỉnh và từ giờ đến cuối năm hoạt động cơ cấu và gia hạn trái phiếu sẽ diễn ra sối động. Đây là điều kiện quan trọng cho doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, sự hồi phục của ngành bất động sản còn phù thuộc nhiều vào việc yếu tố pháp lý có được đẩy nhanh hay không.

Cơ hội đan xen rủi ro cho ngành ngân hàng trong nửa cuối năm

Nói về cơ hội của ngành ngân hàng, bà Hà cho biết lãi suất giảm tương đối nhanh và mạnh trong nửa đầu năm, lãi suất điều hành đã thấp hơn giai đoạn trước dịch, lãi suất liên ngân hàng tương đương trước dịch. Việc lãi suất huy động giảm sẽ tác động giảm chi phí vốn của ngân hàng. Xu hướng giảm lãi suất tiếp diễn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế trong nửa cuối năm cũng như 2024.

Một khía cạnh khác, bà Hà nhận thấy lãi suất trái phiếu chính phủ trong quý II đã giảm xuống mức dưới 3% (kỳ hạn 10 năm) là mức thấp hơn so với năm ngoái. Do đó, đây có thể là cơ hội ngân hàng ghi nhận lợi nhuận từ việc mua bán trái phiếu chính phủ.

Về khó khăn, chuyên gia của HSC cho rằng thách thức lớn nhất với ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm cũng như 2024 là vấn đề nợ xấu do trích lập dự phòng. Ở thời điểm cuối quý I, tỷ lệ nợ xấu chính thức tăng lên mức 3%, tỷ lệ nợ xấu gộp đang ở mức 5%. Với Thông tư 02, tỷ lệ nợ xấu chính thức có thể được kiểm soát. Tuy vây, cơ cấu nợ vẫn tăng lên do còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, cần ngân hàng hỗ trợ, gây áp lực lên việc trích lập dự phòng.

Bà Phạm Liên Hà chia sẻ về cơ hội và thách thức của ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm. (Ảnh chụp màn hình).

Liên quan đến vấn đề nợ xấu, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban Quan hệ nhà đầu tư của HDBank chỉ ra nợ xấu vẫn luôn là câu chuyện thường trực với ngành ngân hàng. Với riêng HDBank, đơn vị ghi nhận vẫn kiểm soát tốt tỷ lệ nợ xấu thấp hơn so với trung bình ngành trong 5 năm gần nhất. Ông Tùng cho rằng đỉnh của nợ xấu đã qua trên cơ sở lãi suất đang hạ, người vay sẽ được giảm áp lực trả nợ.

Bên cạnh đó, nền kinh tế dù đang gặp khó vẫn cho thấy những lĩnh vực có sức chịu đựng tốt hoặc phục hồi tốt, kể đến như du lịch, xuất khẩu nông sản hưởng lợi từ thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Hiện sức tiêu thụ hàng tiêu dùng đang dần cải thiện, cùng với đầu tư công, du lịch sẽ hô trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Khi đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi sẽ giúp kiểm soát rủi ro nợ xấu.

Chia sẻ về câu chuyện tín dụng, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp của HDBank (HoSE: HDB) cho biết thực tế HDBank không gặp khó khăn trong việc giải ngân cho khách hàng. Tình hình tài chính thời điểm nào đó của khách hàng có thể khó khăn hơn so với năm trước đó nhưng dài hạn doanh nghiệp vẫn bền vững, duy trì tăng trưởng thì ngân hàng vẫn giải ngân bình thường.

Trường hợp khách hàng muốn giải ngân số tiền quá lớn, ngân hàng không đủ room tín dụng thì sẽ giới thiệu các giải pháp thay thế khác, kể cả trao đổi với nhà đầu tư nợ nước ngoài, qua đó giảm thiểu lệ thuộc giải ngân trong nước.

Ở góc nhìn HDBank, ngân hàng xem trái phiếu doanh nghiệp là một loại nợ và đang được kiểm soát tốt. Với những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế trong nửa cuối năm, ông Phương cho biết ngân hàng sẵn sàng “mở lòng” với những cơ hội kinh doanh mới hay những sản phẩm căn hộ trị giá 1 - 3 tỷ đồng có đầy đủ pháp lý. Không chỉ nhà đầu tư trong nước, hiện các nhà đầu tư nước ngoài ví dụ như Singapore cũng đang quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam.

Cổ phiếu ngân hàng còn nhiều triển vọng bứt phá?

Đánh giá triển vọng của ngành ngân hàng, bà Phạm Liên Hà cho biết HSC dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 ở mức 12 - 14% và công ty chứng khoán đang nghiêng về con số 12%. Giai đoạn nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng ghi nhận mức 3%. HSC dự báo chỉ tiêu này đạt 3% trong quý III và 6% trong quý IV, nghĩa là tăng mạnh nhất vào quý cuối năm.

Trong 14 ngân hàng HSC theo dõi, NIM ước tính cho năm 2023 dự kiến giảm khoảng 20 đến 30 điểm cơ bản. Tuy nhiên, sẽ có sự chênh lệch giữa từng ngân hàng. Về lợi nhuận, ước tính lợi nhuận trung bình 14 ngân hàng sẽ vào khoảng 12 - 15% trong năm 2023. Theo đó, HSC ước tính lợi nhuận nhóm ngân hàng trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng trên 20% so với cùng kỳ.

Cho giai đoạn những tháng cuối năm, HSC đã bổ sung một số mã ngân hàng vào danh sách khuyến nghị, gồm HDB, MBB và TCB. Bà Hà chỉ ra những cổ phiếu này vẫn có định giá hấp dẫn trong khi các yếu tố rủi ro nói chung đã giảm bớt.

Ông Hoàng Thanh Tùng đánh giá triển vọng ngành ngân hàng sẽ tươi sáng hơn trong thời gian tới nhờ bối cảnh vĩ mô cải thiện, những vướng mắc dần được tháo gỡ. Về mặt định giá, phân tích của HSC và nhiều công ty chứng khoán khác đều cho thấy định giá cổ phiếu ngân hàng đang thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Vị giám đốc HDBank nhìn nhận trong thời gian qua, thị trường chứng khoán đã có cái nhìn bi quan về ngành ngân hàng do các vấn đề liên quan đến trái phiếu, nợ xấu, bất động sản. Khi các vấn đề này được tháo gỡ, niềm tin trở lại thì nhiều khả năng cổ phiếu ngân hàng sẽ biến động tích cực. Về phía nhà đầu tư nước ngoài, họ luôn hào hứng mỗi khi thị trường biến động.

Ông Tùng chỉ ra nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn thị giá đi xuống lúc dịch COVID-19. Với riêng HDB, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trên 50 triệu cổ phiếu này trong giai đoạn 6 tháng đầu năm.

Xuân Nghĩa