|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao dòng tiền tìm đến cổ phiếu ngân hàng?

10:15 | 08/08/2023
Chia sẻ
Báo cáo chiến lược đầu tư mới đây của BVSC, VNDirect, TPS hay ABS,... nhận định kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng tốc những tháng cuối năm nhờ chính sách tiền tiền nới lỏng và các hỗ trợ từ chính sách tài khóa. Thị trường chứng khoán (TTCK) được dự báo tiếp tục xu hướng khởi sắc, các chuyên gia có cùng góc nhìn khả quan về triển vọng nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng.

Bối cảnh thị trường chứng khoán khởi sắc, thanh khoản bật tăng

Nhóm phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) chỉ ra trong tháng 7, hầu hết các TTCK đều có diễn biến tăng điểm, trong đó VN-Index ghi nhận mức tăng ấn tượng 9,17% so với tháng trước đó. Chỉ số đại diện thị trường đi lên kèm theo sự cải thiện tích cực thanh khoản.

Nỗ lực giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cùng “độ ngấm” của các chính sách hỗ trợ dày đặc của Chính phủ trong thời gian vừa qua được xem là yếu tố nền tảng giúp cải thiện dòng tiền vào thị trường và hỗ trợ thị trường trong tháng 7.

(Nguồn: BVSC).

Thanh khoản trên sàn HOSE đạt trung bình 18.361 tỷ đồng mỗi phiên trong tháng 7, cao nhất kể từ tháng 5/2022. Dòng tiền nhà đầu tư trong nước đã tham gia mạnh trở lại kể từ đầu năm 2023. Mặc dù tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm nhưng ở những ngưỡng điểm quan trọng, khối ngoại đã đẩy mạnh mua ròng qua đó hỗ trợ về dòng tiền và tâm lý giúp giữ vững xu thế tăng của thị trường.

Chứng khoán VNDirect (VND) kỳ vọng đà tăng của thị trường có thể duy trì sang đầu tháng 8 nhờ sự cải thiện kết quả kinh doanh quý II so với quý I tại một số cổ phiếu trụ cột. Tuy vậy, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh qua đi sẽ là vùng trũng thông tin và đà tăng của thị trường có thể chững lại trong giai đoạn nửa sau tháng 8.

Trong trung hạn, nhóm phân tích vẫn lạc quan về xu hướng thị trường do: Lộ trình tăng lãi suất của Fed đã đi đến giai đoạn cuối; Trung Quốc có thể tung ra các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm vực dậy thị trường bất động sản; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh hơn trong nửa sau năm 2023.

Công ty chứng khoán lạc quan về triển vọng cổ phiếu ngân hàng. (Ảnh minh họa).

Theo Chứng khoán An Bình (ABS), về mặt định giá, với việc VN-Index tăng điểm trong 3 tháng 5 - 6 - 7, dựa trên kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết, P/E toàn thị trường đã tăng từ 12,74x cuối tháng 5 lên 13,3x cuối tháng 6 và lên 14,6x cuối tháng 7. Tuy nhiên, lợi nhuận các doanh nghiệp được kỳ vọng tạo đáy trong quý II và bắt đầu hồi phục từ quý III, do đó P/E dự phóng của quý tới sẽ giảm đi.

Dù vậy, vẫn có các ngành sẽ được hưởng lợi từ các diễn biến vĩ mô như lãi suất giảm như các ngành tài chính (bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm), bất động sản, sản xuất,... và tỷ giá tăng như ngành xuất khẩu hưởng lợi từ tỷ giá tăng và nhu cầu thị trường thế giới hồi phục... cũng như nhiều doanh nghiệp đang được định giá rẻ trong khi đã qua giai đoạn đáy lợi nhuận. Đây tiếp tục sẽ là các cơ hội đầu tư trong tháng 8.

Cổ phiếu ngân hàng có định giá hấp dẫn

Với bối cảnh vĩ mô và môi trường kinh doanh tích cực hơn, BVSC cho rằng nhóm vốn hóa lớn có kỳ vọng kết quả kinh doanh cải thiện trong hai quý cuối năm và đặc biệt có sự phục hồi mạnh về lợi nhuận trong năm 2024 sẽ thu hút được dòng tiền.

Theo BVSC, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có nhiều yếu tố hỗ trợ như: Cục Dự trữ liên bang (Fed) đang tiến tới giai đoạn cuối tăng lãi suất và có thể sẽ bắt đầu hạ lãi suất năm tới; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới hạ lãi suất và đã thực hiện 4 lần hạ lãi suất, cùng với đó đã cấp room cả năm 2023 cho các ngân hàng; kỳ vọng tăng trưởng tín dụng, NIM cũng như chất lượng tài sản sẽ có sự cải thiện trong nửa cuối năm cũng như năm 2024; định giá hấp dẫn.

“Nhóm ngân hàng với mức định giá vẫn đang ở quanh mức thấp của P/B từ năm 2016 tạo ra cơ hội tích lũy ở thời điểm hiện tại. Chúng tôi khuyến nghị các ngân hàng có kết quả kinh doanh nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm như Sacombank (Mã: STB), ACB (Mã: ACB), Vietcombank (Mã: VCB), MB (MBB).”, báo cáo chiến lược tháng 8 của BVSC nêu.

(Nguồn: BVSC).

VNDirect cũng kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2023 nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng và các hỗ trợ từ chính sách tài khóa. Khi đó, ngành ngân hàng sẽ phản ánh rõ nhất sự phục hồi của nền kinh tế.

Luận điểm đầu tư của VNDirect, tăng trưởng tín dụng phục hồi nhờ nới lỏng tiền tệ và chính sách tài khóa mở rộng. Cụ thể, các chính sách tài khóa đang được triển khai như đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế VAT, giảm thuế trước bạ ô tô, tăng lương cơ sở sẽ giúp kích cầu tiêu dùng và đầu tư tư nhân, qua đó thúc đẩy nhu cầu tín dụng tăng trở lại. Song song đó, Thông tư 02 hỗ trợ giảm áp lực dự phòng cho các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm hai tăng mạnh.

(Nguồn: VNDirect).

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ hồi phục

Ở góc nhìn rõ hơn về tình hình kinh doanh, báo cáo mới đây của SSI Research chỉ ra nhóm ngân hàng có lợi nhuận trước thuế tăng 3% so với cùng kỳ và giảm 1,2% so với quý I, tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc của tăng trưởng tín dụng (tăng 6,6% so với đầu năm hoặc 2% so với quý I), NIM co hẹp (giảm 15 bps so với quý I) và nợ xấu vẫn trong xu hướng tăng (tăng 11 điểm cơ bản so với quý trước). Điểm tích cực trong báo cáo tài chính quý II là thu nhập từ hoạt động dịch vụ hồi phục so với quý trước và CASA đã tạo đáy trong quý I đối với hầu hết các ngân hàng.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong quý II vẫn yếu so với quý I ở hầu hết các ngân hàng. ACB, OCB, MB và VPBank là những ngân hàng có tốc độ tăng tín dụng so với quý trước mạnh nhất, đạt khoảng 5 - 6,5%. Động lực tăng trưởng là tín dụng cho ngành thương mại, sản xuất, bất động sản và xây dựng tại MB (Mã: MBB); cho vay sản xuất kinh doanh và bất động sản tại VPBank (Mã: VPB) và cho vay tài trợ vốn lưu động tại ACB (Mã: ACB). Dư nợ tài chính tiêu dùng tiếp tục suy giảm tại FeCredit & MCredit trong khi tăng nhẹ trở lại ở HDSaison.

Về chất lượng tài sản, các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần nhóm 2 (HDBank, MSB, TPBank, VIB), Sacombank (Mã: STB) và VPBank vẫn chịu áp lực về suy giảm chất lượng tài sản. Tuy nhiên, nợ xấu và nợ quá hạn hình thành mới tại các NHTM nhà nước, ACB, MB và OCB đã chậm lại đáng kể so với quý IV/2022 và quý I/2023.

Nhóm phân tích SSI cho biết NIM được duy trì tương đối tốt tại các NHTM nhà nước do tài sản sinh lời được phân bổ cân bằng hơn do tiền gửi Kho bạc Nhà nước không còn dồi dào như quý trước. Ngược lại, NIM tiếp tục giảm tại nhóm NHTM cổ phần do nhiều nguyên nhân, bao gồm tăng trưởng huy động quá cao so với tăng tín dụng (VPB, HDB), hạ lãi suất hỗ trợ khách hàng (Techcombank) hoặc tăng mạnh danh mục trái phiếu tổ chức tín dụng (MB).

Kết quả của nhóm NHTM nhà nước, ACB, MBB, Techcombank (Mã: TCB) tương đối phù hợp với ước tính hiện tại của SSI Research cho năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự phóng của năm 2023 sẽ được cập nhật lại ở một số ngân hàng do NIM giảm mạnh hơn dự kiến (VPB), tỷ lệ nợ xấu hình thành cao hơn dự kiến (TPB, HDB), hoạt động tài chính tiêu dùng yếu hơn dự kiến (VPB) hoặc thu nhập ngoài lãi tăng mạnh (OCB, MSB). 

(Nguồn: SSI Research).

Xuân Nghĩa