CEO WiGroup: Khó khăn còn tiếp tục thẩm thấu, lợi nhuận ngân hàng khó sáng màu vào cuối năm
Bức tranh kinh doanh của ngành ngân hàng đã dần lộ rõ khi phần lớn nhà băng đã công bố báo cáo tài chính quý II. Mặc dù nhiều ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thấp, thậm chí tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoài nhưng ngân hàng vẫn được đánh giá là ngành duy trì được mức lợi nhuận tốt nhất trên thị trường.
Một phần lý do để giải thích cho nhận định này là trong hai quý đầu năm 2022, ngành ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng rất mạnh, phần lớn ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup, cho hay trong nửa đầu năm, lợi nhuận các ngân hàng có sự phân hoá mạnh. "Chỉ có nhóm ngân hàng Nhà nước giữ được lợi nhuận ổn định, lợi nhuận nhóm ngân hàng cổ phần lớn bắt đầu chịu ảnh hưởng trong khi một số bank khác đã có thấy sự sụt giảm mạnh", ông Báu nói.
Số liệu từ các báo cáo tài chính cho thấy tổng thu nhập hoạt động (TOI) của các ngân hàng có xu hướng đi ngang trong khi hoạt động lõi (thu nhập lãi thuần) sụt giảm là nhờ sự phục hồi của các mảng hoạt động khác như: kinh doanh ngoại hối, kinh doanh chứng khoán, dịch vụ,...
Theo ông Trần Ngọc Báu, các mảng kinh doanh khác không thể duy trì tăng trưởng được lâu, ngân hàng muốn tăng trưởng trở lại vẫn phải nhờ động lực từ mảng chính, hay thu nhập lãi thuần. Tuy nhiên, các nhà băng còn sẽ tiếp tục còn bị thẩm thấu bởi việc sụt giảm thu nhập lãi thuần trong quý III và quý IV.
Nếu muốn tăng thu nhập lãi thuần, các ngân hàng có hai phương án là tăng quy mô tín dụng hoặc tăng biên sinh lời (NIM = Tỷ suất lợi nhuận đầu ra - Chi phí vốn đầu vào).
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, tín dụng tăng trưởng rất chậm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn kém. Cùng với đó, tỷ suất lợi nhuận đầu ra khó tăng được nữa trong khi chi phí vốn đã tăng rất nhiều do ảnh hưởng từ lãi suất huy động đầu vào.
Theo phân tích của CEO WiGroup, ngân hàng chịu áp lực nhiều về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (từ tháng 10 sẽ đưa về 30%) cho nên một số ngân hàng, đặc biệt những ngân hàng huy động nhiều từ thị trường 2 thì phải dịch chuyển phần đó về tỷ lệ an toàn. Tăng tỷ trọng huy động kỳ hạn dài đồng nghĩa với việc chi phí huy động cao.
Bên cạnh đó, trải qua các đợt thổi phồng lãi suất đã làm cho người dân không để tiền tiết kiệm ở nhàn rỗi nữa mà sẽ gửi tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi suất cao khiến chi phí vốn các ngân hàng tăng.
Lợi suất đầu ra giảm trong khi chi phí vốn tăng nhanh khiến NIM thu hẹp và thu nhập lãi thuần ảnh hưởng mạnh. Theo ông Báu, NIM các ngân hàng sẽ không thể phục hồi mạnh từ giờ đến cuối năm.
Xét về số tuyệt đối thì lợi nhuận ngân hàng có thể sẽ không có sự bứt tốc nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước thì lợi nhuận có thể tăng trưởng dương từ quý III. Nhìn chung, xu hướng chung vẫn là suy giảm.
Khoảng cách giữa dự phòng và nợ xấu nới rộng
Một trong những điểm nhấn của bức tranh kinh doanh ngân hàng nửa đầu năm đó là sự gia tăng mạnh của nợ xấu trong khi chi phí dự phòng giảm. Nợ xấu tăng nhưng ngân hàng không tăng trích lập dự phòng tương ứng giúp cho chi phí dự phòng không "ăn mòn" quá nhiều vào lợi nhuận. Tuy nhiên, yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận trong tương lai.
Cùng với việc giảm chi phí dự phòng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của các ngân hàng đã giảm từ 142,7% cuối năm 2022 về 102,8% vào cuối quý II.
"Nếu như tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảmvề tới ngưỡng 75% thì các ngân hàng sẽ cực kỳ nhạy cảm với nợ xấu", ông Báu nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng áp lực trích lập dự phòng nợ xấu sẽ cực cao trong hai quý cuối năm và nợ xấu sẽ tiếp tục tăng khi nợ nhóm 2 đang tăng rất nhanh và sẽ là nợ tiềm tàng có thể trở thành nợ xấu trong tương lai.
Trong biểu đồ về nợ xấu bên dưới, nhóm các ngân hàng quốc doanh (có quy mô dư nợ chiếm khoảng 46%) có tốc độ tăng nợ xấu không nhiều trong khi nhóm ngân hàng cổ phần lớn và vừa thì nợ xấu tăng nhanh và gần tiệm cận ngưỡng 3%. Do đó, vấn đề nợ xấu nói chung toàn ngành vẫn chưa quá đáng lo, ông Báu nhận định.