|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giáng sinh không đến với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc

11:56 | 20/12/2023
Chia sẻ
Nhu cầu của các khách hàng Mỹ và châu Âu đối với hàng hóa Trung Quốc đã giảm sút so với trước đây. Chuyên gia nhận định rằng trong tương lai, nhiều khả năng thị trường nội địa sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với tăng trưởng của Trung Quốc.

Các cửa hàng đã bắt đầu đóng thùng đồ trang trí Giáng sinh không bán được để cất vào kho. (Ảnh: Nikkei Asia). 

Nhu cầu yếu

Còn vài ngày nữa mới đến Giáng sinh nhưng tại cửa hàng rộng 30 m2 ở chợ Nghĩa Ô, bà Jiang Qing đã thu dọn tất, mũ ông già Noel và các đồ trang trí chưa bán được. Đối với bà, cao điểm của mùa bán hàng dịp Giáng sinh là tháng 10 và năm 2023 không mang đến nhiều may mắn. Doanh thu năm nay của bà giảm hơn 30%.

Giống như nhiều người buôn bán khác ở chợ Nghĩa Ô - nơi được mệnh danh là chợ bán buôn lớn nhất thế giới - bà Jiang chỉ có cửa hàng nhỏ nhưng lại thu được phần lớn doanh thu từ xuất khẩu.

Việc chính phủ Trung Quốc nới lỏng các hạn chế chống dịch vào đầu năm 2023 đã khơi dậy hy vọng rằng kinh tế sẽ khởi sắc rõ rệt. Song, đối với nhiều nhà xuất khẩu ở Nghĩa Ô như bà Jiang, việc kinh doanh hồi năm ngoái còn tốt hơn bởi khi đó người tiêu dùng trên toàn cầu vẫn đang mạnh tay chi tiêu hậu đại dịch.

Nhưng bà Jiang cũng nói thêm: “May là chúng tôi vẫn còn thị trường Nga và Trung Đông để bù đắp cho nhu cầu suy yếu của những khách hàng từng bạo chi ở Mỹ và châu Âu”. Những người bán khác trong chợ Nghĩa Ô cũng đưa ra ý kiến tương tự, tờ Nikkei Asia cho biết.

So với vài năm trước, chợ Nghĩa Ô có vẻ đang đón tiếp nhiều khách hơn. Tuy nhiên, các chủ tiệm nói điều này không đồng nghĩa là doanh số được cải thiện. Một người bán cây thông giả cho hay: “Các khách hàng Mỹ và châu Âu thường yêu cầu chúng tôi giảm 10% so với giá trong catalog do lạm phát ở nước họ cao”.

Trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã chấm dứt chuỗi giảm 6 tháng liên tiếp và tăng trưởng trở lại với tốc độ 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng lượng hàng xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm của Trung Quốc vẫn giảm 5,2%.

Capital Economics ước tính rằng kim ngạch xuất khẩu tính theo USD của Trung Quốc đã giảm khoảng 16% kể từ cuối năm ngoái. Hệ quả là biên lợi nhuận ròng của các nhà xuất khẩu rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010, không kể giai đoạn phong tỏa đầu tiên trong đại dịch.

 *Số liệu năm 2023 là tính trong 11 tháng đầu năm. 

Chiến lược mới

Ông Arjen van Dijkhuizen, nhà kinh tế cấp cao tại ABN Amro, nhận định: “Sức mạnh xuất khẩu của Trung Quốc từng được thể hiện rõ trong những năm đại dịch nhưng nay đã kết thúc. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong phần lớn năm 2023 ở mức âm".

Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc từng rất mạnh mẽ vào năm ngoái. Đây là một nguyên nhân khiến số liệu năm nay kém khả quan hơn. Nhưng lý do khác là nhu cầu của thế giới đã giảm đáng kể do các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ và người tiêu dùng dần chuyển từ mua sắm hàng hóa sang dịch vụ.

Một số nhà bán lẻ đã áp dụng biện pháp giảm giá mạnh mẽ để mở rộng thị phần. Anh Chen Liguo đang bán cốc và quần áo tới khách hàng ở Mỹ và châu Âu thông qua các nền tảng Shein và Temu. 

Tuy nhiên, Chen cho biết việc phải chi nhiều hơn cho quảng cáo đã khiến biên lợi nhuận vốn đã thấp nay chỉ còn 15%. Một năm trước, biên lợi nhuận của Chen là khoảng 20%.

Các nhà kinh tế kỳ vọng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ phục hồi sau vài tháng nữa nhờ sự thay đổi mang tính chu kỳ trong thương mại toàn cầu. Nhưng họ cho là cuộc phục hồi sẽ không diễn ra quá mạnh mẽ.

Ông Stephen Olson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hinrich Foundation, cho biết: “Nhiều nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp ở Trung Quốc đang làm việc dựa trên giả định rằng trong dài hạn, tầm quan trọng của các thị trường Mỹ và châu Âu sẽ không còn lớn như trước”.

Thay vào đó, các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á và tiêu dùng nội địa sẽ đóng vai trò quan trọng hơn. Ông kết luận: “Nhìn chung, vai trò của xuất khẩu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giảm xuống”.

Giang

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.