Giảm phạt để hạn chế mua bán ngoại tệ trái phép?
Nhận diện các hành vi mua bán ngoại tệ trái pháp luật | |
Các đại lý thu đổi ngoại tệ mua vào hơn 200 triệu đô la mỗi năm |
Mua bán ngoại tệ tại một cửa hàng vàng ở Q.1, TP.HCM
ẢNH: NGỌC DƯƠNG |
Phạt nặng, giao dịch vẫn sôi động
Ngày 18.12, trước tiệm vàng H.T (khu chợ Bến Thành, Q.1, TP.HCM) vẫn có 6 - 7 khách hàng đang mua bán các loại ngoại tệ. Một người đàn ông khoảng 50 tuổi hỏi mua USD, nhân viên trong quầy nói vọng ra: “380” (tức 23.380 đồng/USD - PV). Khách đứng bên ngoài báo số lượng khoảng 900 USD và đưa tiền qua ô cửa kính. Vài phút sau nhân viên bên trong đưa ra 9 tờ 100 USD, giao dịch nhanh chóng hoàn tất. Đứng gần chúng tôi là một người đàn ông trung niên khác đang chờ đợi nhận tiền từ việc bán một lượng nhân dân tệ đã đưa cho nhân viên tiệm vàng trước đó. Bên trong vách kính, nhân viên đang đếm xấp tiền vài chục triệu đồng và đẩy ra ngoài cùng một bó tiền Việt còn nguyên dây cột tiền của ngân hàng, ước chừng vài trăm triệu đồng. Người đàn ông bỏ tiền vào cái túi đeo bên hông. Cứ thế, thêm một giao dịch hoàn tất.
Tiệm vàng này không treo bảng làm đại lý thu đổi ngoại tệ của ngân hàng nào nhưng khi có yêu cầu mua bán bất cứ loại ngoại tệ nào, nhân viên nhập thẳng vào máy tính tiền mà không cần xem tỷ giá. Khách đến giao dịch, có cả người nước ngoài.
Với những giao dịch ngoại tệ lớn, người mua và bán kín đáo hơn. Bà Thanh (Q.3, TP.HCM) cho biết: “Tôi quen một người bán ngoại tệ từ nhiều năm nay, khi có nhu cầu chỉ cần điện chốt giá và địa điểm giao, bao nhiêu cũng có”. Những hoạt động này diễn ra công khai, ngay khi quy định phạt mua bán ngoại tệ với tổ chức không được phép mua bán ngoại tệ là 80 - 100 triệu đồng và áp dụng biện pháp tịch thu tang vật ngoại tệ và tiền đồng.
Thực tế sau vụ ông Nguyễn Cà Rê bán 100 USD bị UBND TP.Cần Thơ xử phạt 90 triệu đồng gây nhiều tranh cãi về mức phạt, nên sau đó ở nhiều địa phương, việc xử phạt có uyển chuyển, linh hoạt hơn. Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện một số trường hợp mua bán ngoại tệ, vàng không đúng quy định. Cụ thể, bà Trần Thị Việt (sinh năm 1964, trú tại xã Nghĩa Thuận, TX.Thái Hòa), người quản lý cửa hàng vàng bạc Hùng Việt bán tờ 100 USD và 1 miếng vàng SJC cho 2 khách hàng và bà Hồ Thị Thu Hương (nhân viên tiệm vàng Trường Thắng) bán 2 tờ USD, 1 lượng vàng SJC cho khách hàng. UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với tiệm vàng Hùng Việt 60 triệu đồng, xử phạt bà Trần Thị Việt 40 triệu đồng; xử phạt bà Hồ Thị Thu Hương 70 triệu đồng vì hành vi mua bán vàng, ngoại tệ không có giấy phép. Đối với khách hàng mua vàng, ngoại tệ trong 2 trường hợp này, cơ quan chức năng đã không xử phạt vì nhận thấy họ không biết các cửa hàng không có giấy phép kinh doanh theo quy định.
Nên “tách” đối tượng xử phạt
Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 96 vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, hành vi mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau; mua, bán ngoại tệ với tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ chỉ ở mức phạt cảnh cáo hoặc tiền giảm xuống còn 10 - 20 triệu đồng thay vì 80 - 100 triệu trước đó.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và kinh doanh VN (VGB), nhận xét: Mức phạt 80 - 100 triệu đồng thì cao quá trong trường hợp người dân không hiểu biết nhưng giảm xuống 10 - 20 triệu đồng cho cả cá nhân và cả tổ chức thì lại thấp quá. Điều này vô hình trung ủng hộ việc mua bán ngoại tệ khối lượng lớn, tính răn đe không cao, hạn chế tình trạng chống đô la hóa trong dân cư.
Ông Hải cho rằng nên thực hiện phạt tiền theo lũy tiến từ 10 - 100 triệu đồng. Ví dụ người dân mua bán dưới 1.000 USD, không hiểu biết, có thể phạt 10 - 20 triệu đồng; còn những tổ chức, tiệm vàng, cá nhân kinh doanh ngoại tệ có hiểu biết về pháp luật thì mức phạt cao hơn. Khi đã áp dụng mức phạt theo lũy tiến thì không cần đưa mức phạt “cảnh báo” sẽ tạo kẽ hở cho người thực thi, bởi không lẽ vi phạm số ngoại tệ lớn mà phạt cảnh cáo.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, có cùng quan điểm là giảm mức phạt tiền sẽ thúc đẩy mua bán ngoại tệ nhiều hơn. Qua các trường hợp phát hiện được, cách ứng xử của mỗi tỉnh thành trong xử lý là khác nhau. Tỉnh thì xử phạt, tỉnh thì không. Do đó quy định sắp tới làm sao để tăng cao tính thực thi. Nghị định cần điều chỉnh 2 đối tượng khác nhau để có mức phạt hợp lý. Đối với doanh nghiệp, tiệm vàng, cá nhân kinh doanh đưa ra mức phạt nặng, còn đối với người dân không hiểu biết thì phạt nhẹ hơn.
Hình thức xử phạt tiền không hẳn quyết định tình trạng hạn chế chống đô la mà cơ quan chức năng cần tăng cường vai trò quản lý. Trước nhất là ổn định giá trị tiền đồng VN. Kế đến là quản lý nguồn gốc tiền. Một người mang lượng ngoại tệ lớn vào ngân hàng không rõ nguồn gốc thì không khác nào cổ vũ cho hoạt động mua bán ngoại tệ bên ngoài. Luật sư Trương Thanh Đức |