|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhộn nhịp thị trường mua bán ngoại tệ tại 'chợ đen' và tiệm vàng

20:21 | 24/10/2018
Chia sẻ
Tại nhiều tuyến phố lớn của Hà Nội đã hình thành những "chợ đen" chuyên giao dịch ngoại tệ. Giao dịch trên thị trường phi chính thức này cũng sôi động không kém gì kênh giao dịch qua ngân hàng.
nhon nhip thi truong mua ban ngoai te tai cho den va tiem vang Mua bán ngoại tệ như thế nào là đúng qui định?

Nhộn nhịp kẻ bán người mua

Không khó để nhận biết một người “buôn bạc” tại những khu chợ đen của Hà Nội như phố Hà Trung, Đinh Lễ, Mã Mây, Hàng Bạc… Họ thường là những người phụ nữ, cũng có thể là một tài xế xe ôm hay “lót đệm” cho người mua và đổi ngoại tệ sẽ có thêm một trung gian khác là những người bán hàng rong tại vỉa hè.

Nhìn chung, những người này đều có dáng vẻ tất bật và đặc biệt có đôi mắt nhìn ngang đảo dọc. Khác với cảnh chào hàng như chặn xe cách đây vài năm về trước, những người này chỉ đứng từ xa để nhìn thật kĩ, đôi mắt đặc trưng nói hộ với khách, họ chính là "cò đô la", "cò ngoại tệ".

nhon nhip thi truong mua ban ngoai te tai cho den va tiem vang
Chân dung một thu đổi ngoại tệ trên phố Đinh Lễ

Vào vai một người cần đổi USD, PV nhanh chóng tiếp cận được với một “cò đô la” là chủ quán nước tại một vỉa hè trên phố Đinh Lễ. Sau khi biết người mua cần gấp, người phụ nữ nhanh chóng ra giá quy đổi là 23.465 VNĐ/USD. Theo lời người phụ này, tần suất người mua bán USD như “cơm bữa”, muốn mua hay bán USD đều có hết, cứ ra các phố như Mã Mây, Nguyễn Xí hay Lương Ngọc Quyến...

Không chỉ có những điểm hoạt động tự phát, cũng tại những con phố này, để tránh lực lượng chức năng, nhiều cửa hàng bề ngoài chỉ kinh doanh vàng bạc, nhưng bên trong vỏ bọc đó là hoạt động giao dịch ngoại tệ diễn ra không hạn chế số lượng, miễn là người mua thuận theo giá của người bán.

Tại 1 tiệm vàng trên phố Lương Ngọc Quyến, khi được hỏi về việc mua ngoại tệ. Ban đầu chủ tiệm vàng lắc đầu bảo không mua bán đô la gì cả vì thế là vi phạm. Nhưng sau khi nói chuyện qua lại, người phụ nữ này liền đồng ý “mua bí mật” với giá quy đổi 23.300 VND/USD. Cũng tại 1 tiệm vàng khác trên phố Hàng Bạc, chủ cửa hàng lại nhanh chóng đồng ý giao dịch mua USD với mức giá là 23.400 VND/USD.

Không chỉ tại các tiệm vàng hay khu "chợ đen", hoạt động mua bán USD trên mạng cũng rầm rộ chẳng kém. Chỉ cần một vài thao tác tìm kiếm, PV đã có thể tìm được địa chỉ cũng như số điện thoại để đổi ngoại tệ. PV gọi đến một vài số điện thoại trên mạng được quảng cáo là mua ngoại tệ giá tốt, giao tận nhà các loại ngoại tệ, thì hầu hết, những cuộc trao đổi thỏa thuận diễn ra nhanh chóng và với giá quy đổi từ 23.365 VND/USD đến 23.400 VND/USD.

Có thể khẳng định, việc lén lút giao dịch ngoại tệ tại các khu chợ đen, tiệm vàng là có thực. Và nhu cầu tiêu dùng bằng USD một cách chính đáng của người dân cũng là có thực.

Vì sao USD chợ đen cao hơn ngân hàng?

Trên thực tế, nhiều năm qua việc kiểm tra thị trường ngoại tệ tự do đã được tiến hành, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì mọi việc "đâu lại vào đó". Các hoạt động thu đổi, niêm yết, dùng ngoại tệ thanh toán vẫn diễn ra, thậm chí còn giao dịch nhiều hơn. Và thực tế, có 10 cửa hàng hoạt động mua, bán trao đổi ngoại tệ thì phải đến 9 cửa hàng là “bất hợp pháp” vì không được cấp giấy phép cho hoạt động giao dịch ngoại hối.

Điều đáng nói, sự tồn tại của thị trường USD "chợ đen" như một đối trọng với thị trường chính thức, nhất là thời gian gần đây tình trạng USD hai giá lại xuất hiện, và giá USD "chợ đen" luôn cao hơn ngân hàng và hoạt động sôi nổi không kém. Vì sao lại có tình trạng USD hai giá và thị trường chợ đen tồn tại mặc nhiên như vậy?

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, thị trường chợ đen không tự nhiên mà có, chuyện có cung ắt phải có cầu là điều hoàn toàn dễ hiểu. Hơn nữa, do chênh lệch giá USD trong và ngoài ngân hàng cùng với việc các ngân hàng không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ của người dân nên mới có chuyện dân đến khu "chợ đen" trao đổi, mua bán USD.

Phân tích thêm, ông Hiếu cho rằng: “Khi người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng thì giá bán sẽ thấp hơn so với thị trường tự do, như vậy thì không hấp dẫn người dân. Do đó, phải làm sao cho tỷ giá trong ngân hàng nới dần đến tự do hóa thì mới triệt được tận gốc vấn đề đô la hóa”.

Cùng quan điểm, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế Trưởng ngân hàng BIDV cho rằng, thủ tục giấy tờ phức tạp chính là mấu chốt khiến người dân lựa chọn thị trường phi chính thức là điểm mua bán ngoại tệ: “Khách hàng muốn mua bán đô la tại ngân hàng phải trình rất nhiều thủ tục rườm rà, và không ít người không đủ giấy chứng minh nguồn gốc, mục đích sử dụng, nên rất khó giao dịch, hoặc không giao dịch được. Nếu mua ngoại tệ khách hàng còn phải làm hợp đồng với ngân hàng. Chính vì vậy nên việc ra chợ đen mua bán USD sẽ đơn giản hơn, đỡ mất thời gian công sức so với đến ngân hàng”

Quy định của pháp luật đã khá rõ ràng, nhưng hoạt động mua bán ngoại tệ, trong đó phổ biến nhất là mua bán USD tại những tiệm vàng không được cấp phép thu đổi ngoại tệ vẫn diễn ra công khai và phổ biến. Điều đáng nói, rất nhiều người vẫn không hề hay biết việc đổi USD ở những tiệm vàng này là vi phạm pháp luật.

Thị trường USD "chợ đen" vẫn tồn tại mặc nhiên như một đối trọng với ngân hàng và thách thức cơ quan quản lý. Các ngân hàng thường tích trữ ngoại tệ ưu tiên giao dịch với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nên vô tình dẫn đến việc người mua lẻ "nhắm mắt" đến các chợ đen để giao dịch lén lút.

Ngày 24/10, tỷ giá USD "chợ đen" mua, bán lần lượt 23.400 VNĐ/USD và 23.465 VND/USD, trong khi đó tại Vietcombank giá mua, bán đồng bạc xanh chốt phiên là 23.300 VNĐ/USD và 23.390 VNĐ/USD. Chênh lệch giữa thị trường chính thức và "chợ đen" lên tới 165 VNĐ/USD.

Theo Điểm a Khoản 3, Điều 24, Nghị định 96/2014/NĐ-CP, phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với việc mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ.

Theo Điều 3 của Thông tư 20/2011/TT-NHNN, việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân phải được thực hiện tại các địa điểm được phép mua, bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Theo Điều 22 của Pháp lệnh ngoại hối 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2013, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng… đều không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thu Huyền