|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giám đốc công ty bánh rán kinh doanh từ năm 9 tuổi, đạt doanh thu hơn nửa triệu USD mỗi năm

07:56 | 27/09/2020
Chia sẻ
Bắt đầu bán bánh cho các quán cà phê từ khi học tiểu học, một thiếu niên ở Australia đạt doanh thu hơn 500.000 USD mỗi năm từ năm 2017 tới nay.

Nữ tỉ phú Naomi Simson từng gặp vô số người muốn trở thành doanh nhân khi bà làm giám khảo Shark Tank Australia. Song Morgan Hipworth, một thanh niên ở thành phố Melbourne, Australia là người bà cảm thấy ấn tượng nhất. Cậu thích chế biến món ăn từ năm 7 tuổi và sớm hình thành đam mê với bánh, theo NZ Herald.

Khi Morgan 9 tuổi, cậu có cơ hội kinh doanh khi chủ một quán cà phê muốn cậu làm vài loại bánh cho ông. Từ đó, hàng ngày cậu học sinh tranh thủ thời gian rảnh để làm vài loại bánh cho quán cà phê. Năm 13 tuổi, ngoài việc làm bánh cho quán, cậu còn bán bánh ở các quầy lưu động trên phố.

Một năm sau, số lượng quán cà phê mua bánh của Morgan tăng lên hơn 20. Phần lớn quán chỉ muốn lấy bánh rán nên Morgan ngừng làm những loại bánh khác. Mỗi tuần, Morgan làm khoảng 800 chiếc. 

Số tiền tiết kiệm của Morgan cứ tăng dần, và khi nó đạt mốc 55.000 USD, cậu quyết định thành lập doanh nghiệp mang tên Bistro Morgan, và mở quán bánh rán cố định ở phố Chapel, thành phố Melbourne vào năm 2016 (lúc ấy cậu 14 tuổi).

Thiếu niên bán bánh rán - Ảnh 1.

Những chiếc bánh rán của công ty Bistro Morgan có kiểu dáng rất đa dạng. (Ảnh: News)

Từ khi mở quán, mỗi tuần Morgan bán tới 10.000 bánh rán. Năm 2017, doanh thu của quán đạt hơn 536.000 USD.

Hàng ngày, Morgan thức dậy vào 4h sáng, xử lí các đơn hàng bán buôn và bán lẻ rồi tới trường. Cậu tranh thủ làm hết bài tập về nhà vào lúc ra chơi và nghỉ trưa. 

Khi xuất hiện trong chương trình Shark Tank Australia mùa 4 vào năm ngoái, Morgan mới 17 tuổi và chưa tốt nghiệp phổ thông trung học. Cậu muốn gọi khoản vốn 200.000 USD để đổi lấy 20% cổ phần của công ty bánh rán mà cậu định giá 1 triệu USD, theo News.

Mục tiêu của Morgan là biến bánh rán thành một đậc sản mà du khách muốn mua khi họ tới Melbourne nói riêng và Australia nói chung.

5 nhà đầu tư sửng sốt khi biết Bistro Morgan đạt doanh số hơn 500.000 USD mỗi năm. Thậm chí Morgan ước tính doanh thu trong năm 2019 có thể đạt hơn 800.000 USD. Họ cũng thán phục khi biết cậu từng lập kỉ lục bán 10.000 bánh rán trong 8 ngày, và làm việc tới 12 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, 3 "cá mập" từ chối rót vốn ngay từ đầu vì nhiều lí do. 

Janine Allis, một trong hai nữ tỉ phú tham gia chương trình, yêu cầu đổi 200.000 USD lấy 42% cổ phần, đồng thời cam kết dành thời gian để tư vấn và vận hành công ty cùng Morgan. Tỉ phú Steve Baxton yêu cầu 30% cổ phần cho 200.000 USD.

Nam sinh cho rằng mức cổ phần của hai nhà đầu tư đều quá cao nên yêu cầu họ giảm tỉ lệ cổ phần xuống 25%. Cả hai "cá mập" đều không đồng ý nên Morgan không đạt thỏa thuận nào. Mặc dù vậy, bà Janine Allis cam kết rằng bà sẽ vẫn tiếp tục sát cánh với Morgan với tư cách là người hướng dẫn.

Thiếu niên bán bánh rán - Ảnh 2.

Nữ tỉ phú Janine Allis bắt tay Morgan Hipworth sau khi hai bên không đạt thỏa thuận rót vốn trong chương trình Shark Tank năm 2019. Ảnh: News

Hiện tại, do đã tốt nghiệp phổ thông trung học nên Morgan có thể xử lí phần lớn công việc của nhà hàng bánh rán - từ pha chế nguyên liệu, giao dịch ngân hàng, xử lí hóa đơn, tuyển nhân sự, quảng cáo trên mạng xã hội. Tài khoản Instagram của nhà hàng đã thu hút hơn 70.000 lượt theo dõi.

Hiện tại, doanh thu của quán đã đạt tới hơn nửa triệu USD mỗi năm, song Morgan không hề có ý định hưởng thụ cuộc sống xa hoa. Anh luôn tái đầu tư lợi nhuận vào công việc kinh doanh để mua thiết bị mới, đồng thời làm việc tới 60 giờ mỗi tuần.

"Tôi không phải thuộc nhóm người muốn mua những thứ xa xỉ như ô tô, vì tôi vẫn còn phải học hỏi nhiều", anh tâm sự.

Chàng chủ quán nói rằng tham vọng của anh là tận hưởng từng giây của cuộc đời, song anh sẽ hưởng thụ bằng cách mở những quán bánh rán ở nước ngoài vì đó là cách tuyệt vời để chiêm ngưỡng thế giới và nhân rộng thành công của bản thân.

Nhạc Phong

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.