|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giảm áp lực cho ngân hàng

22:39 | 10/09/2017
Chia sẻ
Với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự thảo lùi thời gian thực hiện điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống dưới 40% sau 2 năm nữa, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đang có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung hạn cao có thể “thở phào nhẹ nhõm”.
giam ap luc cho ngan hang
Việc giãn thời hạn siết sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn được nhiều quan điểm đồng tình là cần thiết, giúp ngân hàng giảm bớt áp lực. Ảnh: Vy An

Gỡ bỏ gánh nặng

NHNN đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014. Theo dự thảo, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ được giảm về mức 45% vào năm 2018 và 40% vào năm 2019, thay vì đưa về 40% vào năm 2018 như quy định hiện hành của Thông tư 36.

Theo thống kê, hiện có 5/10 ngân hàng đã niêm yết vẫn có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trên 40% vào cuối tháng 6.2017. Điều này sẽ dẫn đến rủi ro tăng trưởng tín dụng chậm lại vào cuối năm nay, vốn là thời điểm được kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán HSC, mặc dù sự chênh lệch này đặt ra một rủi ro hệ thống đáng kể cho ngành ngân hàng, NHNN có lẽ đã nhận ra rằng mục tiêu điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 50% xuống 40% trước cuối năm nay là không thực tế. Hướng tiếp cận dè dặt này dường như xuất phát từ sự quyết tâm của Chính phủ trong việc sử dụng tăng trưởng tín dụng cao hơn để giúp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7%, theo đó gần đây Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21%.

Với việc NHNN dự thảo sẽ lùi thời gian thực hiện điều chỉnh xuống 40% thêm hai năm nữa theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, quyết định này sẽ mang lại lợi ích cho một số ngân hàng.

Cụ thể, theo báo cáo phân tích của bộ phận nghiên cứu CTCK HSC, hiện tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn bình quân toàn ngành theo báo cáo của NHNN là 33,35% vào cuối tháng 5.2017 so với tỷ lệ 30,86% trong Qúy 1/2016, cho thấy xu hướng tăng ngược với định hướng của NHNN.

Theo HSC, hiện tỷ lệ nợ ngắn hạn cho vay trung, dài hạn bình quân của các NHTM có vốn nhà nước là 37,16% (cuối Q1/2016 là 34,25%). Tỷ lệ nợ ngắn hạn cho vay trung dài hạn bình quân của các NHTMCP là 35,76% (cuối Q1/2016 là 35,65%).

Còn cụ thể theo từng ngân hàng, HSC đã phân nhóm, trong số các NHTMCP có quy mô trung bình và lớn, ước tính các ngân hàng như VPB, TCB, EIB, SHB, LPB, VIB có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cao hơn, dao động từ 45% đến 50%. Trong số các NHTM có vốn nhà nước, VCB duy trì tỷ lệ này khoảng mức 30%, trong khi tỷ lệ này của CTG khoảng 35% và của BID là trên 40%. Các chuyên gia của CTCK HSC nhận định rằng, các ngân hàng hiện có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cao sẽ được lợi hơn từ sự điều chỉnh này của NHNN.

Đồng quan điểm, các chuyên gia tại chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 với việc giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục cho thấy định hướng hỗ trợ của NHNN đối với các NHTM trong việc phát triển tín dụng.

Điều này sẽ giúp các ngân hàng có thêm thời gian để cơ cấu lại nguồn vốn huy động cũng như nắn dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất mang tính trung và dài hạn cũng là mục tiêu mà NHNN hướng đến cho hệ thống ngân hàng. Nếu dự thảo này được thông qua, các NHTM sẽ có thêm điều kiện để phát triển tín dụng mà chưa phải lo lắng nhiều về khả năng đụng “trần” các tỷ lệ giới hạn như quy định ban đầu của Thông tư 36.

Cần nắn dòng vốn đúng mục đích

Trong bối cảnh tín dụng chịu nhiều áp lực tăng trưởng như hiện nay, cộng với nợ xấu vẫn chưa được giải quyết, việc giãn thời hạn siết sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn được nhiều quan điểm đồng tình là cần thiết, giúp ngân hàng giảm bớt áp lực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, cho vay giao thông, bất động sản đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, cho dù NHNN tạm hoãn siết vốn chảy vào lĩnh vực này song vẫn phải giám sát rất chặt chẽ, đặc biệt là rót vốn cho các dự án BOT giao thông.

Có ý kiến lo ngại cho rằng, nếu tín dụng tăng lên 22%, sợ tiền khó vào sản xuất hết được mà có thể chảy sang lĩnh vực đầu cơ khác, bởi lượng vốn lớn thế làm sao nền kinh tế đủ sức hấp thụ trong thời gian ngắn được. Sợ nữa là nhiều doanh nghiệp sẽ tìm cách vay đảo nợ.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright lại lưu ý tín dụng tăng ồ ạt, hấp thụ nhiều nhất có thể không phải là các ngành sản xuất kinh doanh, mà là khu vực bất động sản, do đó ông khuyến cáo: NHNN phải đảm bảo kiểm soát tín dụng phân bổ tín dụng cho dòng vốn đi đúng hướng vào sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị gia tăng chứ không phải đầu cơ.

Ngoài ra, đang có quan điểm cho rằng, nếu cứ tiếp tục giãn lộ trình có thể sẽ tạo nên một tiền lệ xấu, bởi vì khi NHNN đưa ra lộ trình khi ban hành Thông tư thì các ngân hàng cũng đã có thời gian để chuẩn bị, nên việc lùi thời hạn chỉ nên được thực hiện trong trường hợp bất khả kháng.

Theo nhà phân tích độc lập, TS Nguyễn Trí Hiếu, tỷ lệ 50% hiện tại đã ở mức rất cao, rút xuống 40% là hợp lý để hạn chế rủi ro và đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng. Trong thời gian này có một vài ngân hàng hạ lãi suất nhưng cũng có khá nhiều ngân hàng khác vẫn phải tăng lãi suất huy động để lôi kéo đầu vào, đặc biệt là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng huy động. Rõ ràng, các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn trung và dài hạn để cho vay, chính vì thế mà họ muốn giữ tỷ lệ 50%.

giam ap luc cho ngan hang Áp lực tăng vốn gần kề, ngân hàng chờ vốn ngoại

Các ngân hàng kỳ vọng vốn ngoại sẽ đổ vào nhiều hơn nhờ động thái tăng mức trần sở hữu ngân hàng.

giam ap luc cho ngan hang Thanh khoản ngân hàng chịu áp lực cuối năm

Thanh khoản hệ thống ngân hàng chịu áp lực thời điểm cuối năm. Tuần vừa qua, thông qua hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN ...

G. Miêu - V. An