Giảm 10 - 50% đối với 36 khoản phí, lệ phí từ 1/7
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 43 ngày 28/6 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các loại phí, lệ phí được giảm 50% như: Phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng; lệ phí cấp căn cước công dân; lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, công bố; phí thẩm định nội dung tài liệu không kinh doanh để cấp giấy phép xuất bản; lệ phí cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh; lệ phí đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh...
Các khoản phí giảm 10 - 30% như: Phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; phí cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay của nước ngoài đến các cảng hàng không Việt Nam; phí hải quan đối với chuyến bay của nước ngoài đến các cảng hàng không Việt Nam…
Đối với lĩnh vực chứng khoán, giảm 50% phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, trừ 2 khoản phí, lệ phí đó là: Lệ phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận (chứng chỉ) hành nghề chứng khoán cho cá nhân hành nghề chứng khoán tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán và phí giám sát hoạt động chứng khoán...
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 - 31/12. Từ đầu năm 2025, các khoản phí trở lại mức phí như hiện hành.
Theo Bộ Tài chính, Trong 4 năm qua, Bộ đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về chính sách tài khóa, có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân được trở lại bình thường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Đây là lần thứ 4, Bộ đã ban hành Thông tư quy định giảm mức thu phí, lệ phí từ 10% đến 50%. Dự kiến tác động giảm thu ngân sách khoảng 700 tỷ đồng.
Nhìn nhận về những chính sách này, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, trong năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí cho doanh nghiệp và người dân. Từ những thuận lợi đó, doanh nghiệp đã có điều kiện cơ cấu lại tổ chức sản xuất, giảm chi phí nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động, chính sách thuế luôn gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, nền kinh tế đã phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh.
Chính vì vậy, trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với khó khăn về đơn hàng, khó khăn về nguồn vốn, giá cả tăng cao,... khiến sức khỏe đó càng trở nên suy kiệt hơn, thì chính sách giảm phí và lệ phí sẽ thúc đẩy tiêu dùng, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tuy vậy, để chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả cao nhất, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, khi Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn cần khắc phục triệt để những nút thắt, những rào cản hành chính để những chính sách được triển khai với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, hiệu quả.
“Trong quá trình thực hiện, các cơ quan liên quan cũng cần có hướng dẫn cụ thể giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với các chính sách quan trọng”, ông Mạc Quốc Anh nêu rõ.