|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS. Cấn Văn Lực: Trung Quốc ưu đãi thuế phí, lãi suất cho tăng trưởng xanh, Việt Nam lại để doanh nghiệp tự chiến đấu

15:27 | 03/04/2024
Chia sẻ
Theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam cần học hỏi cách Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào tăng trưởng xanh bởi dù chúng ta đã có cơ chế, chính sách nhưng lại thiếu ưu đãi để doanh nghiệp "tự chiến đấu".

Nêu thực trạng của thị trường vốn cho tăng trưởng xanh tại Hội thảo "Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh: Vấn đề cấp bách" do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức sáng 3/4, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết tiềm năng của thị trường tài chính xanh dù đã được triển khai tại Việt Nam hơn 10 năm nhưng quy mô còn nhỏ.

Với tín dụng xanh, quy mô mới chỉ chỉ chiếm 4,4% tổng dư nợ của nền kinh tế, trái phiếu xanh cũng rất thấp. Các dự án xanh thường có kỳ hạn dài có thể lên đến 20 năm, chi phí đầu tư lớn,…. trong khi các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn và bên vay đòi hỏi lãi suất ưu đãi…

Với trái phiếu xanh, còn thiếu các hướng dẫn chi tiết của các cơ quan chức năng (thông tin, tiêu chí về dự án xanh); cơ chế quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn vốn …; Khung pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng nhà đầu tư…trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn chưa hoàn thiện; chưa có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành và đầu tư trái phiếu xanh.

Với cổ phiếu xanh, các công ty niêm yết chưa có sự chủ động đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện hiện tượng lợi dụng nhãn mác xanh nhưng không thực sự vì môi trường (Green washing).

Điều này cho thấy một thực trạng rằng Chính phủ đã có chủ trương và mục tiêu chuyển đổi xanh nhưng quá trình triển khai vẫn rất chậm chạp, thị trường vốn cho tăng trưởng xanh còn nhiều vướng mắc.

Chưa có cơ chế và động lực đủ mạnh

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: Nhadautu).

Nguyên nhân theo TS. Cấn Văn Lực là do chưa có cơ chế và động lực đủ mạnh. Đây là những vấn đề mới, đòi hỏi nguồn lực tức là phải có cả "cây gậy và củ cà rốt". "Việt Nam đã xây dựng được cơ chế chính sách nhưng lại để doanh nghiệp tự chiến đấu", ông Lực nói.

Như tại Trung Quốc, họ đã đi trước chúng ta khoảng 5 năm và đã có ba điểm rất đáng tham khảo.

Một là, nếu như lĩnh vực tư nhân đầu tư vào tăng trưởng xanh sẽ được giảm lãi suất. Thứ hai là, họ đã thành lập quỹ phát triển xanh quốc gia để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ để chuyển đổi xanh, kết hợp với đó là giảm thuế, phí.

Ba là, Trung Quốc cũng khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm môi trường. Các quỹ này sẵn sàng bỏ tiền để đầu tư vào những lĩnh vực mới, gắn với bảo vệ môi trường.

Vì vậy, để các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chuyển đổi xanh, các động lực của chúng ta phải mạnh mẽ hơn, nhất là liên quan đến thuế, phí và cả tài chính", TS. Lực cho hay.

Theo ông, không chỉ có nguồn vốn trong nước các quỹ đầu tư quốc tế cũng có 15,5 tỷ USD để đầu tư vào nhưng Việt Nam chưa do chưa có danh mục, dự án, chương trình, địa phương cụ thể để họ đầu tư. Cuối cùng, vấn đề liên quan đến danh mục phân loại xanh, đây là điểm cần cập nhật đầy đủ kịp thời.

Vấn đề thực thi chính sách và cụ thể hoá là hai điểm yếu nhất. Các doanh nghiệp quốc tế sẵn sàng đầu tư các dự án 1 - 2 tỷ USD vào Việt Nam nhưng việc chưa có danh mục cụ thể khiến dòng vốn đầu tư bị cản trở.

"Về thẩm định, tư vấn với danh mục xanh, tôi cho rằng nên thuê tư vấn độc lập. Cơ quan Nhà nước khó có thể "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Chúng ta nên xây dựng cơ chế thẩm định mạch lạc gồm đơn vị tư vấn định giá đất và hội đồng thẩm định", ông Lực đề xuất.

Yếu nhất ở khâu thực thi chính sách

TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Hạ An).

TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng Việt Nam mới đi được 1/4 chặng đường hoàn thiện khung chính sách cho tăng trưởng xanh, trong đó yếu nhất là ở khâu thực thi chính sách.

"Chúng ta đã có sổ tay hướng dẫn tín dụng xanh, trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững nhưng vẫn chưa có Danh mục phân loại xanh, các tiêu chí về môi trường. Đây là lý do chủ trương đã có nhưng tín dụng với các dự án xanh mới chỉ chiếm 4 - 5% tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế", ông Tuấn nói. 

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ, can thiệp của Nhà nước vào thị trường còn thấp, doanh nghiệp chưa thấy đủ sự hấp dẫn của trái phiếu xanh, tín dụng xanh để tham gia vào thị trường.

Nếu vay thông thường để đầu tư thì các doanh nghiệp sẽ không có động lực chuyển đổi bởi việc thay đổi dây chuyền, hệ thống sang chuyển đổi xanh vô cùng tốn kém. Vì vậy, cần có lãi suất ưu đãi, phải có công cụ tài chính hấp dẫn mới có người tham gia, chuyên gia nhấn mạnh.

Nền tảng công nghệ để chuyển đổi xanh cũng là một yếu tố quan trọng. Xanh hoá sản xuất là cấu phần quan trọng, cơ cấu năng lượng phải thay đổi, giảm phát thải, thực hiện kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đều liên quan đến công nghệ.

Tuy nhiên, ngay từ cấp độ quốc gia, tỷ lệ đầu tư cho công nghệ để chuyển đổi xanh vẫn không đủ. Trung bình các nước đầu tư khoảng 2,2% GDP cho công nghệ trong khi đó Việt Nam còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,52 - 0,6% GDP.

Cuối cùng là làm sao thay đổi nhận thức và gây sức ép về tiêu dùng, gây áp lực xanh hoá lên các sản phẩm. Dư nợ tín dụng xanh hiện nay chỉ tập trung nông nghiệp, năng lượng tái tạo (chiếm tới 70%) trong khi còn nhiều lĩnh vực cần chuyển đổi xanh khác như xây dựng, giao thông hoặc công nghiệp chế biến chế tạo chưa thấy dấu hiệu chuyển đổi xanh.

Hạ An