Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 7%/năm trong 10 năm tới cần dựa vào tăng trưởng xanh
Nền kinh tế đang đứng trước khó khăn chưa từng có, theo các chuyên gia, khó có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Quốc hội và Chính phủ đề ra trong năm nay. Đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 càng khó thực hiện.
Theo tính toán của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam, hai năm đầu chỉ tăng trưởng bình quân 5,26%, nếu năm 2023 này tăng trưởng GDP đạt 5,5%, thì ngay cả khi GDP hai năm 2024-2025 tăng được 7% thì tốc độ bình quân 5 năm cũng chỉ là 6%.
Yêu cầu tăng trưởng kinh tế với tốc độ 7%/năm trong 2 năm tới sẽ là rất thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Kịch bản này đòi hỏi ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì và các chính sách vĩ mô không bị đảo chiều theo hướng “giật cục”, ông Thành nhìn nhận.
Chuyên gia Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cũng dự rằng tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt khoảng 5,2-5,5%.
Với kịch bản tiêu cực là kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng dự báo là 4,4-4,5%. Tuy nhiên, nếu kinh tế thế giới sớm phục hồi, và khai thác được các động lực tăng trưởng mới tăng trưởng có thể đạt 5,5-6%, ông Lực cho biết.
Như vậy, mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 5 năm đạt trung bình 6,5% gần như rất khó để đạt được trừ khi có một động lực thay đổi hoàn toàn cục diện, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế mà đó chính là tăng trưởng xanh, theo quan điểm của TS. Nguyễn Xuân Thành.
Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào bên ngoài
Phân tích về xu hướng tăng trưởng, ông Thành cho rằng, trong 10 năm đã diễn ra thì chỉ có 6,7 năm tăng trưởng nhanh còn 3,4 năm chịu tác động bởi suy giảm kinh tế và những bất ổn toàn cầu.
"Nếu trong 10, 20 năm tiếp theo, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5 đến 7% thì tăng trưởng xanh chính là động lực mới, đằng sau đó là phát triển bền vững. Áp dụng mô hình tăng trưởng xanh chúng ta sẽ không bị mất một khoảng thời gian suy giảm bởi tác động bên ngoài", ông nói.
Theo ông Thành, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam chưa thật sự theo hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Nếu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng với các động lực truyền thống này mà không có chính sách mang tính khuyến khích để thay đổi hành vi trong tiêu dùng và đầu tư và sản xuất kinh doanh thì chắc chắn các mục tiêu về chuyển đổi xanh sẽ không đạt được.
Nhưng nếu Việt Nam thực sự chuyển đổi theo hướng đầu tư cho phát triển xanh và phát triển bền vững thì đây lại là cơ hội tăng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng nội sinh của nền kinh tế.
Đồng quan điểm, PGS TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, xu hướng suy giảm động lực tăng trưởng kinh tế đang diễn ra liên tục và kéo dài. Trong gần 40 năm đổi mới, dù mức tăng trưởng bình quân không thấp, song cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam lại bị giảm gần 1,0% tốc độ bình quân.
Theo ông, cần định hình chân dung mới của nền kinh tế theo nguyên tắc “hướng tới tương lai” để xây dựng các nguồn lực và động lực phát triển mới chủ yếu cho nền nền kinh tế. "Việc Chính phủ đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt mục tiêu zero carbon vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26 là một minh chứng điển hình cho tầm nhìn và cách tiếp cận phát triển mới của Việt Nam", ông Thiên nói.
PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, đây là cách đặt nhiệm vụ theo kiểu “tạo thách thức cho chính mình”, còn mới mẻ ở Việt Nam. Nếu triển khai được, cách làm này, chứa đựng trong nó hạt nhân của tinh thần cạnh tranh và hệ thống khuyến khích hoạt động mang tính thị trường sẽ tạo đột phá mạnh mẽ trong phương thức hoạt động của bộ máy.
Cần chi tiêu cho cơ sở hạ tầng theo hướng chuyển đổi xanh
Để triển khai lộ trình chuyển đổi xanh, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng, ưu tiên đầu tiên là cần phân bổ kế hoạch đầu tư công cho các mô hình tăng trưởng xanh.
Theo ông, nền kinh tế Việt Nam cần 32-35 tỷ USD/năm đầu tư công (7,5-8% GDP) trong giai đoạn 2024-2026 và quan trọng nhất là số vốn đầu tư công điều chỉnh tăng thêm cần được ưu tiên cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Lưu ý tiếp theo được vị chuyên gia này đề cập là cần giảm cường độ sử dụng năng lượng trong tăng trưởng, đây cũng là một yếu tố của tăng trưởng xanh. Từ năm 2017 đến năm 2019, tỷ lệ tăng trưởng sản lượng điện trên tăng trưởng GDP của Việt Nam là 1,25-1,3. Tỷ lệ này đã giảm xuống gần 1,1 vào năm 2020 và bình quân là 1,15 vào năm hai năm có dịch COVID-19 (năm 2021-2022).
Nếu nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam tăng 7% một năm từ năm 2024 đến năm 2030, thì sản lượng đầu người sẽ đạt 4500 kWh, bằng với mức tiêu thụ hiện nay ở Vương quốc Anh. Trung Quốc tiêu thụ ít hơn 6.000 kWh trên đầu người, nhưng có GDP bình quân đầu người theo giá trị thị trường là gấp ba lần mức hiện tại của Việt Nam.
Ông Thành khuyến nghị, cần hạn chế thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng. Khuyến khích theo hướng ưu đãi mạnh về thuế khi áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực truyền tải điện và năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, cần thực thi lộ trình tăng giá điện để tăng tính hấp dẫn cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.
Thứ ba là việc áp dụng các mô hình theo hướng kinh tế tuần hoàn đối với hoạt động tiêu dùng và sản xuất. Xu hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn là biến chất thải thành nguồn tạo năng lượng. Theo ông, cần hoàn thiện khung pháp lý trong đầu tư và sản xuất năng lượng tái tạo, xác định rõ các lựa chọn về hình thức đầu tư nhà nước 100%, tư nhân 100% và đối tác công tư (PPP), ưu tiên đầu tư cho truyền tải, điện mặt trời áp mái trong các khu công nghiệp và ứng dụng công nghệ mới trong truyền tải, lưu trữ và phân phối bán lẻ,...
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/