Giải tỏa áp lực lên tỷ giá
Theo giới chuyên gia, lãi suất huy động tăng phù hợp với diễn biến khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi và cầu tín dụng tăng trở lại. Điều này giúp giải tỏa áp lực lên tỷ giá và ổn định thị trường tài chính.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 7/6, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) với đô la Mỹ (USD) ở mức 24.241 đồng, giảm 20 đồng so với ngày đầu tuần (ngày 3/6).
Với biên độ +/-5%, tỷ giá trần các ngân hàng áp dụng trong ngày cuối tuần là 25.453 VND/USD và tỷ giá sàn là 23.028 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, giá USD cũng giảm. Cụ thể, tại Vietcombank giá USD được niêm yết ở mức 25.183 - 25.453 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 41 đồng ở chiều mua vào và giảm 21 đồng ở chiều bán ra so với ngày đầu tuần.
Ngân hàng BIDV niêm yết giá đồng bạc xanh ở mức 25.213 - 25.453 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 12 đồng ở chiều mua vào và giảm 21 đồng ở chiều bán ra so với ngày đầu tuần.
Tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2024 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2024) với chủ đề "Ứng biến trong vạn biến" diễn ra mới đây, các chuyên gia cho rằng áp lực tăng tỷ giá sẽ vơi dần trong những tháng tới.
TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng tỷ giá không phải là vấn đề đáng lo trong thời gian tới.
Ông Phước cho rằng tỷ giá sẽ không vượt qua 26.000 VND/USD bởi khả năng Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 7/2024 hoặc tháng 9/2024 ngay trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và kỳ vọng giảm giá đồng "bạc xanh" trên thị trường ngày một gia tăng. Và vì vậy, chỉ số đồng USD sẽ giảm xuống 100 điểm và Việt Nam không cần thiết phải nâng lãi suất để giữ ổn định tỷ giá.
Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng, áp lực tỷ giá với Việt Nam cũng đã "bớt dần". Theo ông Lực, việc lãi suất USD neo ở mức rất cao trên 5% gây áp lực mất giá lên hầu như toàn bộ các đồng tiền chính trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có VND.
Tuy vậy, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, đồng USD đã mất giá hơn 1,5% và có khả năng sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới khi Fed có đợt điều chỉnh lãi suất. Điều này đồng nghĩa với việc các đồng tiền khác sẽ bắt đầu tăng trở lại. Theo đó, đồng VND chỉ mất giá khoảng 3,5 - 4% trong năm 2024.
Còn theo ông Tống Quốc Đạt, Trưởng phòng Phân tích thị trường cấp cao Exness Investment Bank dự báo, có thể USD sẽ không giảm mạnh như kỳ vọng. Bởi theo ông, nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh hơn nhiều so với châu Âu hay các quốc gia G7 khác. Nên ngay cả khi Mỹ hạ lãi suất thì châu Âu cũng sẽ thực hiện điều tương tự, thậm chí với tốc độ nhanh hơn.
Tỷ giá nửa đầu năm 2024 vẫn ở mức cao do bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tiêu cực bên ngoài như nhân dân tệ suy yếu trước những lo ngại về kinh tế Trung Quốc và các yếu tố nội lực như nhu cầu trong nước trì trệ và tăng trưởng tín dụng thấp. Dự kiến, tỷ giá giảm dần sau khi ngân hàng trung ương ở các quốc gia lớn bắt đầu cắt giảm lãi suất và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên.
Tuy nhiên, tốc độ giảm của tỷ giá có thể chậm hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác do Fed trì hoãn việc cắt giảm lãi suất USD và triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không cải thiện. Tỷ giá dự kiến giảm dần từ mức 25.090 VND/USD trong quý II xuống 23.910 VND/USD trong quý IV/2024 và bình quân cả năm ở mức 24.700 VND/USD.
Ngân hàng Nhà nước mới đây có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND các tỉnh, thành phối hợp triển khai về quản lý thị trường ngoại hối và vàng. Đặc biệt là các hoạt động về thu đổi ngoại tệ; nhận và chi trả ngoại tệ; chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai không đúng quy định...
Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, tháng 5 đánh dấu bước chuyển về mặt chính sách tiền tệ với nhiều hành động từ phía Ngân hàng Nhà nước nhằm kiểm soát biến động tỷ giá, lãi suất và vàng.
Trong thời gian tới, nhóm phân tích cho rằng việc tỷ giá có căng thẳng tiếp hay không sẽ phụ thuộc đáng kể vào lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed và xu hướng đồng USD. Theo đó, diễn biến bên ngoài hiện đang khá thuận cho việc điều hành tỷ giá nên VDSC cho rằng kịch bản cơ sở là tỷ giá USD/VND có thể duy trì ở mức 25.500 đồng.
"Xét yếu tố trong nước, thời gian cao điểm đối với nhu cầu ngoại tệ thường rơi vào cuối quý III, đầu quý IV. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cần bán tiếp ngoại tệ để ổn định tỷ giá", VDSC dự báo.
Tuy nhiên, theo dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho thấy, mức tăng lãi suất huy động sẽ không đáng kể trong thời gian tới, do nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn đầu phục hồi và tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng còn chậm.
Trên thị trường thế giới, Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), đã dừng ở mức 104,93 điểm – tăng 0,80% so với giao dịch ngày 7/6.
Số lượng việc làm khu vực tư nhân của Mỹ tăng ít hơn dự kiến trong tháng 5/2024, trong khi dữ liệu của tháng trước được điều chỉnh hạ. Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi báo cáo việc làm tháng 5 trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ, dự kiến sẽ được Bộ Lao động công bố vào ngày 7/6 (giờ địa phương) để đánh giá "sức khỏe" nền kinh tế lớn nhất thế giới và xem liệu nó có ngăn cản Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024 hay không.
Theo CME FedWatch, các nhà giao dịch hiện đang đặt cược khoảng 70% khả năng lãi suất sẽ giảm vào tháng 9.