|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường tiền tệ tháng 5: Lãi suất nhích nhẹ, tỷ giá và vàng vẫn 'nóng'

07:00 | 06/06/2024
Chia sẻ
Trong tháng 5, mặt bằng lãi suất huy động được nhóm ngân hàng cổ phần đẩy tăng so với trước đó trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức khiêm tốn. Tỷ giá và vàng vẫn là những điểm nóng trong tháng.

Lãi suất huy động nhích nhẹ

Trong tháng 5, hàng chục ngân hàng thương mại cổ phần đã nâng lãi suất huy động. Có thể kể đến các ngân hàng như MB,ACB, Bac A Bank, BVBank (Bản Việt), VIB, NCB, Sacombank, Techcombank, PGBank, TPBank, SeABank, VietABank, ABBank, VPBank và HDBank. Một số ngân hàng thậm chí còn tăng lãi suất hai lần liên tục.

Theo thống kê từ WiGroup, lãi suất huy động tại các nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) lớn và một số NHTM khác ở các kỳ hạn ngắn có xu hướng tăng nhẹ 0,2 - 0,5 điểm % so với tháng trước đó. Trong khi tại nhóm NHTM quốc doanh không có biến động về mặt lãi suất.

 Nguồn: Widata.

Việc một số ngân hàng tăng nhẹ lãi suất ở kỳ hạn ngắn và lãi suất liên ngân hàng bật tăng cho thấy nhu cầu về vốn là có nhưng chỉ là ngắn hạn, xảy ra cục bộ ở một số ngân hàng. Tuy vậy, mặt bằng chung lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn ở tất cả các nhóm NHTM đang tiếp tục duy trì ở mức thấp, cho thấy thanh khoản của hệ thống vẫn đang ổn định.

"Chúng tôi cho rằng, lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức thấp như hiện tại trước khi nhu cầu tín dụng tăng trở lại trong nửa cuối năm", nhóm phân tích của WiGroup dự báo.

Tín dụng đến cuối tháng 5 tăng trưởng 2,41%

Thông tin từ cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 5, tín dụng tính đến cuối tháng 5 chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2023, dư nợ tín dụng đã tăng thêm hơn 326.800 tỷ đồng. Con số này cách khá xa mục tiêu mà Chính phủ và NHNN đã đề ra trước đó là tăng trưởng tín dụng đến nửa năm 2024 đạt 5 - 6%.

Trong đó, tín dụng tại hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP HCM đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao gấp hơn hai lần so với trung bình toàn nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 5, tín dụng tại Hà Nội tăng 5,09% và tại TP HCM tăngtăng 4,5% so với cuối năm 2023. 

 

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lý giải tín dụng trong những tháng đầu năm chậm lại do một loạt nguyên nhân như cầu tín dụng yếu, khó khăn trong triển khai các chương trình chính sách.

Cụ thể, cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhiều khách hàng vay chưa đáp ứng đủ điều kiện vay vốn. Đầu tư, SXKD, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng, báo cáo cho hay.

Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho SME, Quỹ Phát triển SME ... chưa phát huy hiệu quả.

Hai tháng đầu năm tín dụng toàn hệ thống vẫn giảm so với cuối năm 2023, mãi đến cuối tháng 3, tín dụng mới quay đầu tăng trưởng 1,34% và tiếp tục tăng trưởng trong hai tháng sau đó.

NHNN bơm ròng hơn 5.200 tỷ đồng

Trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, lãi suất qua đêm VND trên thị trường liên ngân hàng đã tăng gần 4 điểm % lên mức cao nhất trong vòng một năm. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm hạ nhiệt và chốt phiên giao dịch ngày 31/5 ở 2,9%, giảm 2 điểm % so với tuần trước đó.

Giá trị giao dịch trung bình ngày duy trì ở mức cao (khoảng 300.000 tỷ đồng/ngày) và chênh lệch lãi suất VND - USD nới rộng ra gần 250 điểm cơ bản. 

 

Theo WiGroup, nhằm đẩy lãi suất liên ngân hàng lên vùng mục tiêu mong muốn, NHNN đã sử dụng linh hoạt các công cụ can thiệp vào thị trường tiền tệ trong tháng 5. Cụ thể, SBV đã nâng trần OMO lên mức 4,5% tại kỳ hạn 7 ngày, tăng 0,25 điểm % so với tháng 4. Cùng với đó, kết hợp sử dụng công cụ mua/bán giấy tờ có giá trên thị trường OMO.

Luỹ kế tính đến ngày 31/5, NHNN đang duy trì trạng thái bơm ròng 5.426 tỷ, so với tháng trước ghi nhận là 67.225 tỷ đồng.

Tỷ giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Trong tháng 5, NHNN đã thực hiện các biện pháp kiềm chế đà tăng tỷ giá như gọi thầu tín phiếu, bán ngoại tệ giao ngay (khoảng 5 tỷ USD trên tổng số khoảng 88 - 89 tỷ USD – tính đến năm 2023) và nâng lãi suất OMO từ mức 4,25% lên 4,5% tại kỳ hạn 7 ngày.

Tuy vậy, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do và thị trường ngân hàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, điều này cho thấy nhu cầu USD trên thị trường vẫn tăng cao.

 Nguồn: Widata.

Theo WiGroup, tỷ giá vẫn chịu áp lực lớn trong ngắn hạn do (1) Chênh lệch lãi suất USD – VND vẫn còn duy trì, đồng thời sự trì hoãn hạ lãi suất của Fed sẽ tiếp tục khiến đồng USD mạnh lên. (2) Nhu cầu dòng USD tăng cao do Việt Nam tăng nhập khẩu,...

Tuy vậy, áp lực tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt vào cuối năm do Fed sẽ bắt đầu quá trình hạ lãi suất giúp giảm áp lực chênh lệch lãi suất VND-USD và nguồn thu ngoại tệ từ FDI dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các tháng tới,...

NHNN bán vàng miếng bình ổn giá

Ngày 29/5, nhằm đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu bình ổn thị trường vàng, NHNN ra thông báo sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (nhóm Big 4) và SJC để bán vàng trực tiếp tới người dân kể từ ngày 3/6.

Động thái được đưa ra sau khi biện pháp đấu thầu vàng miếng dường như không có hiệu quả. Sau 9 phiên đấu thầu, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới không giảm như kỳ vọng.

Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước và thế giới về mức phù hợp và bền vững.

Sau động thái này, giá vàng  SJC trên thị trường đã giảm rất nhanh trước khi NHNN công bố giá vàng SJC bán cho ngân hàng thương mại vào ngày 3/6.

Giá vàng sáng 2/6 giao dịch ở mốc 81 - 83 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), giảm gần 8 triệu đồng/lượng so với thời điểm ngày 29/5. Đây là mức thấp nhất và giảm sâu nhất trong 1 tháng qua.

Đến nay (5/6), giá vàng bán ra còn khoảng 78 triệu đồng/lượng, tức giảm 14 triệu đồng/lượng so với kỷ lục thiết lập hồi đầu tháng 5 là 92 triệu đồng/lượng. Như vậy, khoảng giá giữa vàng SJC và vàng thế giới chỉ còn khoảng 6,3 triệu đồng/lượng. 

Theo các chuyên gia kinh tế, việc NHNN dừng đấu thầu vàng và quyết định nhập khẩu  vàng về để bán cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) từ ngày 3/6 tới là rất khả thi và có tác động tâm lý lên thị trường.

 Nguồn: SSI Research.

H.T

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.