|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giải pháp nào để vừa đáp ứng nhu cầu dầu cọ vừa bảo vệ rừng mưa nhiệt đới

11:15 | 15/01/2020
Chia sẻ
Dầu cọ là một trong những mặt hàng được sử dụng rộng rãi và gây tranh cãi nhất thế giới. Giá rẻ, hiệu quả và cực kì linh hoạt, nó góp mặt trong hàng ngàn sản phẩm, từ bánh qui, dầu gội cho đến nhiên liệu. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu toàn thế giới, người dân phải đốt rừng nhiệt đới, phá hoại môi trường để lấy đất canh tác.
Nhu cầu dầu cọ có thể được đáp ứng mà không phá hủy rừng mưa nhiệt đới? - Ảnh 1.

Ảnh: Bloomberg

Việc trồng cây cọ dầu tăng mạnh có liên quan đến việc đốt các khu rừng mưa nhiệt đới và phá hủy môi trường sống hoang dã ở Đông Nam Á. 

Những lo ngại về môi trường đã thúc đẩy sự ra đời của sản phẩm dầu cọ bền vững, nhưng độ tin cậy của cái tên này bị nghi ngờ và liệu loại dầu cọ này có đủ đáp ứng nhu cầu thị trường hay không, theo Bloomberg.

Tại sao sản xuất dầu cọ gây tranh cãi?

Việc sử dụng dầu cọ trong các loại thực phẩm đã tăng gấp đôi trên toàn thế giới trong 15 năm qua. 

Khoảng một nửa số mặt hàng trong siêu thị hiện có chứa dầu cọ và mức tiêu thụ toàn cầu có thể tăng lên hơn 100 triệu tấn mỗi năm vào năm 2025, cao hơn 50% so với năm 2016, theo công ty nghiên cứu Gro Intelligence. 

Nhu cầu dầu cọ có thể được đáp ứng mà không phá hủy rừng mưa nhiệt đới? - Ảnh 2.

Khói bốc lên từ một vụ cháy rừng ở phía Nam Sumatra, Indonesia năm 2015. Ảnh: Bloomberg

Để đáp ứng nhu cầu, một số người trồng ở Indonesia và Malaysia, chiếm tới 85% sản lượng toàn cầu, phải giải phóng mặt bằng bằng cách đốt rừng. 

Vào năm 2015, riêng các vụ cháy rừng ở Indonesia đã thải ra khí nhà kính mỗi ngày nhiều hơn tất cả các nguồn ở Mỹ cộng lại. Các đám cháy không chỉ xả thải khí carbon dioxide vào khí quyển mà còn phá hủy các khu rừng hấp thụ carbon và che phủ mặt đất.

Giải pháp nào đang được thực hiện?

Trong nỗ lực giảm nhu cầu dầu cọ, Liên minh châu Âu (EU) đang hạn chế các loại nhiên liệu sinh học làm từ dầu cọ có thể được tính vào các mục năng lượng tái tạo của khối và nhằm loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu sinh học làm từ dầu cọ vào năm 2030. 

Indonesia và Malaysia lên tiếng cho rằng hành động này là phân biệt đối xử và ngày 9/12 Indonesia đã đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới với lập luận rằng động thái của EU sẽ gây tổn hại tới thương mại của Indonesia và tạo ra hình ảnh xấu cho các sản phẩm dầu cọ. 

Một giải pháp khác là thúc đẩy canh tác dầu cọ lành mạnh với môi trường. Đó là mục đích của Hội nghị Bàn tròn về Dầu cọ bền vững, một liên minh giữa người mua và người bán được chính thức hóa vào năm 2004 ban hành các tiêu chuẩn cho các sản phẩm dầu cọ. 

Trong số đó có các qui tắc: Rừng nguyên sinh không thể bị chặt phá để nhường chỗ cho các đồn điền cọ mới và người trồng phải tuân thủ các phương thức lao động công bằng. 

Tổ chức 4.000 thành viên gồm nông dân, thương nhân, nhà chế biến, nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhà đầu tư và các nhóm môi trường và xã hội.

Làm gì để thúc đẩy sự phát triển bền vững?

Hiện tại, khoảng 1/5 dầu cọ toàn cầu tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững của Hội nghị Bàn trong. Tuy nhiên, giá trị của thương hiệu này có phần gây tranh cãi. 

Đầu tháng 11, Greenpeace cho rằng dầu cọ thân thiện với môi trường chỉ là màn chắn che đậy vì một số thành viên của Hội nghị Bàn tròn vẫn tiếp tục hành động chặt phá rừng. 

Hơn 10 tổ chức bảo vệ môi trường cũng tán thành với báo cáo kết luận rằng việc vi phạm các tiêu chuẩn được các thành viên của Hội nghị thỏa thuận với nhau.

Hội nghị đã bác bỏ lời cáo buộc của báo cáo và cho rằng tổ chức này vẫn là hệ thống toàn cầu tốt nhất giải quyết các vấn đề liên quan đến dầu cọ ở các khu vực trên thế giới. 

Một năm rưỡi trước đó, một nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ Indonesia Borneo không tìm thấy sự khác biệt đáng kể giữa các đồn điền dầu cọ được chứng nhận và không được chứng nhận về các biện pháp bền vững.

Dầu cọ bền vững có tương lai?

Ngoài các vấn đề về uy tín thương hiệu, còn có những thách thức để mở rộng thị trường dầu cọ. 

Một phần của vấn đề nằm ở chuỗi cung ứng phức tạp của ngành, với sản lượng từ các đồn điền khổng lồ và hàng trăm ngàn hộ sản xuất qui mô nhỏ, nhiều người không đủ chi trả chi phí kiểm toán. 

Theo dõi quá trình sản xuất từ lúc thu hoạch đến bày bán trên các gian hàng đòi hỏi phải có sự giám sát và chi phí đáng kể. 

Dầu được chứng nhận bền vững có doanh số bán trung bình nhiều hơn khoảng 5% so với loại thông thường. 

Các nhà sản xuất bày tỏ họ chỉ có thể bán khoảng một nửa số dầu được chứng nhận vì người mua e ngại với giá cao và phải bán phần còn lại bằng với giá dầu thông thường và bị mất phần giá chênh lệch. 

Hội nghị Bàn tròn vào tháng 11 đã triển khai một chương trình nhằm thúc đẩy thị trường bằng cách khuyến khích các thành viên tăng lượng mua hàng qua từng năm.

Làm gì để giúp các nhà sản xuất qui mô nhỏ?

Một thách thức gây khó khăn cho Hội nghị Bàn tròn là làm thế nào để thu hút những người trồng qui mô nhỏ. 

Các qui tắc để đáp ứng các yêu cầu sản xuất bền vững có thể đe dọa khả năng tồn tại của những người nông dân này, sản xuất khoảng 40% sản lượng ở Indonesia và Malaysia. 

Để giảm bớt gánh nặng và khuyến khích sản xuất lành mạnh, Hội nghị Bàn tròn tháng 11 đã đưa ra một tiêu chuẩn mới, riêng biệt dành cho các hộ sản xuất nhỏ, cho phép họ đáp ứng các qui định về tính bền vững theo từng giai đoạn và cung cấp đào tạo, hỗ trợ trong quá trình sản xuất.

Nhu cầu dầu cọ có thể được đáp ứng mà không phá hủy rừng mưa nhiệt đới? - Ảnh 3.

Người dân Malaysia thu hoach cọ.

Tại sao dầu cọ rất phổ biến?

Dầu được ép từ trái cọ tươi có vị trung tính, thời hạn sử dụng lâu và chịu được nhiệt độ cao. Nó được sử dụng chủ yếu trong nấu ăn và làm bánh kẹo, cũng như nhiên liệu sinh học và thức ăn chăn nuôi. 

Dầu được ép riêng từ các hạt bên trong trái cọ có tính bão hòa hơn và được sử dụng để làm xà phòng, mỹ phẩm và chất tẩy rửa. 

Cây cọ có thể phát triển trên nhiều loại đất khác nhau, có khả năng phục hồi nhanh chóng trước những đợt hạn hán hoặc lũ lụt và sinh trái quanh năm trong nhiều thập kỉ. 

Dầu cọ cũng có năng suất cao hơn nhiều so với các sản phẩm thay thế - nhiều hơn gấp 10 lần so với dầu hạt cải, đậu nành, ô liu và hướng dương. 

Ngành trồng cọ chỉ sử dụng khoảng 7% diện tích đất canh tác trên thế giới nhưng chiếm khoảng 40% tổng sản lượng dầu thực vật, theo Oil World. Điều đó có nghĩa là nếu thay thế dầu cọ bằng các sản phẩm khác, sẽ cần nhiều đất canh tác hơn để sản xuất khối lượng tương tự.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Linh Giang