Giải ngân đầu tư công dự báo đạt 85%, nới room tín dụng trên 14%, Việt Nam có cơ hội tăng trưởng 7,5%
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế vĩ mô 3 quý đầu năm 2022 của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công Thương - VietinBank Securities (CTS), năm 2022, Việt Nam có thể tăng trưởng đến 7,5% nếu thực hiện đẩy nhanh vốn đầu tư công và thực hiện nới room tín dụng nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Tại báo cáo này, CTS điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 6,7% lên 7,5% trong năm 2022 dựa trên kịch bản tích cực, với kịch bản tiêu cực, tăng trưởng GDP cũng có thể đạt tới 7%.
Đơn vị này cũng duy trì kỳ vọng lạm phát đạt 4-4,5% năm 2022, tỷ giá dao động quanh 23.400-24.400 trong năm 2022, lãi suất tái chiết khấu đạt tăng 3,5-4,5%, tăng trưởng vốn FDI đăng ký mới trên 9%.
Về giải ngân vốn đầu tư công, dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, CTS cho biết, tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN 9 tháng năm 2022, ước thanh toán đến ngày 28/9/2022 là 253.148,12 tỷ đồng, đạt 58,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
CTS đánh giá nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công bao gồm những tồn tại lâu nay chưa được khắc phục triệt để và cả nguyên nhân mới phát sinh trong cơ chế điều hành và thực hiện, khan hiếm nguyên nhiên vật liệu và giá cả tăng phi mã theo, nguồn lao động bị thiếu hụt sau dịch.
Đơn vị phân tích này cho biết, vốn đầu tư công cần đạt 80-85% so với kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ thì tăng trưởng nền kinh tế mới đạt ngưỡng tích cực.
CTS cũng cho biết, tính đến ngày 28/9/2022, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt khoảng 10,54% so với đầu năm, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy, hạn mức tín dụng sẽ không còn nhiều dư địa để tăng trưởng lại – khoảng 3,5% trong bối cảnh nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang bức thiết và thị trường trái phiếu giảm. Công ty này dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm nới room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại có thể sẽ diễn ra trong đầu quý IV, và tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể đạt trên 14%.