VCBS: Lạm phát kỳ vọng vẫn ở mức cao, tăng trưởng quý IV dự báo đạt khoảng 6%
Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng những biện pháp quyết liệt từ phía Chính phủ trong nỗ lực bình ổn giá đang bắt đầu cho thấy hiệu quả. Do đó, trong điều kiện thuận lợi, giá cả nguyên-nhiên-vật liệu có xu hướng hạ nhiệt, lạm phát cả năm 2022 có thể đạt mục tiêu dưới 4%, dự báo dao động trong khoảng 3,85%. Tuy nhiên, dài hạn hơn, khối phân tích cho rằng lạm phát kỳ vọng vẫn đang ở mức cao.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023.
So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước ; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.
Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu khi giá hàng hóa dịch vụ nhích tăng trong quá trình phục hồi sau dịch bệnh. VCBS cho rằng áp lực lạm phát do hiệu ứng vòng 2 phần nào hạ nhiệt, nhờ giá xăng dầu trong nước liên tục điều chỉnh giảm giá.
Các chuyên gia tại đây cũng dự báo lạm phát tháng 10 có thể đạt 0,15% - 0,25% so với tháng trước, tương ứng tăng 4,32% - 4,42% so với cùng kỳ năm trước.
VCBS đánh giá nhìn chung nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hồi phục tuy nhiên các điều kiện sản xuất vẫn tiềm ẩn các yếu tố không thuận lợi. Tuy vậy, bù lại khu vực dịch vụ hồi phục mạnh mẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng của nền kinh tế. Theo đó, tăng trưởng GDP quý IV dự báo đạt 5,5%-6%. Số liệu tăng trưởng dự báo cho năm 2022 đạt 7,87% - 8,02%.
Giai đoạn này, VCBS dành sự chú ý nhiều hơn đến các chỉ báo ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến không thuận lợi.
Cụ thể, lạm phát kỳ vọng ở mức cao. Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới đặc biệt là Fed khi lãi suất điều hành liên tục tăng nhanh và mạnh trong thời gian ngắn.
Do đó, chi phí đầu vào của thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung đang trong xu hướng tăng. Ngoài ra, trên thị trường ngoại hối, nguồn cung ngoại tệ không thực sự thuận lợi so với cùng kỳ.