|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ba lĩnh vực sẽ có triển vọng kém khả quan trong quý cuối cùng của năm 2022

08:00 | 09/10/2022
Chia sẻ
Sản xuất công nghiệp, bán lẻ và xuất khẩu dự báo sẽ có triển vọng kém khả quan hơn trong những tháng cuối năm.

Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo tăng trưởng GDP năm nay đạt mức 7,5%.

Tăng trưởng năm 2023 có thể sẽ chậm hơn 2022 do các yếu tố khó khăn như ngân hàng trung ương các nước liên tục tăng lãi suất khiến nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trên thế giới sẽ chững lại, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam khó khăn hơn, khả năng thu hút vốn FDI giảm tốc.  

Khối phân tích cũng chỉ ra một số lĩnh vực dự kiến tăng trưởng sẽ thấp hơn trong quý IV.

Cụ thể, các chuyên gia tại đây dự báo tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước của chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý cuối cùng của năm sẽ thấp hơn so với quý III. Lý do vì lạm phát thế giới vẫn đang tăng cao, làm tăng lo ngại suy thoái kinh tế cũng như ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng trên thế giới, qua đó tác động kém tích cực tới sản xuất trong nước. Ngoài ra, mức nền so sánh trong quý IV/2021 cũng cao hơn quý trước, sẽ gây khó khăn hơn đối với đà tăng của chỉ số này. 

 

Một lĩnh vực khác là tổng mức bán lẻ, tăng trưởng cũng sẽ hạ nhiệt nhanh trong các tháng còn lại của năm 2022, một phần do mức nền so sánh trong quý IV/2021 đã cao hơn nhiều so với quý III.

Ngoài ra, việc nền kinh tế thế giới đối diện nguy cơ suy thoái cũng sẽ tác động tiêu cực tới du lịch của Việt Nam, trong khi lạm phát của Việt Nam cũng đang có dấu hiệu tăng dần, và có thể vượt 4% trong các tháng cuối năm, cũng sẽ gây khó khăn đối với tăng trưởng tiêu dùng.

Dù vậy, BVSC cho rằng gói giảm 2% thuế VAT kéo dài tới cuối năm và dịp Tết nguyên đán 2023 tới sớm ngay trong tháng 1/2023 vẫn sẽ hỗ trợ cầu tiêu dùng trong các tháng còn lại của năm 2022, đặc biệt trong tháng 11 và tháng 12 tới đây. BVSC dự báo tăng trưởng tổng mức bán lẻ trong cả năm 2022 sẽ ở khoảng 15-18% 

 

Về xuất nhập khẩu, khối phân tích nhận định triển vọng cũng sẽ khó khăn hơn khi lạm phát ở các đối tác xuất khẩu chính – Mỹ và EU vẫn đang ở mức rất cao và chưa có dấu hiệu lập đỉnh, trong khi các nền kinh tế này cũng đang đối mặt với nguy cơ suy thoái. Những yếu tố này sẽ tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng, qua đó ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 ước tính đạt 29,94 tỷ USD, tăng 10,45% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu ước đạt 28,8 tỷ USD, tăng 6,55% so với cùng kỳ. Như vậy, cán cân thương mại theo tháng tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, ở mức 1,14 tỷ USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu ở mức 6,52 tỷ USD.

Mức nền thấp trong cùng kỳ năm 2021 khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và sản xuất thực hiện 3 tại chỗ là một trong những yếu tố giúp xuất khẩu tiếp tục ghi nhận tăng trưởng. Tuy nhiên, so với tháng trước, giá trị xuất khẩu đã giảm tới xấp xỉ 15%. Theo BVSC, đây là mức giảm theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 2/2021 tới nay. 

Hồng Hà