|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giải mã sự trường tồn của mô hình 7-Eleven

20:39 | 19/11/2018
Chia sẻ
Trải qua 91 năm hình thành và phát triển, 7-Eleven đã vươn xa, vận hành hơn 60.000 cửa hàng tiện lợi chủ yếu tại Bắc Mỹ và châu Á, biểu tượng cho một mô hình bán lẻ mang tính toàn cầu.
giai ma su truong ton cua mo hinh 7 eleven
Cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ở Indonesia. Ảnh: Reuters

Dọc các con phố tại thành phố lớn không chỉ của nước Mỹ mà còn của 17 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, trong đó có Việt Nam, không khó để nhận ra hệ thống các cửa hàng sáng đèn có biển hiệu bắt mắt đặc trưng mang tên 7-Eleven.

Hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven ngày nay có “tổng hành dinh” tại Dallas, Mỹ. Năm 1927, Joe Thompson – nhân viên của Công ty Southland Ice tại Dallas chuyên sản xuất đá – bắt đầu bày bán trứng, sữa, bánh mỳ... tại mặt tiền của một trong những kho chứa đá của công ty.

Kinh doanh phát đạt, Thompson mua cả công ty và bắt đầu mở các cửa hàng tiện lợi nhỏ khắp bang Texas. Southland Ice nhanh chóng tiến vào ngành bán lẻ và đặt tên hệ thống cửa hàng là Tote’m Stores, ghép từ từ “tote” (khuân đi, khiêng đi) và “item” (món đồ), như một lời mời khách hàng khuân đi các món đồ. Đi qua Đại Suy thoái, công ty phá sản để rồi nổi lên với trọng tâm mới đặt vào mặt hàng đồ ăn và đồ uống. Năm 1946 đánh dấu việc “Tote’m Stores” đổi tên thành “7-Eleven”, nêu bật thời gian hoạt động của cửa hàng từ 7 giờ sáng đến 11 giờ tối, mở cửa 7 ngày/ tuần.

Những năm 1950, cửa hàng 7-Eleven phục vụ người tiêu dùng mọi mặt hàng, kể cả khí đốt. Các cửa hàng mới được mở tại khắp các bang Florida, Maryland, Virginia, Pennsylvania...

Con trai của Chủ tịch Thompson là John P. Thompson lên kế vị cha vào năm 1961 và mở rộng hơn nữa sự hiện diện của mô hình bán lẻ 7-Eleven ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới.

Năm 1963, ngày càng nhiều người sở hữu xe ô tô riêng, đồng nghĩa với việc nhu cầu đối với sự tiện lợi gia tăng, 7-Eleven mở cửa hàng thứ 1.000 và còn hơn thế nữa.

Cũng phải đến năm này, 7-Eleven mới quyết định “sáng đèn” suốt ngày đêm, bắt nguồn từ việc một cửa hàng gần Đại học Texas quá đông khách sau một trận bóng nên buộc phải mở cửa quá 11 giờ đêm.

Chứng kiến doanh số bán tăng mạnh trong đêm, cửa hàng này từ đó quyết định hoạt động 24/7, kéo theo sự thay đổi của cả mạng lưới cửa hàng. Năm 1974, 7-Eleven khai trương cửa hàng thứ 5.000 trên toàn thế giới. Công ty mở rộng danh mục mặt hàng sang nhiều lĩnh vực khác, chi tiền mua các doanh nghiệp như Chief Auto Parts (năm 1978). Do nhiều cửa hàng 7-Eleven còn hoạt động như một trạm xăng, Southland mua CITGO Petroleum vào năm 1983 rồi bán đi 50% cổ phần của công ty này ba năm sau đó. Những năm 1980, 7-Eleven tiếp tục mở thêm các địa điểm, bao gồm các cửa hàng tại Australia, Thụy Điển, Đài Loan và Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Guam, Malaysia, Philippines.

“Gió ngược” đến với Southland giai đoạn này khi công ty vướng vào khó khăn tài chính, chủ yếu do thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ năm 1987.

Sau khi rơi vào tay một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật Bản là Ito-Yokado và công ty mẹ Seven-Eleven Japan, công ty đã hồi sinh để trở thành nhà dẫn đầu về cửa hàng tiện lợi và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay.

Những năm 1990, 7-Eleven triển khai giao hàng thực phẩm tươi hàng ngày để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Năm 1999, Southland đổi tên thành 7-Eleven, Inc. Định hướng phát triển của 7-Eleven đang tiếp tục minh chứng cho những thành công với hơn 66.000 cửa hàng khắp toàn cầu. 7-Eleven đang quyết tâm tiếp tục đổi mới và cung cấp “những gì khách hàng muốn, khi nào và tại đâu họ muốn”. Lợi nhuận hoạt động của 7-Eleven Inc. trong quý kết thúc vào tháng 6/2018 tăng 47% lên 130 triệu USD.

Xem thêm

K.Dung (Tổng hợp)