|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giải mã đà tăng giá cà phê trong 2 tháng đầu năm

07:00 | 05/03/2023
Chia sẻ
Giá cà phê nội địa tăng mạnh trong những tháng đầu năm bất chấp hoạt động xuất khẩu giảm sút. Theo một số doanh nghiệp, nguyên nhân của đà tăng này do ảnh hưởng bởi giá cà phê thế giới cũng tăng mạnh khi giới đầu cơ tăng cường gom hàng.

Giá cà phê nội địa tăng mạnh dù xuất khẩu giảm sút

Trong hai tháng đầu năm giá cà phê trong nước tăng mạnh khoảng 20% (tương đương khoảng 8.000 đồng/kg). Tính đến cuối tháng 2, giá cà phê dao động trong khoảng 46.700 - 47.100 đồng/kg. 

 H.Mĩ tổng hợp

Ở chiều tiêu thụ, theo số liệu ước tinh của Cục Xuất nhập khẩu, xuất khầu cà phê trong tháng 2 đạt 180 nghìn tấn, trị giá 393 triệu USD, tăng 26% về lượng và tăng 27% về trị giá so với tháng 1. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái con số này tăng 29% về lượng và tăng 22% về trị giá. 

Tuy nhiên cả tháng 1 năm nay và tháng 2 năm ngoái đều là thời điểm Tết Nguyên đán, lượng tiêu thụ giảm sút nên con số xuất khẩu cà phê trên đều được so sánh với nền thấp, tạo ra sự tăng trưởng. Trên thực tế, nếu tính chung luỹ kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 323 nghìn tấn, trị giá 703 triệu USD, giảm 13% về lượng và giảm 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (H.Mĩ tổng hợp)

Tháng 2, giá cà phê xuất khẩu ước đạt mức 2.182 USD/tấn, tăng 0,2% so với tháng 1, nhưng giảm 4% so với tháng 2/2022. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.180 USD/tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2022.

  Số liệu: Tổng Cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (H.Mĩ tổng hợp)

Như vậy, giá cà phê nội địa tăng mạnh trong những tháng đầu năm bất chấp việc tiêu thụ giảm sút. 

Động lực tăng giá đến từ Brazil và chi phí đầu vào

Lý giải cho đà tăng giá cà phê vừa qua, trao đổi với chúng tôi, ông Dương Khánh Toàn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Quốc tế, Xuất Nhập khẩu của CTCP Cà phê Mê Trang cho biết thị trường cà phê vừa rồi tăng giá chủ yếu giá cà phê thế giới tăng cao do những thông tin bất lợi từ hoạt động sản xuất của Brazil. Theo đó, thời gian qua, các vùng trồng cà phê của quốc gia này liên tục hứng chịu những tác động bất lợi của thời tiết xấu như lũ lụt, sương muối.

“Các nhà đầu cơ lớn trên thế giới tập trung mua vào để trữ hàng, dẫn tới đẩy giá cà phê thế giới cao hơn và giá cà phê trong nước cũng tăng theo”, ông Toàn cho biết. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu, các chỉ số kinh tế Mỹ tăng trưởng khả quan đi kèm với việc nguồn cung của Brazil hạn chế là những yếu tố giúp các quỹ và nhà đầu cơ quay lại thị trường để gom hàng bất chấp lãi suất có thể tăng hơn nữa ở hầu hết Ngân hàng Trung ương các nước. 

Ngoài ra, việc đồng Real tăng so với đồng USD trong thời điểm đầu năm cũng khiến người trồng cà phê tại Brazil hạn chế bán ra, càng đẩy giá cà phê tăng. 

Tháng 2, giá cà phê robusta và arabica ở thị trường thế giới tiếp tục tăng mạnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn.

Theo đó, tính đến ngày 28/2, giá cà phê robusta giao trong tháng 5 tăng 10% so với tháng 1 lên 2.121 USD/tấn. 

 Số liệu: Investing.com (H.Mĩ tổng hợp)

Giá cà phê arabica giao trong tháng 5 tăng 15% lên 190 USCent/pound. 

  Số liệu: Investing.com (H.Mĩ tổng hợp)

Theo khảo sát của Reuters hồi đầu tháng 2, nguồn cung cà phê thế giới trong niên vụ 2022/2023 có thể thiếu hụt khoảng 4,15 triệu bao. Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu 3 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 đã giảm 2,8% xuống 30,27 triệu bao so với 31,14 triệu bao cùng kỳ niên vụ 2021/2022.

ICO giữ nguyên dự báo về sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2022/2023 ở mức 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước. Trong khi tiêu thụ cà phê thế giới được dự báo sẽ tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, so với 164,9 triệu bao của vụ 2020/2021. Như vậy, tiêu thụ dự kiến sẽ vượt sản xuất 3,1 triệu bao.

Sản lượng niên vụ cà phê năm nay của Việt Nam cũng được dự báo giảm. Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022 xuống khoảng 1,47 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn.

 Sản lượng cà phê niên vụ 2018-2019 đến 2021-2022 và dự báo 2022 - 2023 (Số liệu:VICOFA, H.Mĩ tổng hợp)

Bên cạnh yếu tố giá cà phê giới tăng do được hỗ trợ bởi các thông tin thâm hụt cung - cầu, theo ông Toàn các chi phí đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, lao động đều tăng cao đã đẩy giá cà phê trong nước tăng cao hơn.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng tốc độ tăng giá cà phê sẽ chậm lại do tồn kho tăng. Tính đến ngày 24/2, tồn kho đạt chuẩn của sàn ICE London ghi nhận đã tăng thêm 0,23%, lên mức 67.180 tấn. Bên cạnh đó, nguồn cung sẽ sớm được bổ sung khi Indonesia bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mới.

Về dài hạn, ông Toàn dự báo nhu cầu hạt cà phê trong năm nay sẽ còn tăng mạnh, thậm chí cao hơn năm 2022. 

“Đặc biệt, nếu thị trường Brazil tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết xấu thì giá sẽ có thể bằng với cao của năm ngoái thậm chí hơn. Chiến lược của các nhà mua lớn là bắt đầu gom hàng ngay từ đầu vụ. Hiện tại nguồn cung arabica ở Việt Nam gần như đã được mua hết”.

 

H.Mĩ