Ở Việt Nam, người có mức lương bao nhiêu sẽ sẵn sàng chi 70.000 đồng cho một ly cà phê?
Mới đây, chuỗi đồ uống Nhật Bản % Arabica đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam ở TP HCM. % Arabica gây chú ý bởi giá menu cao hơn cả Starbucks - vốn được coi là quán quân của phân khúc đồ uống cao cấp.
Theo hình ảnh menu được chia sẻ, đồ uống của % Arabica được chia thành 4 size, tương đương với 4oz (120ml), 8oz (240ml), 12oz (350ml) và 16oz (470ml). Món rẻ nhất là Espresso, với giá 65.000 đồng cho ly size nhỏ. Giá các món còn lại trong menu dao động từ khoảng 80.000 - 120.000 đồng/ly.
Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến % Affogato, khi một ly cỡ trung bình có giá 140.000 đồng. Nước lọc cũng có giá khá cao, lên đến 70.000 đồng. So với Starbucks, giá của % Arabica cao hơn khoảng 15.000 – 20.000 đồng cho cùng loại đồ uống.
“Với giá này mình sẽ qua Starbucks ngồi, giá rẻ hơn, không gian yên tĩnh hơn”, Trần Thi - một nhân viên văn phòng tại TP HCM chia sẻ. Tương tự, Quốc Anh, một nhân viên truyền thông tại Hà Nội cho biết anh sẽ không đi vì giá quá cao.
Vậy với bảng giá trên, chuỗi đồ uống Nhật Bản sẽ hướng tới đối tượng khách hàng nào? Làm sao để cạnh tranh tốt với những chuỗi đồ uống hiện hữu tại Việt Nam với mức giá phải chăng hơn cùng phân khúc?
Phân khúc khách hàng của % Arabica
Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022 do iPOS phát hành cho thấy, % Arabica đang đi vào thị trường ngách và hoàn toàn có thể thành công tại phân khúc này.
Cụ thể, theo báo cáo, có 58% thực khách sẵn sàng dành từ 40.000 đồng cho mỗi lần sử dụng đồ uống. Trong đó, 44% sẵn sàng chi tiêu từ 41.000 tới 70.000 đồng cho các thương hiệu đồ uống tầm trung như Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee House,… và 14% sẵn sàng chi tiêu từ 70.000 đồng cho các thương hiệu đồ uống cao cấp như Starbucks, Runam Bistro,...
Đối với những người có thu nhập dưới 5 triệu/tháng, sẵn sàng bỏ ra 20.000 - 40.000 đồng cho một lần ngồi cà phê. Mức chi tiêu này sẽ tăng lên 41.000 - 70.000 đồng/lần khi thu nhập hàng tháng từ 5 triệu trở lên.
Với mức giá trên 70.000 đồng/lần cà phê, những người có thu nhập trung bình trên 20 triệu đồng là nhóm khách hàng sẵn sàng bỏ tiền ra nhất. Tiếp đến là nhóm khách hàng có lương trên 11 triệu đồng/tháng có tỷ lệ nói có cao nhất với mức giá này.
Xét theo giới tính, mức chi tiêu từ 41.000- 70.000 đồng/lần cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất đối với nữ giới và những người thuộc giới tính khác với tỷ lệ lần lượt là 48% và 45%. Tuy nhiên, con số này có xu hướng giảm đi đối với nam giới khi đây chỉ là mức chi tiêu phổ biến đứng thứ hai với tỷ lệ 35% đối với nhóm giới tính này. Đối với giới tính nam, mức giá 20.000 - 40.000 đồng là phổ biến nhất.
Xu hướng cao cấp hoá
Theo ông Nguyễn Thái Bình, chuyên gia vận hành F&B, thị trường đồ uống năm ngoái gặp nhiều khó khăn do sự ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, vẫn có những thương hiệu hiện tăng trưởng 30- 40% so với trước đại dịch. Đây là những thương hiệu đã tạo được danh tiếng nhất định trong thị trường.
“Họ được công chúng biết tới bởi hương vị sản phẩm phù hợp số đông hay sử dụng những nguyên liệu chất lượng, đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, câu chuyện thương hiệu cũng là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên dấu ấn trong tâm trí khách hàng”, ông Bình chia sẻ.
Do đó, chỉ xét riêng ngành F&B, trong năm 2022, doanh thu từ cửa hàng cafe/bar đóng góp tỷ trọng lớn nhất, lên đến 44,3%. Trong khi đó, doanh thu từ dịch vụ nhà hàng full-service (phục vụ tại bàn) và nhà hàng limited- service (phục vụ nhanh, thường bán mang về) xếp sau với 27,8% và 23,6% thị phần.
Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc FnB Director - Horeca Business School, nhận định khi kinh tế bất ổn, các nhà đầu tư có xu hướng quay lại những ngành có nhu cầu cao, và F&B là một trong những ví dụ tiêu biểu, do dịch vụ ẩm thực cơ bản vẫn là ngành có dòng tiền tốt.
Ông Thanh dự báo nhiều nhà hàng Fine Dining (nhà hàng ăn uống cao cấp) sẽ được mở ra nhiều trong năm tới. Bên cạnh đó, khi thị trường bất động sản ảm đạm, những nhà đầu tư sở hữu mặt bằng đẹp sẽ phát triển dịch vụ ẩm thực. Họ có niềm tin rằng, ngành F&B sẽ thu hút nhiều người đến, từ đó giúp gia tăng giá trị bất động sản của họ.
“Từ năm sau trở đi, xu hướng phát triển quán sẽ được định hình theo những nét cá tính riêng. Khách hàng cũng sẽ kén chọn hơn về lựa chọn hàng quán, để phù hợp với “gu”. Tôi lấy ví dụ, Cộng Cà Phê sẽ mang tính cách của những con người từng trải, hoài niệm và xu hướng sống nội tâm”, vị giám đốc F&B nói thêm.