|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

F88 đang làm ăn ra sao trước thông tin nợ tiền BHXH của gần 2.200 nhân viên?

09:55 | 16/02/2023
Chia sẻ
Năm ngoái, doanh thu F88 đã tăng 112% so với cùng kỳ.

Mới đây, Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết CTCP Kinh doanh F88 đang nợ hơn 4 tỷ đồng tiền BHXH của 2.197 nhân viên, số liệu tính hết ngày 30/1/2023. Trước thông tin trên, ông Phùng Anh Tuấn, CEO F88, phản hồi rằng đây là danh sách các công ty chưa đóng vào ngày 30/1. “Còn F88 đã đóng vào ngày 31/1 (chưa hết tháng, quy định là đóng trong tháng)”, ông Tuấn viết trên trang cá nhân.

Trước sự việc này, hiện chưa có thêm thông tin chính thức nào từ phía cơ quan Bảo hiểm xã hội Hà Nội.

 Nhân viên phòng giao dịch tại F88. (Ảnh: F88).

Tình hình kinh doanh của F88 ra sao?

Ra đời từ năm 2013, F88 cung cấp các dịch vụ cho vay cầm cố tài sản và các tiện ích tài chính khác như bảo hiểm kết hợp với 5 công ty bảo hiểm như PTI, Bảo Minh, Map Life... dịch vụ thu hộ, chi hộ, thanh toán hoá đơn, chuyển tiền, nạp rút tiền ví điện tử… 

Theo số liệu mới công bố từ Mekong Capital, năm ngoái F88 đạt mức tăng trưởng doanh thu thuần là 112% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ vào hoạt động hiệu quả của mảng sản phẩm bảo hiểm. Chỉ tính riêng doanh thu thuần từ bảo hiểm đã tăng 221% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm hơn 15% tổng doanh thu thuần của công ty.

Tổ chức FiinRatings cũng đánh giá bảo hiểm là một nguồn thu nhập tiềm năng trong môi trường lãi suất cao hiện nay, có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh cho vay của F88. Các dịch vụ bảo hiểm của F88 cũng đa dạng về điều khoản và loại bảo hiểm, từ bảo hiểm xe cộ, tài sản đến bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ… 

Đáng nói, số liệu 9 tháng đầu năm cho thấy 42% hợp đồng bảo hiểm được F88 bán độc lập với các khoản cho vay. “Điều này thể hiện năng lực bán hàng và cam kết của công ty trở thành một trong những nhà phân phối bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam”, FiinRatings nhận xét.

Trong phân khúc cho vay thế chấp, F88 vẫn là công ty có thị phần lớn nhất dựa trên mức độ đa dạng và độ bao phủ của mạng lưới cửa hàng, cũng như dựa trên quy mô dư nợ cho vay. Xét về tiến độ mở rộng, F88 đã mở 211 cửa hàng trong năm 2022, nâng tổng số cửa hàng lên 800 cửa hàng tính đến thời điểm hiện tại. 

Tính đến quý quý III năm ngoái, tổng dư nợ cho vay sau điều chỉnh của F88 là gần 3.358 tỷ đồng, đã bao gồm khoảng 800 tỷ đồng là các khoản cho vay ngoại bảng (cấp vốn bởi CIMB). Trong khoảng thời gian này, F88 cho biết đã ghi nhận dư nợ tăng 246,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Cuối năm ngoái, công ty đã huy động thành công khoản vay có đảm bảo trị giá 50 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng, từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) thông qua Lending Ark Asia Secured Private Debt Funds và thêm 10 triệu USD, tương đương 240 tỷ đồng, từ Lendable. 

Như vậy, trong cả năm 2022, F88 đã huy động thành công 70 triệu USD từ hai tổ chức tài chính quốc tế tại châu Á và châu Âu. Mục tiêu của F88 là IPO vào năm 2024, khi đó số lượng phòng giao dịch của đơn vị sẽ đạt 1.400 phòng và quy mô vốn hoá doanh nghiệp đạt 1 tỷ USD.

Chính sách nhân sự của F88 thế nào?

“Một tổ chức thiếu văn hoá doanh nghiệp giống như thiếu linh hồn, không thể phát triển được”, ông Phùng Anh Tuấn chia sẻ tại Webinar do GapoWork tổ chức với chủ đề "Chiến lược con người và xây dựng văn hoá doanh nghiệp”.

F88 đã xây dựng một chiến lược nhân sự trong đó phải định hình được giá trị nhân viên. Để xây dựng được, chiến lược phải trả lời cho câu hỏi: Tại sao nhân viên muốn làm ở F88.

Công ty đã thực hiện khảo sát với những ứng viên tiềm năng, khảo sát với cán bộ nhân viên trong tổ chức và cả nhân sự đã nghỉ việc. Cuối cùng, F88 tìm ra điểm mong muốn chung nhất của tất cả mọi người: Nhân viên muốn được làm chủ.

"Các bạn muốn được làm chủ. Làm chủ về công việc, làm chủ về sự phát triển bản thân, làm chủ về mối quan hệ, tính gắn kết từ đó có thể làm chủ được thu nhập và làm chủ được cuộc sống", ông Tuấn chia sẻ.

Dựa trên định vị đó, lãnh đạo F88 xác định được chân dung nhân sự trong tổ chức, xem họ mong muốn gì. Ví dụ với nhân viên thì họ muốn lựa chọn công việc, lựa chọn cách học hỏi và lựa chọn sự nghiệp. Còn đối với quản lý thì họ muốn tự quyết công việc, tự chủ xây dựng team, tự chủ ý tưởng. Đối với giám đốc thì truyền cảm hứng, kiến tạo di sản và tạo ra người làm chủ.

"Khi nhân viên được làm chủ thì cảm xúc lớn nhất của họ là hạnh phúc. Ở F88 chúng tôi quyết định chọn xây dựng văn hoá là văn hoá hạnh phúc, mặc dù cái này là rất khó nhưng chúng tôi quyết tâm làm vì chúng tôi đã làm trong 5 năm vừa rồi. Năm năm tiếp theo chúng tôi cũng sẽ tiếp tục xây dựng văn hoá hạnh phúc ở F88", lãnh đạo F88 nói.

Cuối cùng, người đứng đầu F88 nhận định trong bán lẻ, đặc biệt là bán lẻ tài chính, càng tăng trưởng nhanh thì nguy cơ đổ vỡ, đứt gãy con người càng cao. Nếu doanh nghiệp không xây dựng được văn hoá doanh nghiệp mạnh mẽ thì rủi ro trong vận hành sẽ rất lớn.

“F88 tự hào là công ty có chính sách phúc lợi cho nhân viên rất tốt, có thể nói ít doanh nghiệp có thể chăm lo đời sống cho nhân viên như F88”, vị CEO tái khẳng định trong sự việc nợ tiền bảo hiểm xã hội mới đây.

Đức Huy