|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tổng dư nợ cho vay của F88 đạt hơn 3.300 tỷ đồng, bán bảo hiểm chiếm gần 17% doanh thu

11:21 | 17/11/2022
Chia sẻ
Mục tiêu của F88 là IPO vào năm 2024, khi đó số lượng phòng giao dịch của đơn vị sẽ đạt 1.400 phòng và quy mô vốn hoá doanh nghiệp đạt 1 tỷ USD.

Ngày 8/11, FiinRatings thực hiện giữ nguyên điểm xếp hạng tín nhiệm của CTCP Kinh doanh F88 (F88) ở mức BBB- trong lần cập nhật mới nhất dựa trên việc công ty đang bám sát kế hoạch kế hoạch kinh doanh, đa dạng hóa nguồn doanh thu, duy trì lợi nhuận ở mức phù hợp cũng như chất lượng tài sản ở mức ổn định.

“Triển vọng Ổn định của F88 phản ánh kỳ vọng của chúng tôi về khả năng của công ty trong việc giữ vững vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực cho vay thay thế qua việc tăng trưởng dư nợ cho vay và mạng lưới cửa hàng, mặc dù môi trường kinh tế vĩ mô hiện tại đang có những diễn biến không thuận lợi”, báo cáo từ FiinRatings phân tích.

 Một phòng giao dịch F88 trên đường Tôn Đức Thắng, Hà Nội. (Ảnh: Chí Dũng).

Tổng dư nợ cho vay trên 3.000 tỷ đồng

Tính đến quý III, tổng dư nợ cho vay sau điều chỉnh là 3.357,5 tỷ đồng, đã bao gồm khoảng 800 tỷ đồng là các khoản cho vay ngoại bảng (cấp vốn bởi CIMB). Tỷ lệ giải ngân của các khoản này cao hơn nhiều so với dự phóng trước đây của FiinRatings là 400 tỷ đồng.

Theo báo cáo, F88 đang giảm lãi suất và phí phải trả cho khách hàng về mức cạnh tranh hơn. Lãi suất cho vay bình quân hằng năm của F88 đã giảm khoảng 13,3% so với năm 2021. Công ty tiếp tục duy trì chính sách xóa sổ các khoản vay quá hạn trên 90 ngày, tổng chi phí tín dụng trong quý III được ghi nhận khoảng 200 tỷ đồng, tương đương 8% tổng dư nợ cho vay bình quân.

Trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ thu hồi tăng lên 36,9% của các khoản cho vay đã xóa sổ, gấp đôi tỷ lệ năm 2021, do hoạt động thu hồi nợ trở lại bình thường sau thời gian dài giãn cách xã hội vào năm 2021. 

Tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản được giới hạn ở mức 80% theo như giao ước với các chủ nợ nước ngoài, nhưng F88 thường giữ tỷ lệ này ở mức 65-70% nhằm giảm rủi ro và tăng khả năng thu hồi trong trường hợp các khoản vay phát sinh nợ xấu.

Tính đến quý III, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của F88 ở mức 4,2 lần. Mặc dù chỉ số này vẫn dưới mức giới hạn mà các tổ chức cho vay nước ngoài yêu cầu là 5 lần, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với số liệu dự phóng của FiinRatings là 2,2 lần. 

Về vốn chủ sở hữu, F88 đang làm việc với các nhóm nhà đầu tư và dự kiến sẽ huy động thêm vốn chủ trong quý IV. Nói thêm, như tin chúng tôi đã đưa, F88 cũng vừa huy động thành công khoản vay có đảm bảo trị giá 60 triệu USD từ hai quỹ đầu tư quốc tế. 

Đa dạng hoá nguồn doanh thu

Về doanh thu, doanh thu của F88 đang dần được đa dạng hóa nhờ vào đóng góp ngày càng tăng của thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là đến từ kinh doanh bảo hiểm. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu từ bảo hiểm ghi nhận 217,5 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng doanh thu. Trong đó, 42% hợp đồng bảo hiểm được bán độc lập với các khoản cho vay. 

FiinRatings đánh giá đây là một nguồn thu nhập tiềm năng trong môi trường lãi suất cao hiện nay, có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh cho vay của F88. Các dịch vụ bảo hiểm của F88 cũng đa dạng về điều khoản và loại bảo hiểm, từ bảo hiểm xe cộ, tài sản đến bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ… 

Trong 9 tháng đầu năm, F88 ghi nhận tỷ suất thu nhập lãi thuần (NIM) là 36,5% (48,6% ước tính cả năm), thấp hơn một chút so với con số 51,3% của năm 2021. Với cấu trúc chi phí ổn định thể hiện qua tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ổn định ở mức xấp xỉ 78% và nguồn thu nhập đến từ phân phối bảo hiểm, thu nhập ròng trong giai đoạn này là 60,7 tỷ đồng, với tỷ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) từ đầu năm đến hiện tại là 10,3%.

Xét về quy mô, F88 vẫn là công ty cho vay thế chấp có số lượng chuỗi cửa hàng lớn nhất. Từ đầu năm đến nay, công ty đã mở mới 211 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng hiện hữu lên con số 800, đạt được kế hoạch đặt ra trong năm nay.

Trao đổi với người viết, phía F88 cho biết mục tiêu của công ty là IPO vào năm 2024, khi đó số lượng phòng giao dịch của đơn vị sẽ đạt 1.400 phòng và quy mô vốn hoá doanh nghiệp đạt 1 tỷ USD.

 

Chí Dũng

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.