Giai đoạn giữ thành
Ảnh: Tạp chí Tài Chính |
Thực sự tâm lý thị trường đang ở mức mong manh và rất dễ bị tổn thương vì chẳng gì có thể lý giải nổi vì sao hôm nay nhà đầu tư hoảng loạn, ào ạt chất lệnh bán hàng triệu cổ phiếu giá sàn bất chấp doanh nghiệp tốt xấu, để rồi ngay ngày hôm sau lại tranh nhau mua giá trần.
Chẳng lẽ chỉ vì phát biểu của một quan chức Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đề nghị nhà đầu tư bình tĩnh, đầu tư giá trị lâu dài? Hay phát biểu của một đại diện Hose rằng không có nhiều giải chấp cổ phiếu, mà giá trị margin call trong phiên thị trường “rực lửa” chỉ 40-50 tỉ đồng. Những phát biểu như thế có thể khiến nhà đầu tư ngộ nhận bởi nếu trong tương lai, thị trường điều chỉnh, người ta lại chờ đợi động thái lên tiếng của cơ quan quản lý như một bằng chứng về sự đảm bảo của Nhà nước sẽ không để chỉ số rớt sâu, hoặc Nhà nước sẽ “cứu” thị trường.
Trong 18 năm lịch sử hình thành của sàn Hose, đây không phải lần đầu tiên đại diện Nhà nước lên tiếng trấn an giới đầu tư. Nhìn lại lịch sử, năm khủng hoảng 2008, Phó thủ tướng Chính phủ khi đó là ông Nguyễn Sinh Hùng đã từng nói: “Nếu có tiền tôi cũng mua chứng khoán”, để rồi sau đó ông và cả Chính phủ, SSC, cũng như giới đầu tư chứng kiến VN-Index lao dốc và suy thoái ròng rã hơn 10 năm trời.
Giờ đây, tình hình kinh tế thế giới và trong nước đã khác, tuy nhiên đừng nên quên rằng giai đoạn tiền rẻ của tài chính quốc tế đã qua, nền kinh tế Việt Nam đang ở đỉnh của tăng trưởng GDP quí 1-2018 và VN-Index đã vượt đỉnh cũ thiết lập vào tháng 3-2007. Dao động quanh mốc 1.000 điểm, chứng khoán cần những động lực lớn cộng thêm sự thuận lợi của dòng vốn ngoại để có thể chinh phục và vươn lên đứng ở đỉnh cao mới. Trong bất kỳ công cuộc chinh phục nào, chiếm được thành đã khó, giữ được thành còn khó hơn. Chứng khoán đòi hỏi sự tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp niêm yết nói riêng, nền kinh tế nói chung để lật sang một trang mới.
Làm được điều đó, sự quyết định thuộc về nhà đầu tư với tâm lý vững vàng, ổn định, chứ không phải phát ngôn của cơ quan quản lý. Kể từ quí 4-2017, chính xác là từ tháng 11-2017 chứng khoán đã bứt phá bằng nội lực, tức là sự vận động dòng tiền bao gồm tiền mới từ khối nhà đầu tư mới, tiền nước ngoài và tiền dịch vụ ký quỹ. Tiền ký quỹ lúc cao điểm không thấp hơn 2 tỉ đô la Mỹ. Tiền ngoại (trừ các thương vụ IPO) mua ròng qua khớp lệnh trên sàn cũng cả tỉ đô la Mỹ. Còn tiền mới chưa thể cân đong đo đếm được. Nay cả ba nhánh của dòng tiền chung ấy đều biến động. Tiền ngoại khớp lệnh trên sàn giảm đi. Tiền ký quỹ được sử dụng có chừng mực hơn. Tiền mới chốt lời chưa quay lại thị trường, hoặc quay lại một tỉ lệ nhỏ. Tại sao vậy?
Một phần do tác động của đồng đô la Mỹ mạnh lên, nguy cơ chiến tranh thương mại, các nền kinh tế Mỹ, châu Âu phục hồi mạnh mẽ kéo vốn đầu tư về chính quốc. Phần khác quan trọng hơn là thái độ thận trọng của nhà đầu tư nội, chủ động quan sát diễn biến thị trường và các chỉ số vĩ mô. Sau một đợt có được lợi nhuận khá, những nhà đầu tư khôn ngoan sẽ không bỏ tất cả vốn liếng cũng như lợi nhuận tìm kiếm được vừa qua trở lại thị trường. Đó là lý do chủ yếu giải thích cho sự đi xuống của thanh khoản khi Hose không còn các phiên khớp lệnh 270-300 triệu cổ phiếu nữa.
Trong khi đó, như nhận xét của ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu phân tích SSI, kinh tế Việt Nam trong tháng 5-2018 đã xuất hiện một số tín hiệu cảnh báo về khả năng tăng trưởng GDP quí 2 sẽ khó có thể bằng quí 1. Thứ nhất là tăng trưởng sản xuất công nghiệp đang chậm lại do mảng điện tử điện thoại. Chính sách thuế mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đã và đang ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu của tập đoàn Samsung và LG. Ông Linh đề cập đến việc không loại trừ khả năng các hãng này phải mở nhà máy sản xuất tại Mỹ, đồng nghĩa với giảm quy mô sản xuất ở Việt Nam.
Một điểm nhấn khác là ngành khai khoáng trong tháng 5 cũng không có cải thiện dù giá dầu thô quốc tế tăng. Khai thác khí và than cũng giảm, làm cho chỉ số công nghiệp khai khoáng tháng 5-2018 giảm tới 7,6% - một tín hiệu không thể nói là khả quan. Ngoài ra mức tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ cũng có tín hiệu giảm tốc so với cùng kỳ.
Chứng khoán đôi khi có những lối vận động riêng, nhưng sự vận động nào rồi cũng phải trở về với quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế. Có lẽ đó sẽ là xu thế của chứng khoán mùa hè này.