Giải cứu thành công những hành khách của Thomas Cook mắc kẹt ở nước ngoài
6/10 là ngày cuối cùng trong chiến dịch Matterhorn - chiến dịch nhằm đưa khách hàng của Thomas Cook hồi hương sau khi công ty du lịch lâu đời bậc nhất tuyên bố phá sản vào ngày 23/9 khiến 150.000 người mắc kẹt bên ngoài khuôn khổ nước Anh.
Tổng công 4.800 người đã quay trở lại trên 24 chuyến bay cuối cùng và đã hạ cánh vào sáng 7/10.
Chiến dịch Matterhorn chính là chương trình đưa người Anh hồi hương lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần II. Cơ quan hàng không dân dụng Anh (CAA) là đơn vị triển khai chiến dịch này với 700 chuyến bay trong vòng 2 tuần.
Trong 2 tuần, CAA đã "giải cứu" thành công các hành khách của Thomas Cook mắc kẹt bên ngoài nước Anh. Ảnh: Reuters
"Trong 13 ngày chúng tôi đã sắp xếp để đưa 140.000 hành khách trở về nước và 94% số người đã trở về đúng với lịch trình đề ra của họ", Richard Moriaty, giám đốc điều hành của CAA chia sẻ.
Lúc này sự chú ý của CAA sẽ hướng về 360.000 lượt đặt phòng của du khách đã bị hủy khi Thomas Cook ngừng hoạt động. Những khách hàng mua trọn gói kì nghỉ của công ty sẽ nhận bảo hiểm hoàn tiền theo chương trình của Tổ chức du lịch hàng không (ATOL).
Trước đó Thomas Cook đã không thể đạt một thỏa thuận cuối cùng với các chủ nợ về số nợ 3,7 tỉ USD, qua đó buộc phải tuyên bố phá sản sáng ngày 23/9. CAA khởi động chiến dịch Matterhorn sau đó chỉ vài giờ. Với việc tuyên bố phá sản, khoảng 9.000 nhân viên Thomas Cook sẽ mất việc mà không được báo trước.
Tờ Daily Telegraph mới đây đã tiết lộ một thông tin mật vô cùng li kì. Cụ thể, những người điều hành Thomas Cook đã nhận một báo cáo cho hay việc sụp đổ của công ty sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường với hàng nghìn doanh nghiệp du lịch ở trong và ngoài nước chỉ vài ngày trước tuyên bố phá sản.
Chính phủ Anh sẽ thu hồi một phần chi phí từ tài sản thanh lí của Thomas Cook. Ảnh: Reuters
Bản báo cáo chỉ rõ những nhà cung cấp cho Thomas Cook chỉ nhận về 3,4% số tiền mà công ty nợ họ. Trong khi đó, những người cầm trái phiếu của Thomas Cook, với tổng số nợ 1 tỉ USD cũng chỉ có khả năng thu hồi 2,3% trong số đó.
Ngoài ra, thương hiệu Thomas Cook, một trong những công ty lâu đời nhất trong ngành du lịch, có giá trị khoảng 1,6 tỉ USD.
Tổng thiệt hại của những người và đơn vị liên quan tới Thomas Cook tại châu Âu dự tính lên tới 1,23 tỉ USD. Chỉ riêng chi phí đưa người Anh về nước và thanh toán tiền phòng đã là 197 triệu USD.
AlixPartner sẽ là doanh nghiệp tiếp quản công việc thanh lí công ty, bên cạnh công ty kiểm toán độc lập KPMG.
Trong khi đó, Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải Anh, ông Grant Shapps cho hay chính phủ sẽ cố gắng thu hồi một phần chi phí hồi hương từ bên thứ ba. Nguồn thu sẽ đến một phần từ các công ty bảo hiểm và một phần từ khoản thanh lí tài sản của Thomas Cook, theo Reuters.
"Một cuộc điều tra đã được triển khai bởi Ủy ban chiến lược Kinh doanh, Năng lượng và Công nghiệp tới các giám đốc của công ty. Ngoài ra Hội đồng báo cáo tài chính cũng sẽ trực tiếp tham gia vào hoạt động kiểm toán Thomas Cook", ông Shapps cho hay.
Tuần trước, CEO Michael O'Leary của hãng hàng không Ryanair cho hay ông tỏ ra nghi ngờ về tương lai và cách xử lí những gói du lịch đặt trước của hành khách. O'Leary cũng chỉ trích CAA vì cho rằng cơ quan này đã cấp phép cho Thomas Cook "bay" chỉ một tháng trước khi công ty phá sản bất chấp những rủi ro có thể xảy ra.