|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cách một sàn giao dịch non trẻ trở thành sàn giao dịch tiền số lớn nhất Châu Phi

07:26 | 27/03/2023
Chia sẻ
Với gần 1,4 triệu người dùng ở Châu Phi, Yellow Card đang trở thành một công cụ dịch vụ tài chính quan trọng trong cuộc sống.

 Maurice và Poiroux, 2 người sáng lập Yellow Card, ở Nam Phi. (Ảnh: CNBC).

Chris Maurice, CEO của sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất châu Phi, Yellow Card, đã suýt đối mặt với cái chết khi mắc bệnh sốt rét ở châu Phi, anh cho rằng đó là sự trả giá cho việc theo đuổi mục tiêu kinh doanh. Từ khi tốt nghiệp Đại học Auburn ở Alabama với chuyên ngành tài chính 4 năm trước, Maurice đánh đổi sự an toàn và ổn định trong sự nghiệp với mục tiêu thay đổi hệ thống tài chính có nhiều vấn đề tại Châu Phi.

“Tôi không đếm nổi số đêm ngủ ở sân bay”, Maurice nói với CNBC. Với gần 1,4 triệu người dùng tại Châu Phi, Yellow Card là một công cụ tiền tệ quan trọng. “Chúng tôi muốn giúp bất kỳ ai cũng có thể tham gia và mua tiền số dễ nhất có thể chỉ trong vòng 3 phút”, Maurice giải thích.

Từ đây, người dùng Yellow Card có thể gửi và nhận tiền điện tử ở các thị trường được phép. Dù vậy, khác với các sàn giao dịch tập trung như Coinbase, nơi khách hàng thường nắm giữ tiền mã hoá trong một khoảng thời gian với hy vọng chúng sẽ tăng giá, người dùng bình thường trên sàn giao dịch của Maurice chỉ giữ tiền trên sàn trong khoảng dưới 5 phút.

Họ thường dùng tiền pháp định để mua bitcoin hoặc các đồng stablecoin như tether, gửi đi nước ngoài và người nhận ngay lập tức rút tiền ra.

Theo Maurice, khách hàng của Yellow Card có thể nhận tiền điện tử từ mọi nơi trên thế giới và chỉ phải trả phí mạng lưới, thường dao động từ 5 cent đến 1 USD. Dịch vụ của anh đặc biệt hữu ích với những khách hàng thường xuyên tìm đến nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền quốc tế như Western Union hay MoneyGram với các khoản phí chuyển tiền cao ngất ngưởng.

Theo CNBC, Yellow Card thực sự là một dịch vụ “thay đổi cuộc chơi” ở Châu Phi, nơi cuộc sống của nhiều người phụ thuộc vào tiền gửi về từ nước ngoài trong bối cảnh lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao. Trung bình, để gửi 200 USD từ hoặc đến Châu Phi, phí chuyển tiền rơi vào khoảng 15,6 USD (7,8%). Con số này thậm chí có thể lên tới 38 USD (19%) ở một số nước.

Xây dựng mạng thanh toán tiền điện tử cho Yellow Card đòi hỏi phải vượt qua rất nhiều chướng ngại pháp lý và quy định, đó là lý do tại sao Maurice dành khoảng 9 tháng mỗi năm ở các quốc gia nơi Yellow Card hoạt động hoặc dự định hoạt động. Anh có luật sư địa phương ở hầu hết mọi quốc gia trên lục địa. Đồng thời, Maurice cũng gặp gỡ các quan chức và cơ quan quản lý để trao đổi về đón nhận tiền mã hoá. Thế nhưng, mức độ và thái độ đón nhận rất khác nhau giữa mỗi quốc gia.

Yellow Card đã xử lý khổi lượng giao dịch 1,75 tỷ USD kể từ khi hoạt động vào năm 2019 và hiện đang có khoảng 220 nhân sự - chủ yếu ở Châu Phi. Sàn giao dịch này cho phép người dùng gửi tiền đến 16 quốc gia trên lục địa – và điều quan trọng là ở chiều nhận tiền, Yellow Card đã tìm được cách đơn giản hoá quá trình chuyển đổi từ tiền số sang tiền địa phương.

Theo Maurice, vào những ngày cao điểm, Yellow Card xử lý 5 triệu USD khối lượng giao dịch. Vào những ngày chậm hơn, con số là gần 1 triệu USD.

Công ty cũng đã nhận được gần 57 triệu USD vốn từ những nhà đầu tư như Block hay Valar Ventures. Maurice nói mục tiêu của anh là mở rộng dịch vụ ra các quốc gia còn lại của châu lục và biến Yellow Card thành công ty tỷ USD, tăng từ định giá hiện tại là 200 triệu USD. Điều này đồng nghĩa với việc Yellow Card phải tích cực tận dụng lợi thế đi trước của mình.

“Từ sớm tôi đã nhận ra có rất nhiều cơ hội ở tất cả các quốc gia này và chúng tôi cần phải là người đầu tiên ở đó”, Maurice nói.

Tiền di chuyển như thế nào ở Châu Phi

Chuyển tiền là một dịch vụ đắt đỏ và phức tạp ở Châu Phi. (Ảnh: CNBC).

Chuyển tiền ở Châu Phi rất đắt đỏ và phức tạp với mạng lưới ngân hàng thương mại hạn chế, đặc biệt là đối với những người sống ở vùng sâu vùng xa.

Ray Youssef, Giám đốc điều hành của Paxful, một sàn giao dịch tiền số ngang hàng, nói: “Thông thường, nếu ai đó muốn chuyển tiền sang quốc gia bên cạnh, bạn phải chất đầy một vali đầy tiền mặt và chuyển nó qua biên giới”.

Các công ty như Western Union và MoneyGram có một mạng lưới các điểm nhận tiền trực tiếp trên khắp thế giới dành cho những người không có tài khoản ngân hàng. Việc xây dựng các mạng lưới tiền mặt như vậy là cực kỳ khó và đắt đỏ. Đó là lý do vì sao họ không có nhiều đối thủ trực tiếp. Và đó cũng là lý do vì sao chuyển tiền lại có phí cao như vậy.

“Hệ thống chuyển tiền quốc tế không được thiết kế để bạn chuyển tiền từ A đến B. Nó được thiết kế bởi những người sẽ kiếm tiền từ việc bạn chuyển tiền từ A đến B”, ông Alex Gladstein, giám đốc chiến lược tại Human Rights Foundation, nói.

Một phần của vấn đề đến từ việc gần 80% khoản thanh toán quốc tế từ các ngân hàng Châu Phi được thực hiện ở nước ngoài, phần lớn ở Mỹ và Châu Âu. Điều này khiến chi phí cao và thời gian xử lý có thể lên tới nhiều tuần.

Tại Châu Phi, nhiều công ty fintech được xây dựng dựa trên hệ thống ngân hàng hiện có. Các công ty này này loại bỏ các quy trình vận hành phức tạp, nhưng vấn đề cơ bản vẫn còn đó. Họ vẫn dùng các mạng lưới thanh toán cũ.

Tháng 1/2022, hệ thống thanh toán PAPSS ra mắt với mục tiêu kết hợp các hệ thống thanh toán hiện có trong một mạng lưới có thể tương tác lẫn nhau. Thế nhưng, vẫn còn quá sớm để khẳng định PAPSS có thể giúp người Châu Phi tiết kiệm khoản phí chuyển tiền lên tới 5 tỷ USD hàng năm hay không.

Tại Châu Phi, mobile money (tiền di động) cũng được triển khai từ đầu những năm 2000. Người dùng có thể thanh toán hóa đơn và mua sắm bằng điện thoại thông qua tin nhắn SMS, thay vì phải dựa vào các dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Mặc dù cũng được đón nhận, người dùng mobile money không được hưởng các quyền lợi như khi giao dịch qua ngân hàng truyền thống, ví dụ như được trả lãi tiền gửi hoặc có điểm xếp hạng tín dụng dựa trên lịch sử chi tiêu.

“Có khoảng 2.000 mạng thanh toán khác nhau và chỉ 2% có thể tương tác với nhau. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên. Mọi thứ không những không tốt lên mà còn tệ đi”, Youssef từ Paxful, nhận định.

Một giải pháp để chuyển tiền quốc tế là các sàn giao dịch tiền số tập trung mà Maurice xây dựng. CEO Yellow Card nói rằng điều anh thực sự muốn là kết hợp với Western Union để đưa mức phí cho người dùng về tiệm cận mức 0, bởi thực tế khoản một nửa tiền kiều hối của thế giới vẫn được xử lý dưới dạng tiền mặt ở cả 2 chiều.

Từ Taco Bell đến Nigieria 

Trước khi tới Nigieria vào năm 2019 để khởi nghiệp, Maurice không di chuyển nhiều ngoài vùng biển Đông Nam của Mỹ.

“Toàn bộ thế giới quan của tôi về cơ bản chỉ giới hạn ở hai bang – Louisiana và Alabama”, Maurice nói. “Tôi mới chỉ đi máy bay bốn lần trước khi bay tới Lagos bằng hộ chiếu còn hạn sáu ngày, không có thị thực”, anh chia sẻ thêm.

Mặc dù không đi lại nhiều, Maurice quen thuộc với những khó khăn liên quan đến việc chuyển tiền quốc tế.

Bắt đầu từ năm lớp 5, anh đã sử dụng tài khoản eBay của bố để bán thẻ Pokemon và các đồ sưu tầm khác trực tuyến - một công việc kinh doanh sau này giúp anh trang trải học phí đại học tại Auburn. Thế nhưng, việc gửi và nhận tiền quốc tế không phải lúc nào cũng đơn giản. Ví dụ, một số khách hàng của anh ấy ở Pakistan không thể sử dụng PayPal và cũng không chuyển được tiền bằng điện tại ngân hàng.

Thay vào đó, để nhận tiền, Maurice phải xếp hàng chờ đợi tại một chi nhánh của Western Union ở địa phương. Người mua phải trả một khoản phí khổng lồ, trong khi Maurice tốn thời gian – và tiền xăng.

Ở tuổi 18, Maurice chuyển sự chú ý của mình sang bitcoin và nhanh chóng tin rằng tiền điện tử lớn nhất thế giới là câu trả lời cho các vấn đề của mình. Nó cũng mang đến một cơ hội kinh doanh mới.

Vào năm 2015, Maurice và người bạn đại học cùng phòng, Justin Poiroux, quyết định tham gia giao dịch bitcoin bằng cách điều hành một quầy giao dịch không chính thức ở một cửa hàng Taco Bell.

“Chúng tôi bắt đầu đăng quảng cáo trên Craigslist với nội dung cơ bản là, 'Chúng tôi có bitcoin. Hãy đến đổi tiền mặt đi.’”, Maurice giải thích.

Sau 2 tuần, việc kinh doanh của họ bùng nổ và họ quyết định sẽ mở rộng nó.

“Chúng tôi bắt đầu gọi điện cho những người bạn từ thời trung học hiện đang học tại LSU, Yale, Georgia, Alabama, bất cứ nơi nào mà chúng tôi biết ai đó”, anh chia sẻ. “Vài tuần sau, chúng tôi có bảy điểm giao dịch Taco Bells ở miền đông nước Mỹ, tất cả đều nằm trong khuôn viên trường đại học, nơi bạn có thể bước vào và mua bitcoin.” Sau 4 tháng, mạng lưới này đã thực hiện trao đổi khoảng 30.000 USD.

Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi Maurice có một cuộc gặp tình cờ tại một chi nhánh ngân hàng Wells Fargo.

“Tôi gặp một người Nigieria đang gửi 200 USD về cho người nhà và ngân hàng thu phí 90 USD”, Maurice nhớ lại.

Maurice đã giải thích cho người đàn ông này về Bitcoin và nói rằng anh có thể thử bằng cách tải Coinbase. Thế nhưng, có một vấn đề: Anh ấy không biết điều gì sẽ xảy ra ở chiều người nhận tiền. “Mẹ anh ấy sẽ làm gì với số bitcoin trị giá 200 USD?”.

“Tôi bắt đầu nghỉ nhiều tiết học để nghiên cứu về hệ thống ngân hàng cũng như tiền tệ ở Nigieria. Bạn có thể mua và bán Bitcoin tại đây không?”, Maurice nói.

Maurice và Poiroux quyết định thị trường lõi của Yellow Card phải là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ một mạng thanh toán quốc tế thay thế giúp cắt giảm phí giao dịch bổ sung và thời gian chờ đợi.

Trong khi Poiroux ở lại Alabama để tiếp tục xây dựng công nghệ thúc đẩy toàn bộ hoạt động vận hành, Maurice lên đường tới Lagos để thiết lập sự hiện diện của Yellow Card, bao gồm cả việc hoàn thành tất cả các cơ sở pháp lý cần thiết để doanh nghiệp có thể bắt đầu hoạt động.

Vận hành Yellow Card

Poiroux không thường xuyên xuất hiện trước công chúng. Nếu Yellow Card là một ban nhạc, anh có thể sẽ là một tay trống, trong khi đó Maurice là ca sỹ chính.

Poiroux bắt đầu lập trình khi mới 10 tuổi vì muốn tạo ra các trò chơi điện tử của riêng mình. Thế nhưng, sau khi đọc sách trắng về bitcoin, anh ấy bị ám ảnh bởi ý tưởng về phần mềm phi tập trung.

Người đồng sáng lập và giám đốc công nghệ của Yellow Card đã bỏ học từ năm thứ nhất đại học và giấu mình trong căn hộ bên ngoài khuôn viên trường để tự học cách trở thành một lập trình viên đa năng qua các hướng dẫn trên YouTube và blog công nghệ. Anh đã mất một năm rưỡi lập trình với 16 giờ mỗi ngày để xây dựng bản beta của Yellow Card.

Hiện tại, Poiroux đang quản lý 40 kỹ sư phần mềm ở 13 quốc gia để duy trì hoạt động của Yellow Card. Họ chịu trách nhiệm mọi thứ từ sửa lỗi và tìm cách vượt qua các rào cản về kỹ thuật liên quan đến gián đoạn kết nối. Ví dụ, ở Zambia, mạng di động lớn nhất (MTN) có thể dừng hoạt động từ 2 đến 3 ngày.

Poiroux lần đầu đến Lagos vào năm 2020 và giờ thì anh trở lại Châu Phi 3 – 4 tháng một lần để thăm các trung tâm phát triển ở Kenya, Nam Phi và Nigieria.Một phần tạo ra sự thuận tiện cho người dùng của Yellow Card là khả năng tương tác với các dịch vụ ngân hàng hiện có, cũng như các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán thay thế, bao gồm cả mobile money. Poiroux nhấn mạnh Yellow Card là một cửa ngõ đến thế giới tiền mã hoá.

Ngoài việc dùng để chuyển tiền, nhiều khách hàng dùng Yellow Card để phòng về lạm phát và mất giá tiền tệ bằng cách nắm giữ một số đồng stablecoin được neo giá theo USD, ví dụ như tether.

Maurice nói với CNBC rằng một số khách hàng doanh nghiệp cũng dùng Yellow Card để thanh toán các chi phí như hoá đơn Amazon Web Services.

Lúc này, Maurice và Poiroux đang cố gắng thuyết phục thêm nhiều quốc gia chấp nhận bitcoin.

“Bitcoin mang đến cho họ cơ hội kiểm soát vận mệnh của chính mình — để giữ tiền của họ bên ngoài các ngân hàng nước ngoài, ở chính đất nước của họ, để sử dụng theo cách họ thấy phù hợp,” Maurice nói. “Đó thực sự là tự do tài chính.”

Thái Sơn

Dragon Capital: Chứng khoán Việt hưởng lợi từ Fed cắt giảm lãi suất
Nhà quản lý quỹ cho rằng những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các đơn vị sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.