Giấc mơ chinh phục thị trường vận tải 11,5 tỷ USD của nữ doanh nhân
Một ngày cuối năm 2016, chị Cao Thị Anh Thư "ngụp lặn" trong nỗ lực đưa công ty giao - nhận vận tải biển do mình sáng lập thoát khỏi cơn khủng hoảng toàn cầu. Những thông tin về vụ việc hãng vận tải biển lớn thứ 7 thế giới - Hanjin Shipping - nộp đơn xin phá sản đã làm rúng động thị trường logistics cả thế giới. Riêng tại Việt Nam, hơn 4.100 container bị kẹt ở TP HCM cùng số nợ phí hoa tiêu gần 118.000 USD khó có khả năng thu hồi. Bên cạnh đó là tâm lý tiêu cực bao trùm toàn thị trường giao - nhận vận tải trong nước.
Mải miết với những lo lắng trong lòng, chị Thư suýt không nhận ra một khách hàng thân tín đồng thời là một người bạn khi đi qua sảnh tòa nhà văn phòng. Trái ngược với những bộn bề của chị, anh vui vẻ hỏi: "Em có muốn kinh doanh một nghề mà chỉ cần rung đùi là tiền vào không Thư?" Tò mò trước câu nói thú vị này, chị liền mời anh vào một quán cafe để nghe hết câu chuyện.
Chị Cao Thị Anh Thư - Giám đốc Loglag Technology. |
Theo chia sẻ, anh là người phụ trách hậu cần cho một công ty chuyên nhập khẩu hàng xây dựng Thái Lan về phân phối lại cho các đại lý trong nước. Gần như ngày nào, anh cũng phải gọi điện thoại tìm kiếm các hãng xe tải hoặc container để vận chuyển hàng từ cảng về kho, rồi lại từ kho đến chỗ các đối tác. Công việc không hề đơn giản vì không phải lúc nào cũng tìm được các hãng đang có xe trống. Ý tưởng của anh là tạo ra một nền tảng để kết nối giữa chủ hàng và chủ xe được dễ dàng, chủ động hơn.
"Giống như trong đầu tiềm ẩn ý tưởng đó từ lâu lắm rồi, vừa nghe ảnh nói là tôi thích liền", chị Thư nhớ lại thời điểm vừa nghe thấy ý tưởng.
Bản thân là cử nhân chuyên ngành xuất - nhập khẩu và đã có hơn 10 năm làm việc trong ngành giao nhận, chị nhẩm tính nhanh, giá trị ngành vận tải hàng hoá nội địa đang vào khoảng 8 tỷ USD cộng thêm 3,5 tỷ USD từ chuyên chở container tại cảng. Miếng bánh thị trường mà anh bạn vừa nhắc đến có giá đến 11,5 tỷ USD.
Việc khó liên kết với các nhà xe khi cần thiết chỉ là một phần của câu chuyện. Đằng sau đó còn nhiều thứ phức tạp xung quanh nghề tài xế như sử dụng bằng lái giả, lái xe quá sức hay thậm chí là lấy cắp hàng... Là người yêu công nghệ và chứng kiến công nghệ thay đổi cuộc sống hàng ngày một cách nhanh chóng, chị tin tưởng một nền tảng số có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề trong những thứ phức tạp đó.
Giao diện ứng dụng đặt xe tải, xe container Loglag. |
Đúng một tuần sau từ cuộc nói chuyện với người bạn, Loglag Technology được ghi vào danh sách các doanh nghiệp thành lập mới của năm 2016. Chị Thư lao vào việc xây dựng đội ngũ để phát triển ý tưởng mới, với một niềm tin mãnh liệt về tiềm năng của nó. Theo dự tính ban đầu của chị, dự án chỉ mất khoảng 6 tháng để xây dựng nền tảng và sau đó là có khách hàng, doanh thu ngay.
Tuy nhiên, sự háo hức của chị nhanh chóng vấp phải trở ngại đầu tiên. Nền tảng mà chị xây dựng là trên website. Nhưng đến khi làm việc trực tiếp với các chủ xe, nữ giám đốc mới phát hiện ra đa phần trong số họ rất ít đụng đến máy tính, nhiều người thậm chí chưa bao giờ sử dụng file excel. Đó là chưa nói đến tài xế - những người dành phần lớn thời gian của mình trên vô lăng.
Tiêu tốn gần 300 triệu đồng cho một dự án chưa ra mắt đã bất cập. Nhưng với bản lĩnh và sự quyết đoán của một doanh nhân đã quen sương gió thương trường, chị không cho phép mình có nhiều thời gian hối tiếc. Thay vào đó, chị bắt tay ngay vào việc xây dựng lại sản phẩm trên nền tảng ứng dụng điện thoại di động.
Công việc gần như bắt đầu lại từ đầu cộng thêm chưa tìm được đội ngũ lập trình viên có năng lực khiến dự án phải mất thêm 6 tháng nữa mới ra phiên bản ứng dụng đầu tiên. Chị Thư vừa phải làm việc với bộ phận kỹ thuật để cải tiến ứng dụng, vừa xúc tiến các hoạt động chạy thử nghiệm.
Tết năm đó, chị gần như không ngủ được. Ứng dụng chưa hoàn thiện, chị dùng sức mình để lấp vào chỗ hạn chế. Khi nhận được yêu cầu tìm xe, chị chủ động gọi điện thoại liên hệ với các hãng xe để thương lượng giá cả. Ngày xe chuẩn bị đi bốc hàng, chị lại gọi cho từng tài xế hỏi han, dặn dò đủ thứ. Cũng nhờ vậy, chị tự tin nắm rõ từng tài xế đang sử dụng ứng dụng của mình cũng như có kinh nghiệm trong việc xây dựng đội ngũ chăm sóc khách hàng sau này.
"Tôi quan niệm việc ứng dụng công nghệ vào ngành vận tải hiện nay không gấp được. Kế hoạch của Loglag trong 5 năm sau là công nghệ 50%, còn lại vẫn phụ thuộc vào nhóm chăm sóc khách hàng. Việc dựa trên công nghệ hoàn toàn chắc phải 10 năm nữa, khi hệ thống thuế - hải quan chuyển sang điện tử", chị chia sẻ.
Thêm 6 tháng nữa để nhóm kỹ thuật hoàn thiện phiên bản thứ 2 và đến tháng 7/2018, ứng dụng mới được đưa lên App Store. Hiện, ứng dụng cung cấp các tính năng như kết nối thông minh giữa chủ xe - chủ hàng, cho phép khách hàng chọn giá tốt nhất, theo dõi hành trình của tài xế và kết nối với hàng hoá liên tục. Ngoài ra, nó cho phép chủ xe quản lý thời gian lái của mỗi tài xế, để tránh cấp đơn hàng cho những người làm việc quá sức vào mùa cao điểm.
Công ty còn đang nghiên cứu phát triển các hộp đen riêng để gắn theo mỗi xe chạy cho Loglag. Các hộp đen này có kết nối với vệ tinh sẽ giúp chủ xe, chủ hàng cập nhật liên tục vị trí của xe và hàng hoá, ngay cả khi điện thoại của tài xế hết pin. Nếu phát triển thành công, ứng dụng có thể cập nhật thêm nhiều tính năng mới như thông báo cho chủ hàng biết khi xe đến kho, xe chạy khác hành trình hoặc dừng quá lâu... Ngoài ra, công ty cũng đang hợp tác với một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin để xây dựng lại hệ thống bản đồ có cảnh báo tuyến đường cấm với xe tải, xe container.
Hiện tại, dù sản phẩm chưa đạt như kỳ vọng nhưng chị Thư cho biết trung bình ghi nhận khoảng 7-10 tài khoản đăng ký mới mỗi ngày. Hệ thống đang kết nối với khoảng 250 xe và phục vụ cho 25 khách hàng trong tháng 10.
Mục tiêu của công ty là đưa lượng xe chạy theo ứng dụng lên đến 6.000-10.000 trong năm 2019, 20.000 trong năm 2020 và 30.000 vào năm 2021. Lượng khách cũng kỳ vọng lên khoảng 40 trong tháng 11, 50 vào tháng 12 và 400-500 cho cả năm sau.
Tham vọng của chị Thư sau khi chinh phục thành công thị trường vận tải B2B tại Việt Nam là đưa ứng dụng sang phát triển tại Myanmar - quốc gia có nền logisics đi sau Việt Nam khoảng 5 năm.
Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp, chị cũng đang ấp ủ kế hoạch chăm lo tốt hơn cho đời sống của người lái xe. Chị kể, có lần tài xế của Loglag làm gãy một chiếc camera khi giao hàng tại kho của công ty Hàn Quốc. Công ty đó đưa ra mức bồi thường là 8 triệu đồng trong khi tiền công cho người tài xế chỉ hơn 2,7 triệu.
"Tôi thấy rất xót. Tiền họ kiếm không được bao nhiêu mà gãy đổ thì phải đền rất nhiều", chị trầm giọng.
Sau vụ đó, chị yêu cầu đội ngũ chăm sóc khách hàng khi thấy ứng dụng báo có tài xế xuất phát phải gọi điện dặn họ lái xe an toàn, tới kho nhìn trước nhìn sau tránh va chạm. Bản thân chị ấp ủ kế hoạch: nếu Loglag thành công, công ty sẽ xây dựng một nguồn quỹ để hỗ trợ con em tài xế nghèo học giỏi hoặc tài xế có gia đình khó khăn.
"Đối với khách hàng, tài xế mới là người trực tiếp phục vụ chứ không phải mình. Tôi muốn luôn sát cạnh họ, hỗ trợ họ. Chứ đưa công nghệ vào để ép tài xế hoặc chủ xe đưa ra giá rẻ cho mình lấy khách hàng thì tôi không làm", chị Thư tâm sự.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/