|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xi măng xuất khẩu tăng 22% vì tác động của giá điện

16:32 | 13/05/2019
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp xi măng đã điều chỉnh giá bán tăng 30.000 - 50.000 đồng/tấn, tương đương tăng 2 - 3% trước lộ trình tăng giá điện 8,36% kể từ 20/3/2019. Theo đó, giá xuất khẩu ghi nhận từ Tổng cục Hải quan tăng 22%, đạt trung bình 42,6 USD/tấn.

Điện tăng, giá xi măng tăng 30.000 - 50.000 đồng/tấn

Theo số liệu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, tiêu thụ xi măng 3 tháng đầu năm 2019 đạt 23,08 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa là 14,52 triệu tấn. 

Hoạt động xuất khẩu xi măng đạt 8,56 triệu tấn, thu về 364,57 triệu USD, tăng 0,6% về lượng và tăng 22,8% về kim ngạch so với quí I/2018.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp xi măng đã điều chỉnh giá bán tăng 30.000 - 50.000 đồng/tấn, tương đương tăng 2 - 3% trước lộ trình tăng giá điện 8,36% kể từ 20/3/2019. Theo đó, giá xuất khẩu ghi nhận từ Tổng cục Hải quan tăng 22%, đạt trung bình 42,6 USD/tấn.

Trong cơ cấu giá vốn sản xuất xi măng, điện năng chiếm khoảng 10 - 15%, do đó giá điện tăng ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, "chúng tôi đánh giá mức tăng giá trên cơ bản có thể bù đắp được phần tăng trong giá điện cho sản xuất, do đó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp", Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định.

Thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 áp thuế tự vệ

Kể từ ngày 18/1, Philippines áp thuế tự vệ tạm thời 4 USD/tấn đối với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam trong vòng 200 ngày. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của xi măng Việt Nam, chiếm 21% thị phần với sản lượng năm 2018 đạt 6,6 triệu tấn, với giá xuất khẩu bình quân 47 USD/tấn.

Cụ thể, theo thông báo của Philippines, các mặt hàng xi măng mã HS 25232990 (xi măng pooc lăng khác) và xi măng chịu nước mã HS 25239000 sẽ bị áp thuế tự vệ khoảng 4 USD/tấn. 

Mức thuế này có thể làm giảm sức cạnh tranh của xi măng Việt Nam tại thị trường Philippines nhưng theo BSC, xuất khẩu chung sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi xuất khẩu của Việt Nam giờ đang được hỗ trợ bởi thị trường Trung Quốc. 

Năm 2018, Trung Quốc vượt qua Bangladesh, vươn lên là thị trường xuất khẩu lớn nhất của xi măng và clinker Việt Nam với 9,89 triệu tấn; gấp 6,6 lần cùng kì. 

Xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc tăng nhanh kể từ năm 2017, do Trung Quốc siết chặt các qui định về môi trường liên quan đến hoạt động sản xuất công nghiệp nặng (thép, xi măng…) để giảm ô nhiễm không khí. 

Theo ước tính của Ngân hàng DBS, chiến dịch này có thể làm giảm 2% sản lượng clinker tại quốc gia này, tương đương 45 - 47 triệu tấn, gấp 4,5 lần sản lượng nhập khẩu từ Việt Nam. 

Giá xi măng xuất khẩu tăng 22% vì tác động của giá điện - Ảnh 1.

Xuất khẩu xi măng đạt 8,56 triệu tấn, thu về 364,57 triệu USD trong 3 tháng đầu năm 2019.

Giá nguyên liệu tác động tiêu cực tới kế hoạch kinh doanh 2019

Theo kế hoạch năm 2019, sản lượng tiêu thụ xi măng dự kiến là 4,4 triệu tấn, trong đó sản lượng tiêu thụ xi măng 4,1 triệu tấn, clinker 300.000 tấn. 

"Chúng tôi quan ngại trong báo cáo triển vọng ngành năm 2019 liên quan đến tăng giá nguyên nhiên liệu đầu vào như than, điện nhưng cơ bản được các doanh nghiệp giải quyết thông qua việc đồng loạt tăng giá bán", BSC bày tỏ.

Theo đó, chiến lược của công ty là sẽ tập trung tiêu thụ tại thị trường nội đia, giữ vững thị phần tại những thị trường trọng điểm gồm Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Trị Thiên, tiếp tục thực hiện các đơn hàng xuất khẩu.

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc được xem là yếu tố làm dịu bớt cạnh tranh tại thị trường nội địa, cải thiện tình hình khó khăn của ngành hàng trong năm 2019. 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý đối với những rủi ro liên quan đến xuất khẩu sang Trung Quốc như nhu cầu xây dựng chững lại, các dự án hạ tầng lớn chậm tiến độ, sản lượng sản xuất nội địa tăng lên khi những hạn chế về môi trường được nới lỏng có thể làm giảm đột ngột lượng xuất khẩu, ảnh hưởng chung tới tiêu thụ toàn ngành, báo cáo của BSC nêu rõ.


Như Huỳnh