|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng dầu tuần tới: Căng thẳng chính trị lan sang thị trường dầu mỏ

20:29 | 12/05/2019
Chia sẻ
Trước động thái bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, áp mức thuế 25% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, thị trường dầu mỏ bị xáo trộn.

Giá xăng dầu tuần tới: Căng thẳng chính trị lan sang thị trường dầu mỏ - Ảnh 1.

Căng thẳng chính trị cũng làm rung chuyển thị trường dầu mỏ

Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra những tín hiệu tích cực về việc Mỹ - Trung có thể đi đến một thỏa thuận thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đi ngược lại với kì vọng và tăng mức thuế lên 25% từ mức 10% trước đây đối với hàng nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong khi mức thuế cao hơn chắc chắn sẽ tác động đến nền kinh tế Trung Quốc, không có sự chắc chắn về những gì sẽ xảy ra đối với các thương nhân dầu mỏ trong cuộc đụng độ leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa và cảnh báo chính quyền Trump chuẩn bị các động thái phản ứng.

Báo cáo hàng tháng của OPEC và IEA có thể khiến thị trường tập trung trở lại vấn đề tại Iran. Quốc gia Trung Đông dự khiến sẽ mất khoảng 100.000 thùng dầu/ngày hoặc nhiều hơn từ việc Mỹ tiếp tục siết chặt xuất khẩu dầu mỏ, vốn đã giảm xuống còn khoảng 800.000 thùng/ngày kể từ đầu năm.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh không có sự gián đoạn nào đối với nguồn cung dầu thô toàn cầu kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2015 dưới thời chính quyền Obama.

Tuy nhiên theo báo cáo của Reuters, các nhà sản xuất Trung Quốc đã ngừng việc đặt hàng từ Iran vào tháng 5 vì lo ngại rằng việc nhập dầu từ Tehran có thể dẫn các lệnh trừng phạt của Mỹ và khiến họ bị "đá" khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. 

Trung Quốc là khách hàng dầu lớn nhất của Iran với lượng nhập khẩu 475.000 thùng/ngày trong quí đầu năm 2019, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn chưa tìm thấy nguồn cung thay thế để lấp đầy khoảng trống nguồn cung trên thị trường với mức giá mong muốn vì Arab Saudi và các quốc gia khác trong OPEC đang yêu cầu lượng dầu nhiều hơn so với Iran.

Ngoài lệnh trừng phạt nhắm vào Iran, vấn đề ô nhiễm đường ống dẫn dầu Druzhba của Nga, đường ống dẫn dầu thô chính vào Đông Âu và Đức cũng làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của Nga. Sự trở lại nhanh chóng của hàng xuất khẩu Nga đang trở thành một câu hỏi lớn đối với nhiều nhà giao dịch trên thị trường.

Tuần trước, Cục Hàng hải Mỹ cho biết các tàu thương mại của Mỹ, gồm tàu chở dầu đi qua các tuyến đường thủy chính ở Trung Đông, có thể trở thành mục tiêu của Iran nhằm đe doạ Mỹ.



Linh Giang