|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá xăng dầu kỳ điều hành ngày 11/10 có thể giảm sâu bất chấp xung đột Trung Đông

16:31 | 10/10/2023
Chia sẻ
TS. Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc dự báo ở kỳ điều hành ngày 11/10, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể giảm 1.600 - 1.700 đồng/lít do chưa kịp “ngấm” ảnh hưởng của xung đột Palestine và Israel, mặt khác xung đột này cũng tác động không lớn đến nguồn cung dầu thế giới.

Giá xăng dầu trong nước trong kỳ 11/10 có thể giảm sâu

Ngay sau xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel xảy ra vào ngày 7/10, thị trường dầu thô đã có sự phản ứng ngay trong phiên đầu tuần.

Kết phiên giao dịch ngày 9/10, giá dầu Brent hợp đồng giao tháng 12 đã tăng 4,3% so với phiên trước, lên 88,2 USD/thùng. Cập nhật hồi 15h20 ngày 10/10, giá dầu Brent giảm nhẹ 0,4%, còn gần 87,9 USD/thùng.

 

Những biến động địa chính trị thế giới cũng dấy lên lo ngại ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước trong kỳ điều chỉnh ngày mai (11/10).

Trao đổi với người viết, TS. Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc nhận định thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ diễn biến cùng pha với thế giới, tuy nhiên ở kỳ điều hành ngày 11/10, giá bán lẻ xăng dầu trong nước chưa kịp “ngấm” tác động của xung đột chính trị.

Trong giai đoạn từ ngày 3/10 đến ngày 10/10, giá dầu thế giới có nhịp giảm nhiều hơn nhịp tăng. Biến động đi lên chủ yếu diễn ra sau khi căng thẳng Palestine và Israel xảy ra.

TS. Giang Chấn Tây cho rằng dựa trên công thức bình quân, giá xăng dầu trong nước ở kỳ điều chỉnh ngày 11/10 có thể giảm tới 1.600 – 1.700 đồng/lít nếu chưa trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG).

Nếu giá xăng dầu giảm sâu như dự báo, Liên bộ Tài chính – Công Thương có thể sẽ trích lập quỹ BOG, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu thế giới đang có xu hướng đi lên sau căng thẳng Palestine và Israel. 

Trường hợp dự báo giảm là chính xác, giá xăng trong nước sẽ có phiên điều chỉnh giảm mạnh thứ hai liên tiếp. Tính từ đầu năm 2023 đến ngày 10/10, giá xăng đã có 28 đợt điều hành, trong đó có 16 đợt tăng, 8 đợt giảm và 4 đợt giữ nguyên.

(Nguồn: Bộ Công Thương, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Nhận định thêm về tác động của xung đột Palestine và Israel, Giám đốc công ty xăng dầu Bội Ngọc cho rằng tâm lý thị trường ít nhiều sẽ chịu ảnh hưởng, các nhà giao dịch thường nâng giá một số hàng hóa quan trọng.

Tuy nhiên cả Palestine và Israel đều không phải nhà sản xuất năng lượng lớn nên những xung đột này có thể ảnh hưởng đến thị trường dầu thô trong quãng ngắn, khoảng 2-3 tuần.

“Nếu giá dầu thế giới tiếp tục có xu hướng đi lên, những ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam có thể rõ rệt hơn từ kỳ 23/10 (kỳ điều hành 21/10 trùng với cuối tuần)”, TS. Giang Chấn Tây cho biết.

Khác với xung đột Nga – Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, căng thẳng giữa lực lượng Hamas và Israel ít có khả năng khiến thị trường dầu mỏ chao đảo bởi Nga là một trong những “ông trùm” năng lượng thế giới, còn Palestine và Israel gần như không sản xuất, khai thác dầu.

Theo ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), thị trường xăng dầu Việt Nam diễn biến theo thế giới, còn mức giá điều hành sẽ được thực hiện theo quy định của Nghị định 95, tức lấy bình quân giá xăng dầu trong 10 ngày của thị trường Singapore.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu bán lẻ còn phụ thuộc vào quyết định trích – chi quỹ BOG của Liên bộ Tài chính – Công Thương.

Phó Chủ tịch VINPA cho rằng trong ngắn hạn, thị trường xăng dầu thế giới và Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng từ xung đột giữa Hamas và Israel, song mức độ tác động sẽ cần phải theo dõi thêm.

Giá dầu ít chịu ảnh hưởng nếu xung đột không phát triển thành chiến tranh

Đánh giá về triển vọng giá dầu thế giới trong thời gian tới, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng tác động của xung đột đến giá mặt hàng này không lớn, trừ khi xung đột giữa Palestine và Israel không phát triển thành chiến tranh khu vực.

Chia sẻ với CNBC qua email, bà Vandana Hari, người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường năng lượng Vanda Insights cho rằng sẽ có một số rủi ro nhất định cho đến khi thị trường nhận thấy sự kiện này không gây ra phản ứng dây chuyền và không ảnh hưởng đến nguồn cung dầu và khí ở khu vực Trung Đông.

Xung đột này ít tác động đến thị trường, trừ khi căng thẳng leo thang và trở thành chiến tranh khu vực bởi cả Israel và Palestine đều không phải là những quốc gia khai thác dầu mỏ lớn.

Quan điểm của CEO Vanda Insights cũng được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng đồng tình.

Ông Iman Nasseri, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn năng lượng Facts Global Energy cũng nhận định ảnh hưởng của xung đột đến giá dầu sẽ bị hạn chế, trừ khi xung đột giữa hai bên nhanh chóng mở rộng thành một cuộc chiến tranh khu vực, nơi Mỹ và Iran cùng những quốc gia khác trực tiếp ủng hộ các bên tham chiến.

Hay ông Pierre Andurand, thương nhân người Pháp quản lý một quỹ đầu tư về xăng dầu chia sẻ trên Twitter rằng vùng biển Levant không phải là khu vực sản xuất dầu lớn nên trong ngắn hạn, xung đột khó có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu.

Cuộc xung đột có thể tác động đến nguồn cung và giá cả, tuy nhiên cũng không nên kỳ vọng giá dầu sẽ tăng đột biến trong những ngày tới

Hầu hết chuyên gia đều cho rằng tác động của xung đột này đến thị trường dầu mỏ không lớn, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng căng thẳng có thể leo thang, mở rộng thành xung đột khu vực.

Phạm Mơ